Tình trạng ùn ứ rau gia vị tại một số tỉnh phía Nam diễn ra từ đầu tháng 9.2021 đến nay gây ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản.
Tại Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy kết nối cung cầu thực phẩm tươi sống cho TPHCM trong tình hình thực hiện giãn cách phòng chống COVID-19” tổ chức sáng 11.9, TS. Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác (CCD - thuộc Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II), thành viên Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) - cho biết: Từ 11 ngày nay đã xảy ra tình trạng ùn ứ bất thường của rau gia vị. Trong đó, rau ngò gai (mùi tàu), gừng, riềng cũng trong tình trạng dư thừa khá lớn. Mặc dù chưa có thông tin chính thức sự liên quan, nhưng TS Trần Minh Hải cho rằng, nguyên nhân có khả năng liên quan đến thông tin về chất Ethylene oxide trong mì ăn liền.
Tuy vậy, TS Trần Minh Hải cũng cho hay: Các sản phẩm nông sản đăng ký VietGAP, GlobalGAP đều tiêu thụ được với tỉ lệ 100%. Bên cạnh đó, một số địa phương áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, đưa mã QR Code cho nhà thu mua, dù chưa có VietGAP nhưng người mua vẫn biết được lần phun thuốc gần nhất là ngày nào, nên việc lưu thông, tiêu thụ khá hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ Công tác 970 của Bộ NNPTNT, ngay sau khi có thông tin này, ngành nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra lại hàng nông sản xuất khẩu sang EU.
“Tôi khẳng định, đến thời điểm này, các điều kiện xuất khẩu vào EU các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn đáp ứng được, kể cả mì gói. Những sản phẩm nông sản, thực phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn của EU vẫn đang lưu hành bình thường” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Về việc cung ứng hàng hóa, nông sản cho người tiêu dùng tại TPHCM, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: Qua 2 lần tổ chức diễn đàn tiêu thụ hàng hóa trực tuyến, các đầu mối cung ứng nông sản và cả phía đầu cầu tiêu thụ đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để chuỗi “cung - cầu” thông suốt, nông dân và hợp tác xã đã rút được nhiều kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM, thông tin về vấn đề chất Ethylene oxide trong mì Hảo Hảo, do là một doanh nghiệp FDI nên Công ty Acecook phải xử lý việc này một cách thận trọng, phải chờ ý kiến của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc tiêu thụ nguồn rau gia vị ở các địa phương bị chững lại. Hiện nay, Acecook đã đưa sản phẩm đi kiểm tra tại 2 đơn vị kiểm tra của nước ngoài và thông báo: Tất cả nguyên liệu về hạt, rau củ quả… sản xuất, tiêu thụ trong nước, được lấy mẫu bất kỳ thì hoàn toàn không có chất ethylene oxide trong sản phẩm.
Xem thêm: odl.823259-oah-oah-im-ned-nauq-neil-ogn-ihgn-man-aihp-hnit-cac-o-iv-aig-uar-u-nu/et-hnik/nv.gnodoal