Nhiều người dân ở TP.HCM, Hà Nội đang đi chợ trên các nhóm Facebook, Zalo trong thời gian TP thực hiện giãn cách - Ảnh: B.MAI
Vừa đặt 30 phút đã có thực phẩm giao tới tận nhà
Từ tháng 7 đến nay, gia đình anh Phạm Thanh Hải (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trở thành khách quen của một số người bán thực phẩm trên các nhóm Facebook.
"Bây giờ gần như quận nào cũng có nhóm "chợ online" trên Facebook. Từ khi TP giãn cách tất cả thịt heo, thịt bò, rau củ, trái cây... nhà tôi ăn đều được mua từ những người bán online này. Đặt tối thì sáng sớm sẽ giao, có khi vừa đặt chưa đầy 30 phút đã giao tới, thực phẩm rất tươi. Nhiều khi nhận hàng xong, đem vô nhà rồi mình mới chuyển khoản", anh Hải nói.
Cũng chuyên đi chợ online, chị Huyền Trang (quận 5) khoe không chỉ có thịt cá, rau củ, mà còn mua được cả chả giò, bún tươi, hải sản, trà sữa, hoa tươi... trên nhóm Zalo của khu dân cư chị đang ở.
"Đang giãn cách mà thứ gì cũng có, mua nhanh lắm, được hỗ trợ tiền ship", chị Huyền Trang cho hay.
Theo tìm hiểu, ngoài bán thực phẩm, nhiều chợ online trên các nhóm ở Facebook, Zalo còn bán đủ loại như cồn, nước rửa tay, dầu gió, khẩu trang, đồ em bé, dược phẩm, bình oxy...
Phần lớn khách hàng mua trên các chợ online đều dựa vào niềm tin, chỉ biết người bán qua mạng, khó kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Giá cả giữa những người bán cũng khá đa dạng.
Nhiều nhóm Zalo bán thực phẩm, thiết bị y tế - Ảnh chụp màn hình
Cẩn trọng bị lừa mất tiền, mất tài khoản Facebook
Bên cạnh những khách may mắn mua được hàng thì không ít người đã bị lừa tiền.
"Nhà mình đặt mua hàng theo combo nhưng thấy lâu giao quá nên lên nhóm chợ online trên Facebook để mua. Người bán nhắn phải chuyển khoản trước. Vừa chuyển hơn 1 triệu thì sau đó mình bị chặn tài khoản, không liên lạc được. Lúc đầu tưởng mua được, mừng hụt", Vi (quận Tân Bình) chia sẻ.
Không bị mất tiền, nhưng anh Trần Lương Trọng Hiếu (quận Bình Thạnh) xém bị mất tài khoản Facebook sau khi đặt mua thực phẩm online.
"Họ đăng hình là bán rau, nhưng mình vô hỏi mua thêm gạo, dầu ăn, trứng gà, nước lau nhà... họ đều nói ok, chốt đơn gọn gàng lắm. Tổng cộng hơn 300 ngàn, họ nói chỉ nhận chuyển khoản trước. Mình nói hổng sớm thì muộn cũng trả, giao hàng sẽ trả tiền mặt liền nhưng họ không chịu, đòi chuyển trước một nửa cũng được", anh Hiếu nhớ lại.
Đi chợ online trên Facebook nhiều lần, nhưng chưa lần nào phải chuyển khoản trước nên anh Hiếu đề phòng.
Tuy nhiên điều bất ngờ là: "Vừa cho số điện thoại và địa chỉ nhà xong thì họ lại nói gửi cho họ mã xác nhận. Kiểm tra tin nhắn thì đây là mã xác nhận tài khoản Facebook. Nếu đưa có khi họ vào đổi mật khẩu và lấy mất tài khoản của mình", anh Hiếu chia sẻ.
Đoạn tin nhắn trao đổi giữa anh Hiếu và "người bán hàng" trên chợ online. Anh Hiếu cho biết xém bị mất tiền, mất tài khoản Facebook chỉ vì mua thực phẩm - Ảnh: NVCC
Sau khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa, anh Hiếu đã đăng bài tố tài khoản này trên Facebook. Người chủ thật sự của Facebook này đã liên hệ và nói "bị hack lâu rồi".
Chuyện không dừng lại, sau khi bị anh Hiếu tố, người định lừa anh Hiếu còn đi tố lại anh.
"Họ thấy mình bán phụ tùng xe máy nhập ở Thái Lan nên nó vào Facebook của bạn bè mình để đăng bài nói mình lừa đảo, bịa chuyện nó đã chuyển trước 70% tiền mua phụ tùng nhưng bị mình lừa lấy mất", anh Hiếu không khỏi bức xúc.
Người bán trên chợ online dương tính COVID-19
Chiều 10-9, Sở Y tế Hà Nội thông báo ghi nhận 3 người là F1 của ca bệnh bán hàng online ở chung cư Rivera Park, 69 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân). Qua công tác truy vết, trường hợp F0 đã giao hơn 100 đơn hàng cho cả hai tòa A, B của chung cư này.
Đầu tháng 9, Hà Nội cũng ghi nhận một ca dương tính là người bán bún ốc online. Sau đó phát hiện nhiều ca khác dương tính từ ca chỉ điểm này.
"Tôi đặt mua thịt heo của một chị biết qua chợ online, sau đó đặt lại lần 2 thì chị nói lò bị phong tỏa rồi, tự nhiên thấy lo vì không biết người giao hàng có nhiễm COVID-19 không", anh Hữu (TP.HCM) chia sẻ.
TTO - TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người lao động nhằm chuẩn bị nguồn 'nhân lực xanh' để tái sản xuất. Đồng thời, sẽ gia tăng lực lượng shipper hoạt động, nghiên cứu mở lại các chợ để hỗ trợ nguồn cung cho người dân.