Khoản lỗ khổng lồ
Tập đoàn đa ngành Berkshire Hathaway là một trong những cái tên lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm thông qua việc sở hữu các công ty con như Geico, National Indemnity, và General Reinsurance.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, mảng bảo hiểm của Berkshire đã phải ghi nhận khoản lỗ trước thuế ước tính 2,4 tỷ USD do chi phí bồi thường thiệt hại, dẫn tới lợi nhuận ròng hợp nhất của cả tập đoàn bị giảm 1,5 tỷ USD (tương ứng với EPS sụt 982 USD).
Năm 2001, Berkshire báo cáo lãi ròng chỉ 795 triệu USD, giảm tới 76% so với năm trước đó và là mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Theo Business Insider, Berkshire đã phải bồi thường khoảng 3-5% tổng thiệt hại toàn cầu liên quan tới vụ khủng bố 11/9.
Con số thiệt hại 2,4 tỷ USD nghe có vẻ lớn nhưng vẫn chưa là gì nếu thảm họa tồi tệ nhất xảy ra. Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post vào tháng 11/2001, Buffett nhận định: "Nếu Osama bin Laden có một vũ khí hạt nhân thì vụ tấn công có thể khiến cho gần như toàn bộ ngành bảo hiểm phá sản, bao gồm cả Berkshire Hathaway".
Ông ước tính nếu một vụ tấn công hạt nhân xảy ra, tổng thiệt hại cần phải thanh toán có thể vượt 1.000 tỷ USD, lớn hơn toàn bộ giá trị của các doanh nghiệp bảo hiểm tài sản và nhân mạng trên thế giới.
Warren Buffett nhận lỗi: Dự báo được nhưng không hành động
Trong thư gửi cổ đông của Berkshire Hathaway năm 2001, Warren Buffett đã tự nhận trách nhiệm về mình do biết rõ nguy cơ thua lỗ vì các vụ tấn công khủng bố nhưng không điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mảng bảo hiểm một cách tương xứng.
Tôi đã vi phạm quy tắc Noah: Chỉ dự báo được trận đại hồng thủy thì chẳng có nghĩa lý gì cả, quan trọng là phải làm được một con thuyền lớn".
Warren Buffett, Chủ tịch Berkshire Hathaway
"Các nhà bảo hiểm đều phải trả giá đắt khi phớt lờ các loại rủi ro mới. Nếu không tính đến nguy cơ khủng bố, toàn ngành bảo hiểm có thể phá sản", Buffett nói với cổ đông.
Không ai biết chính xác khả năng xảy ra một vụ đánh bom hạt nhân hoặc tấn công bằng vũ khí sinh học. Tuy nhiên, Buffett biết chắc một số đặc điểm:
1. Xác suất của các thảm họa này là rất thấp, nhưng không phải là bằng 0.
2. Xác suất xảy ra thảm họa khủng bố đang tăng lên một cách bất thường và không đo đếm được do việc tìm kiến thức và các loại vật liệu cần thiết ngày càng dễ dàng đối với kẻ xấu. Sự sợ hãi của con người có thể vơi đi theo thời gian nhưng những nguy hiểm thì không.
Cuộc chiến chống khủng bố là không thể thắng được. Điều tốt nhất nước Mỹ có thể đạt được là thế bế tắc kéo dài. Với một kẻ thù như con rắn nhiều đầu Hydra thì chúng ta không thể tận diệt được.
3. Cho đến lúc này (2001), các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm vẫn đang vui vẻ đón nhận nghĩa vụ tài chính từ những rủi ro không thể đo lường được mà tôi (Buffett) vừa kể ở trên.
4. Trong một kịch bản gần như xấu nhất, thiệt hại có thể lên tới 1.000 tỷ USD và ngành bảo hiểm sẽ sụp đổ nếu không tìm ra cách hạn chế rủi ro tài chính đến từ các vụ khủng bố. Chỉ chính phủ Mỹ mới có khả năng chống chịu thiệt hại cỡ này.
Vị chủ tịch của Berkshire Hathaway cho rằng việc các công ty bảo hiểm phải trả tiền bồi thường cho những rủi ro mà trước đây không thu phí tương ứng là một "sai lầm" và "điều ngu xuẩn".
"Chúng tôi sẵn sàng trả 2-2,5 tỷ USD cho một vụ việc (giống như đã làm trong vụ 11/9) nếu chúng tôi thu được mức phí thỏa đáng để gánh chịu những rủi ro gây ra vụ việc đó. Trong vụ khủng bố 11/9, chúng tôi đã không thu phí hợp lý", Buffett nói.
Sau ngày 11/9/2001, Berkshire Hathaway là một trong số ít các tập đoàn cung cấp nhiều sản phẩm bảo hiểm được thiết kế riêng cho các sự kiện khủng bố như tấn công hạt nhân, hóa học, sinh học. Berkshire đã bán bảo hiểm khủng bố cho nhiều hãng hàng không quốc tế, tòa tháp Sears Tower ở Chicago và một giàn khoan dầu ở Biển Bắc, tỷ phú Buffett cho biết.
"Dù thế giới có gặp vấn đề gì thì Berkshire cũng chi trả được", vị tỷ phí tuyên bố. "Berkshire có nguồn thanh khoản khổng lồ, thu nhập phi bảo hiểm rất lớn, cách tính thuế có lợi và các cổ đông thông thái, sẵn sàng chấp nhận biến động trong lợi nhuận. Tất cả những nhân tố này cho phép Berkshire tiếp nhận những rủi ro lớn hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh".
Tuy Berkshire bán nhiều sản phẩm bảo hiểm liên quan tới nguy cơ khủng bố sau vụ 11/9 nhưng công ty cũng giới hạn mức độ chi trả. Một vụ tấn công hạt nhân lớn có thể đe dọa sự tồn tại của Berkshire còn một vụ tấn công sinh học vào một nhà máy hay tòa tháp văn phòng lớn có thể dẫn tới thiệt hại khổng lồ tới mức "thua lỗ trong vụ sập tòa tháp đôi 11/9 sẽ chẳng là gì khi đem ra so sánh".
Charlie Munger, Phó Chủ tịch của Berkshire và là người cộng sự lâu năm của Buffett coi 11/9 là một bài học quan trọng: "Vụ khủng bố 11/9 giúp chúng tôi đỡ ngu xuẩn, bớt yếu đuối và ít tùy tiện hơn".