Hàng loạt nhà đầu tư bỏ cọc "tháo chạy"
Sau khi trải qua những tháng đầu năm phát triển “nóng”, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có dấu hiệu chững lại, khiến nhiều nhà đầu tư “vỡ mộng”.
Theo ghi nhận, trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa đang xảy ra tình trạng các nhà đầu tư trúng đấu giá đất chấp nhận chịu mất tiền cọc, không nộp tiền trúng đấu giá đất, khiến nhiều lô đất có kết quả đấu giá bị hủy.
Theo thông tin từ UBND huyện Quảng Xương, lãnh đạo Huyện vừa ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với 35 lô đất, lý do vì người mua không nộp đủ số tiền trúng đấu giá QSDĐ theo quy định. Tất cả số tiền đặt cọc của 35 lô đất trên sẽ được huyện Quảng Xương thu hồi theo quy định.
Cũng với tình trạng trên, tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, câu chuyện “vô tiền khoáng hậu” về 46 lô đất “quê” tại khu dân cư Đông Vũng Cao, thôn Bột Thương, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân đã đi đến hồi kết khi Huyện này đã hủy kết quả trúng đấu giá với 46 lô đất trên. Nguyên nhân do các nhà đầu tư trúng đấu giá không nộp tiền và thực hiện các thủ tục theo quy định, chịu mất tiền đặt cọc.
Trước đó, thời điểm đầu tháng 4/2021, 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch 938/QĐ- UBND ngày 2/6/2020, thuộc khu dân cư Đông Vũng Cao, thôn Bột Thương, xã Xuân Sinh được đem ra đấu giá. Đáng chú ý, tuy mặt bằng này là đất “quê”, với giá khởi điểm mỗi lô chỉ 250 triệu đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá đều được đẩy lên mức từ 1 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng mỗi lô đất, đã khiến dư luận xôn xao.
Tình trạng trên còn xảy ra tại huyện Hoằng Hóa. Trong tháng 8 vừa qua, UBND Huyện này cũng vừa ban hành các quyết định về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất đối với 50 lô đất trên địa bàn 2 xã Hoằng Thành và Hoằng Đồng, do người mua không nộp tiền trúng đấu giá đất đúng hạn theo quy định.
Theo một số nhà đầu tư bất động sản lâu năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc các nhà đầu tư bỏ cọc là điều dễ hiểu, bởi so với đầu năm, thị trường bất động sản hiện tại ảm đạm hơn rất nhiều, khiến giá và số lượng giao dịch sụt giảm.
"Thời điểm này, khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu đóng băng, giá trị hiện tại của các lô đất trúng đấu giá thấp hơn nhiều so với giá trúng đấu giá, vì vậy các nhà đầu tư “lướt sóng” đã chấp nhận cắt lỗ bằng việc chịu mất cọc, chạy thoát thân", ông Vũ Tiến Đại, một nhà đầu tư, môi giới bất động sản tại Thanh Hóa chia sẻ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lý Đình Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, trên địa bàn Huyện có tổng 46 lô đất đấu giá đã bị nhà đầu tư bỏ cọc, tập trung hết ở 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch tại xã Xuân Sinh. Thời điểm đầu năm nay, thị trường bất động sản giao dịch rất sôi sộng. Vì vậy, có thể các nhà đầu tư đã bỏ giá cao nhằm đầu cơ, “lướt sóng” bán qua tay để kiếm lời. Tuy nhiên sau đó thị trường bất động sản đã phát triển không như kỳ vọng, nên các nhà đầu tư này đành “bỏ của chạy lấy người”, chịu mất tiền cọc.
Nguồn thu "khủng" cho chính quyền, "lỗ hổng" pháp lý cho các nhà đầu cơ
Việc các nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc đã tạo ra nguồn thu lớn ”bất thường” cho các địa phương này. Trong đó, có những địa phương ít thì thu vài tỷ đồng, nhiều thì dự kiến có thể lên tới cả trăm tỷ đồng, nếu tình hình này vẫn tiếp diễn trong thời gian ngắn sắp tới.
Điển hình như huyện Quảng Xương, địa bàn nằm sát Tp.Thanh Hóa - trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Những năm qua, Huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh với hàng loạt các dự án khu dân cư, khu đô thị mới mọc lên san sát.
Với lợi thế đường bờ biển trải dài tới hàng chục cây số, Huyện sở hữu rất nhiều mặt bằng “nóng”, thu hút hàng nghìn hồ sơ tham gia mỗi phiên đấu giá đất tại đây. Bởi thế, các mặt bằng mỗi khi đưa ra đấu giá đều bán rất nhanh, với giá trúng đấu giá cao, có nơi cao gấp vài lần so với giá khởi điểm.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, việc hủy kết quả trúng đấu giá QSDĐ nói trên là do hết thời gian theo quy định của pháp luật. Kể từ khi trúng đấu giá đến khi hết hạn nộp tiền mà người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ số tiền trúng đấu giá, bắt buộc UBND huyện phải có thông báo hủy kết quả trúng đấu giá.
Cũng theo ông Dự, những người trúng đấu giá với giá cao đến thời điểm phải nộp tiền theo quy định sẵn sàng bỏ cọc, chứ không nộp tiền đã trúng với giá “trên trời” tại các phiên đấu giá hồi đầu năm. Trong thời gian tới, nếu tất cả các mặt bằng trên địa bàn huyện Quảng Xương đã đưa ra đấu giá QSDĐ mà người trúng đấu giá không nộp tiền, hủy kết quả đấu giá, có thể Huyện sẽ thu về số tiền “khủng” lên tới cả trăm tỷ từ các khoản đặt cọc bị bỏ lại của các nhà đầu tư.
Mặc dù các địa phương thu được những khoản tiền tương đối lớn, nhưng việc sẽ phải tổ chức đấu giá lại các lô đất bị hủy kết quả đấu giá. Về lâu dài, nếu tiếp diễn sẽ gây lãng phí nguồn lực chung của xã hội và ảnh hưởng tới kế hoạch ngân sách, phát triển của địa phương.
“Việc các nhà đầu tư không hoàn thành việc nộp tiền trúng đấu giá đất, về lâu dài ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội mà địa phương đã đề ra trước đó. Sắp tới, chính quyền địa phương dự kiến sẽ nghiên cứu, đề xuất với cơ quan chuyên môn cấp trên có giải pháp phù hợp theo tình hình thực tế phát sinh, tránh lặp lại tình trạng này”, ông Lý Đình Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân nêu ý kiến.
Liên quan vấn đề này, Luật sư Lê Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Luật Khang Lợi, có địa chỉ tại Tp.Thanh Hóa cho biết: Khoản 4, Điều 14, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, về việc thu tiền sử dụng đất quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất; trong vòng 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại; quá thời hạn quy định, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất chưa nộp đủ số tiền theo thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế, trừ trường hợp có đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất đối với những trường hợp được ghi nợ.
Trên cơ sở đó, người trúng đấu giá có thể không nộp tiền hoặc kéo dài thời gian gian nộp tiền sử dụng đất theo quy định, để có thể nhằm mục đích đầu cơ “lướt sóng”, chờ bán qua tay kiếm lời, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch ngân sách địa phương. Thông thường, việc đặt cọc đấu giá được tính theo phần trăm giá trị tài sản đấu giá, dao động từ 5% đến 20%, tùy từng trường hợp và tối đa không quá 20% giá trị tài sản đấu giá theo luật hiện hành quy định.
Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng trên, Luật sư Lê Văn Thiện cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần bám sát tình hình thực tế, có các biện pháp như hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, nội quy đấu giá, nâng giá trị phần trăm đặt cọc và rút ngắn thời gian nộp tiền.
Việt Phương