Sẽ có thêm nhiều giải pháp để gia tăng nguồn cung thực phẩm cho TP.HCM trong thời gian tới - Ảnh: N.TRÍ
Đó là các nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong thời gian tới vừa được Sở Công thương thông tin trong nội dung về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Công thương, qua 18 ngày tiếp tục triển khai thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, tình hình giao thương hàng hóa, lương thực thực phẩm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với hoạt động cung ứng, phân phối lương thực thực phẩm đến với người dân.
Do đó, trong thời gian tới sở sẽ phối hợp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp được tiêm vắc xin nhằm chuẩn bị nguồn "nhân lực xanh" để tái sản xuất, phối hợp UBND các quận, huyện triển khai phương án đi chợ 1 tuần/lần cho người dân tại địa bàn quận 7 và huyện Củ Chi; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình các chợ truyền thống đang hoạt động, nghiên cứu đề xuất phương án mở lại các chợ vào thời điểm phù hợp.
Đối với lực lượng giao hàng, tổ chức cấp giấy đi đường cho các đối tượng ưu tiên, hỗ trợ lực lượng shipper (khoảng 20.000 người) trong triển khai các hoạt động giao nhận hàng hóa trên địa bàn, đồng thời xem xét tăng thêm lực lượng này trong thời gian tới để hỗ trợ việc giao nhận.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ chủ trương gia tăng các mạng lưới cung ứng hàng hóa, tăng cường tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa và khả năng dự trữ. Hiện thành phố có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích còn hoạt động.
Sở Công thương cho biết đã phối hợp với Sở Y tế, Công an thành phố và UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vắc xin; cấp giấy đi đường kịp thời cho các đối tượng (trung bình khoảng 550 hồ sơ/ngày).
Song song với “đi chợ hộ”, Sở Công thương cho biết đã triển khai nhiều biện pháp bổ trợ khác như tổ chức bán hàng lưu động, triển khai dự án Chợ Nghĩa tình (lũy kế đến nay đã tiếp nhận 22.524 đơn hàng của 13.034 hộ, với tổng giá trị hàng hóa đã tiêu thụ ước tính hơn 6,1 tỉ đồng)…
Tỉ lệ giải quyết đơn hàng đi chợ hộ đạt ở mức cao
Kết quả thực hiện (từ ngày 23-8 đến ngày 10-9-2021): Tổng số hộ đã đăng ký “đi chợ hộ” là 1.693.834 hộ, chiếm 67,31% tổng số hộ dân sinh sống trên địa bàn. Tổng số hộ đã được cung ứng hàng hóa là: 1.666.772 hộ, tỉ lệ giải quyết đơn hàng đạt 98,4% so với nhu cầu đăng ký.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng số hộ gia đình khó khăn, cần cấp túi an sinh là 1.400.146 hộ, chiếm 55,64% tổng số hộ trên toàn TP. Đến nay đã cấp 1.483.324 lượt hộ. Tùy theo tình hình nhu cầu cấp thiết thực tế tại các địa bàn, Trung tâm An sinh TP cấp phát 1-2 túi an sinh cho các hộ gia đình khó khăn.
Tổng mức bán lẻ giảm mạnh
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 8-2021 ước đạt 24.188 tỉ đồng, giảm 15,93% so với tháng trước và giảm 49,3% so với tháng 8 năm 2020; trong đó doanh thu bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm tháng 8 ước đạt 6.992 tỉ đồng, giảm 7,95% so với tháng trước và giảm 12,2% so với tháng 8-2020.
TTO - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc mở điểm trung chuyển ở chợ đầu mối Bình Điền phải chắc chắn, đảm bảo hoạt động an toàn để phục vụ nhu cầu người dân TP, dứt khoát không để lây lan dịch.
Xem thêm: mth.24081419111901202-ohc-cac-ial-om-uuc-neihgn-reppihs-gnoul-os-gnat-aig-mch-pt/nv.ertiout