Ông Hoàng Vĩnh Giang (phải) tham gia các hoạt động của thể thao Việt Nam trong vai trò phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Sau giấc ngủ trưa ngày 11-9, ông Hoàng Vĩnh Giang đã ra đi nhẹ nhàng trong ngôi nhà của mình ở tuổi 75. Hai ngày qua, các học trò, đồng nghiệp, truyền thông... gửi lời tiếc thương vì những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp thể thao nước nhà.
Người đàn ông đa tài
Ông Hoàng Vĩnh Giang (sinh năm 1946) sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc ở làng Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bố ông là cố giáo sư Hoàng Minh Giám (bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945). Từ nhỏ, ông Hoàng Vĩnh Giang đã là cậu bé thông minh, được giáo dục bài bản. Thế nhưng ông lại có niềm đam mê đặc biệt với thể thao và trở thành kỷ lục gia nhảy cao Việt Nam với mức xà 1,96m.
Là VĐV xuất chúng của thể thao Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang sau đó đi học tại Liên Xô và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện TDTT Kiev năm 1981. Học cùng với ông giai đoạn đó tại Liên Xô còn có những "cây đại thụ" của thể thao Việt Nam như: GS Dương Nghiệp Chí, TS Ngô Tử Hà...
Không chỉ đam mê nhảy cao, ông Giang còn đam mê và rất giỏi nhiều môn thể thao khác như: bóng rổ, boxing, võ cổ truyền Việt Nam, Vịnh Xuân quyền. Trong thời gian học tại Liên Xô, ông Hoàng Vĩnh Giang còn là một võ sư Vịnh Xuân nổi tiếng.
Ông Dương Nghiệp Khôi (nguyên phó tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, em trai cố GS Dương Nghiệp Chí) chia sẻ: "Những năm 1960 - 1970 ở Hà Nội, cứ vào tối thứ bảy, anh Giang thường đưa vợ và con gái đến nhà thăm bố mẹ tôi và anh Chí, rồi ngủ lại để sáng hôm sau sang SVĐ Hàng Đẫy thi nhảy cao. Sau khi từ Liên Xô về nước, anh Dương Nghiệp Chí về Đại học TDTT Từ Sơn, anh Giang về làm phó rồi giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Anh Chí luôn nói với tôi: Anh Giang giỏi lắm, thông minh tuyệt đỉnh. Chỉ riêng về ngoại ngữ, anh Giang đã khác người rồi, toàn tự học mà giỏi nhiều thứ tiếng".
Trong vai trò giám đốc Sở TDTT Hà Nội những năm 1990, đầu thập niên 2000, ông Hoàng Vĩnh Giang đã để lại di sản to lớn cho thể thao Hà Nội và VN. Với chủ trương "đi tắt đón đầu, lấy nữ làm chủ công", ông Giang đã đưa rất nhiều môn thể thao mới vào Việt Nam và giúp nó bay cao như: đấu kiếm, wushu, boxing, vật, judo, silat...
Ông Giang cũng là người đã đưa hàng trăm VĐV tài năng của thể thao Hà Nội, trong đó có những VĐV mới 6-7 tuổi như Ngân Thương, Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Chí Đông, Lan Anh (điền kinh), Nam Hải (bóng bàn)... sang Trung Quốc tập huấn dài hạn. Những VĐV đi Trung Quốc "nằm gai nếm mật" nhiều năm đã giúp thể thao VN giành vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 2003 ở VN.
"Bộ óc" của thể thao VN
Không chỉ là một nhà quản lý, hoạch định thể thao xuất sắc, ông Hoàng Vĩnh Giang còn là "nhà ngoại giao thể thao" số 1 Việt Nam. Với chuyên môn giỏi, đọc thông viết thạo nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung, Nga... ông Giang được mệnh danh là nhà ngoại giao của thể thao VN nhiều thập niên qua.
Với tư cách phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN (VOC), ông đã được bầu làm phó chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, tham gia ban chấp hành Hội đồng Olympic châu Á (OCA) từ năm 2007 đến nay. Trong giai đoạn 2009 - 2016, ông Hoàng Vĩnh Giang còn được bầu làm phó chủ tịch OCA. Là người VN từng nắm giữ các vị trí cao ở các tổ chức thể thao quốc tế khu vực và châu lục, ông Hoàng Vĩnh Giang vinh dự được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trao tặng giải thưởng quốc tế vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào Olympic VN và phong trào Olympic quốc tế.
Trong hai thập niên qua, thể thao Việt Nam đã đăng cai 3 đại hội thể thao quốc tế lớn: SEA Games 2003, Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016, tất cả đều có công lớn của ông Giang. Những năm qua dù tuổi cao nhưng ông Giang vẫn là quan chức có uy tín nhất của thể thao VViệt Nam N và thể thao Đông Nam Á. Nhiều quyết sách quan trọng của thể thao khu vực xuất phát từ chính "bộ óc" Hoàng Vĩnh Giang.
Không biết đến bao giờ mới có một ông Giang "mới"?
Ông Tần Lê Minh - chánh văn phòng Tổng cục Thể dục thể thao - cho biết: "Ông Hoàng Vĩnh Giang đã sống một cuộc đời lẫy lừng. Với thể thao, ông là nhân vật xuất chúng cả trong hoạt động nghề nghiệp lẫn công tác quản lý. Ông còn là người tinh thông kinh sử, hiểu biết sâu sắc về văn hóa bốn phương, sử dụng thành thạo 6-7 ngoại ngữ và là một nhà ngoại giao bẩm sinh. Không biết đến bao giờ thể thao Việt Nam mới lại có một quan chức tham gia bộ máy lãnh đạo của OCA và có được tiếng nói như ông Hoàng Vĩnh Giang. Sự ra đi của ông là một mất mát rất lớn".
Xin được vĩnh biệt ông, nhà quản lý thể thao, nhà ngoại giao thể thao tài ba, cây đại thụ của thể thao Việt Nam hiện đại.
TTO - Ngày 11-9, ông Hoàng Vĩnh Giang - phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, phó chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á - đã đột ngột qua đời, hưởng thọ 75 tuổi.
Xem thêm: mth.71593419031901202-1-os-oaht-eht-oaig-iaogn-ahn-teib-hniv/nv.ertiout