Anh Nguyễn Trung Hiếu nhà ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp trồng khoảng một công (1.000 m2) bầu, bí, mướp, đậu đũa. Cuối tháng 8, đang vào vụ thu hoạch nhưng anh không tìm thương lái đến mua như trước.
Chợ xã cũng đóng cửa phòng dịch, bao nhiêu công sức đổ ngoài đồng nguy cơ mất trắng, anh tập tành lên Facebook bán hàng. "Ban đầu bán cho những người quen trên mạng, họ không thể đi chợ mà thấy mình bán giá rẻ nên đặt mua. Bao nhiêu cũng bán hết. Sau này mình tìm bán trên các hội, nhóm để nhiều người biết đến hơn", Hiếu kể.
Thấy hàng xóm nuôi vịt đẻ, trồng dừa cũng bí đầu ra, anh quyết định gom về bán chung trên không gian mạng. "Dừa tươi 10.000 đồng/trái, trứng vịt loại lớn 30.000 đồng/chục, bầu, mướp 10.000 đồng/kg, rau má 30.000 đồng/kg, bông súng 5.000 đồng/lọn. Có ship tận nhà", anh Hiếu rao combo của xóm mình.
Lịch hái và ship hàng của Hiếu được tính toán cẩn thận. Rau củ hái vào sáng sớm, không để qua đêm làm mất độ tươi ngon. Anh giao hàng luôn buổi sáng để khách hàng kịp nấu cơm. Để "ship" hàng được nhanh Hiếu tập hợp các đơn hàng cùng tuyến đường. Mỗi bọc anh ghi tên người mua, giá tiền lên mẫu giấy nhỏ.
"Làm thương lái mới biết nhu cầu người mua như thế nào, thị trường đang cần loại nào. Buôn bán cũng giúp mình tháo vát hơn. Để giữ mối, mình còn cho thêm ớt, rau thơm hoặc xả, có sẵn ngoài vườn. Trồng vụ sau là chủ động hơn rồi", Hiếu nói.
Gần đó, chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang cùng em gái trồng đậu bắp, cải, đậu đũa, rau muống, dưa gan xen với cây ăn trái và bán online. Ngày nào em gái chị, Thùy Trang cũng đi giao ít thì vài ký, nhiều có khi vài chục ký cho khách quen.
Vì chỉ giao hàng trong xã nên cô không gặp nhiều khó khăn và luôn đảm bảo 5K. Hôm nào đơn hàng ít, còn dư rau củ quả, Như sẽ chủ động đến các khu dân cư để chào hàng hoặc bày gian hàng nhỏ trước cửa nhà bán.
Trong "cái khó ló cái khôn" sau mùa đầu bán hàng thuận lợi, Như bàn với chị sẽ luân phiên các loại rau, củ để đổi thực đơn cho khách hàng. Bạn còn ấp ủ dự định tạo combo rau củ quả để đóng hàng gửi TP HCM khi nhận thấy nhu cầu khá lớn.
"Giá bán online thường cao hơn bỏ sỉ cho các thương lái 20-30% lại chủ động được đầu ra. Mua trực tiếp từ người trồng nên họ cũng được lợi về giá cả. Nông dân cũng không phập phồng giá cả như trước", Như chia sẻ.
Sản lượng ít nông dân có thể chủ động đầu ra nhưng nhiều hơn cần đến đầu mối tiêu thụ lớn. Gần hai tháng giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã tại Đồng Tháp phát huy vai trò thu mua hoặc kết nối, tiêu thụ nông sản nhất là thời điểm nông sản ùn ứ số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Hội quán Canh Tân, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết giữa tháng 8 nhãn Châu Thành gặp cảnh khó tiêu thụ vì thương lái không thể đến thu mua.
Từ thông tin kết nối của Sở Công thương Đồng Tháp, nhãn được khơi thông để tiêu thụ tại các cửa hàng Bách hóa xanh và nhiều đầu mối khác nhưng khó tìm nhân công thu hoạch, đóng gói vì giãn cách xã hội.
"Hội quán huy động nhân lực tại chỗ là những chủ vườn có kinh nghiệm để thu hoạch rồi cùng đóng gói. Sau đó, hội quán làm đầu mối tập kết nhãn giúp nông dân chuyển hàng qua các chốt, giao đến các xe tải chở hàng. Nông dân bán giá 10.000 đồng một ký cao giá hơn giá thị trường 2.000 đồng", ông Thuận cho biết.
Với cách thức bán trực tiếp, mỗi ngày hơn 3 tấn nhãn có đầu ra ổn định. Nông dân từ chỗ phụ thuộc vào thương lái nay có thể tự đóng gói, liên kết với nhau cùng với Hội quán, Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa để có nguồn cung lớn cho các đối tác, doanh nghiệp.
Ông Thuận cho biết đại dịch gây nhiều trở ngại về mặt giao thương nhưng đồng thời cũng buộc nông dân liên kết với nhau và gắn kết chặt chẽ hơn với hợp tác xã. "Kể cả sau dịch mối quan hệ mua chung, bán chung tạo nền tảng cho kinh tế hợp tác trong nông nghiệp", ông Thuận nói.
Không chỉ hình thành các liên kết để tìm đầu ra cho một loại nông sản, nhiều tỉnh thành ở miền Tây còn tạo combo nông sản là các đặc sản của địa phương. Hoạt động nằm trong chương trình kết nối, phân phối của Tổ công tác 970, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tại Đồng Tháp, Hội Nông dân tỉnh đang có các combo: "Sống Khoẻ" giá 200.000 đồng gồm 3 kg ổi, 2 kg chanh, 3 kg cam, 3 kg xoài, 2 kg khoai môn; Combo "Hạnh phúc" giá 100.000 đồng gồm khổ qua, cam, chanh, ổi mỗi loại 2 kg.
Tại Tiền Giang, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Mỹ Phong xây dựng combo giá 150.000 đồng với 0,5 kg cá biển, 0,5 kg gà, 2 kg rau muống, 3 kg dưa leo, 4 kg đậu bắp thu gom từ các vùng nguyên liệu lớn trong tỉnh. Đến nay hợp tác xã này đã bán được hơn 2.000 combo cho các khu phong tỏa của TP Mỹ Tho.
Chỉ tính riêng tỉnh Đồng Tháp, các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ của nhiều sở, ngành, hợp tác xã, hội đoàn thể như Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ..., đã giúp nông dân tiêu thụ trung bình 300 tấn nông sản, 100 tấn thuỷ sản mỗi ngày.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng, điểm nghẽn của một nền sản xuất "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" cần được vượt qua dựa trên tinh thần "liên kết - hợp tác", đáp ứng các nhu cầu, chuẩn mực của "thị trường", giúp giảm thiểu các rủi ro mùa vụ trong các điều kiện, hoàn cảnh bất thường xảy ra.
Ngọc Tài