Đại tướng Phùng Quang Thanh (phải) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn dự Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung, tháng 3-2016 - Ảnh: NGUYỄN HÒA
Trong những năm qua, hoạt động đối ngoại quốc phòng nước ta có những bước tiến vượt bậc, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.
Đóng góp cho sự phát triển của hoạt động đối ngoại nói riêng cũng như nền quốc phòng Việt Nam hiện đại có dấu ấn và vai trò quan trọng của Đại tướng Phùng Quang Thanh, một "anh hùng thời chiến, và là người kiến tạo của thời bình".
Vị tướng trận có nét chữ hào hoa
Tôi được làm cấp dưới trực tiếp của anh từ năm 2005, tròn 10 năm từ khi anh được Đảng và Nhà nước phân công nhiệm vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến khi anh nghỉ công tác.
Khi đó tôi là Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Theo quy định, hằng ngày tôi phải báo cáo tham mưu bằng văn bản, hằng tuần lên báo cáo trực tiếp với anh. Có thể nói hơn 3 năm, không khi nào anh bỏ quy định ấy.
Điểm đặc biệt của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là anh rất chăm đọc, đọc hết và nhớ rất kỹ tất cả những gì cần thiết. Trên các văn bản đã "qua tay" anh, hầu như không có trang nào không có ghi chú, trang đầu nào cũng có dòng bút phê: "Báo cáo này như thế nào? Có những điểm gì chú ý? Cần làm gì tiếp theo…".
Rất ngạc nhiên là chữ của vị tướng trận lại rất đẹp, giọng văn thanh thoát, dễ hiểu. Anh sinh ra và lớn lên trong gian khó, từ một người lính cấp thấp nhất mà kiên trì phấn đấu, kinh qua bao gian nan thử thách để tới cấp hàm cao nhất trong quân đội.
Chẳng biết anh dành thời gian lúc nào để nghiên cứu, hiểu biết rộng, còn luyện được nét chữ vừa đẹp, vừa hào hoa, thể hiện trình độ văn hóa như của một nhà khoa học thực thụ. Với một người Thủ trưởng như thế, thật là thuận lợi cho cấp dưới, đúng sai rõ ràng, việc ai người đấy làm, và đã làm là phải hoàn thành tốt.
Có sai thì sửa...
Có lần, anh không đồng tình với một bản báo cáo quan trọng của Tổng cục II, kêu gấp tôi lên và phản bác rất căng. Còn tôi thì đương nhiên là đầu tiên cứ phải gân lên "tự bảo vệ mình", cãi cho bằng được. Khi ấy anh vẫn kiên trì giải thích quan điểm của mình, dù có lúc hai anh em đỏ mặt với nhau.
Và rồi dù "cứng đầu cứng cổ", tôi cũng nhận ra những thiếu sót của mình, lựa lời: "Báo cáo anh, một số nội dung chưa phù hợp. Đấy là ý kiến của tôi, nên tôi chịu trách nhiệm. Xin nhận kiểm điểm với anh và với Bộ". Không ngờ anh dịu giọng: "Trời ơi cái ông này. Có sai thì sửa, chứ lần nào sai cũng nhận khuyết điểm… thì anh em mình kiểm điểm cả đời à?".
Chuyện ấy tuy nhỏ nhưng tôi nhớ mãi, càng ngấm, càng hiểu về một con người nghiêm khắc, có tính nguyên tắc cao nhưng hiền lành, nhân hậu, chỉ nhìn vào việc lớn.
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH
Năm 2009, tôi được bổ nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách nghiên cứu chiến lược và đối ngoại. Ngày ngày cùng làm việc ở một văn phòng, cùng ăn chung một bếp, cùng sinh hoạt một Đảng bộ với anh. Khăng khít, mật thiết vô cùng.
Có thể nói gần 7 năm làm cấp phó trực tiếp của anh là thời gian đầy ắp các sự kiện, các biến động của tình hình khu vực và thế giới. Đó cũng như là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới của công tác đối ngoại quốc phòng, mà thành quả của nó hôm nay nhìn lại không ai có thể phủ nhận.
Trên chặng đường dài với nhiều bước phát triển vượt bậc ấy, một động lực quan trọng hàng đầu chính là tư duy và hành động của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Anh nhận thức rất đầy đủ và rất sớm vai trò quan trọng của đối ngoại quốc phòng, có cái nhìn xa về mục tiêu cần đạt được. Anh biết rõ rằng mình phải làm những gì, và giao cho những ai thực hiện những định hướng đó thành công.
Lễ khai mạc ADMM+ lần đầu tiên, Hà Nội tháng 10-2010 - Ảnh: KHỔNG MINH KHÁNH
Vào thời gian cuối nhiệm kỳ Bộ trưởng thứ nhất của anh, cũng là thời điểm tôi mới bắt đầu nhận nhiệm vụ Thứ trưởng (tháng 3-2009), khi giao việc cho tôi, anh chỉ nêu ngắn gọn, mà theo anh nói là "cần làm".
Đó là: "Nâng cấp quan hệ với các nước lớn. Đặc biệt chú trọng thúc đẩy quan hệ đa phương. Và, xem xem cái ‘Gìn giữ hòa bình’ có thể khởi động như thế nào?". Không ngờ những điều ngắn gọn mà anh nói là "cần làm" đó đã định hướng cho hoạt động đối ngoại quốc phòng trong một thời gian dài, cho đến tận hôm nay, và tôi nghĩ còn cho nhiều năm sau nữa.
Và cũng chỉ ngắn ngủi trong một nhiệm kỳ sau đó, cả ba điều mà anh tâm đắc trong chiến lược đối ngoại quốc phòng đã trở thành một bộ phận quan trọng của Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, mà người đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc ấy chính là Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Một điểm quan trọng mà Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn nhấn mạnh, đó là phải thúc đẩy đối ngoại quốc phòng của Việt Nam để góp phần thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định an ninh khu vực và trên thế giới. Không gì khác, đó là phương cách "bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa".
Trở lại thời điểm trước năm 2010, ở cấp độ khu vực, trong hoạt động hợp tác quốc phòng - an ninh đa phương Việt Nam đã từng bước chủ động tham gia vào các cơ chế hợp tác của Hiệp hội như ARF, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM).
Thế nhưng điểm nhấn cao trào nhất đã thực sự diễn ra kể từ năm 2010, trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Đó là khi Việt Nam tổ chức thành công ADMM+ lần đầu tiên tại Hà Nội và đưa ra nhiều sáng kiến như: An ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình...
Bên cạnh hợp tác đối ngoại quốc phòng đa phương, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng rất quan tâm thúc đẩy các hoạt động đối ngoại song phương, đặc biệt là với các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
Đại tướng Phùng Quang Thanh (trái) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn dự Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung, tháng 3-2016 - Ảnh: NGUYỄN HÒA
Với Trung Quốc, bắt đầu từ nhiệm kỳ lãnh đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh, hai Bộ Quốc phòng đã triển khai nhiều hợp tác quan trọng như: Phối hợp tuần tra liên hợp nghề cá trên vịnh Bắc Bộ; Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; Thỏa thuận hợp tác biên phòng... Đồng thời không ngừng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đặc biệt với các nước láng giềng: Lào, Campuchia.
Đặc biệt, sáng kiến tổ chức "Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt - Trung", do Việt Nam khởi xướng được nước bạn Trung Quốc hết sức ủng hộ và khâm phục vì tầm nhìn xa rộng của Việt Nam cũng như hiệu quả thiết thực mà nó mang lại, mang đậm dấu ấn cũng như nỗ lực chỉ đạo, ủng hộ của anh.
Điều khiến tôi rất ấn tượng, là quan điểm hợp tác với Hoa Kỳ mà anh - một anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ lại đặc biệt quan tâm, hoạch định theo một lộ trình do ta chủ động ngay từ đầu. Từ việc kiên trì phương châm "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" đã tạo ra điều kiện thuận lợi để hai nước ký kết "Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng" năm 2011 và sau đó là một loạt hoạt động đối thoại an ninh chính trị, quân sự cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau.
Vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, tháng 6-2015, hai nước đã ký kết "Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ" với 5 nội dung lớn đem lại lợi ích chiến lược cho đất nước ta, củng cố hòa bình khu vực, được phía Mỹ coi trọng và cộng đồng quốc tế hoan nghênh, ủng hộ.
Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng, tháng 6-2015 - Ảnh: HỒNG PHA
Một thành công đặc biệt nữa mang đậm dấu ấn của anh là việc chúng ta tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (bắt đầu từ năm 2014). Việc này đã được trù tính từ hơn 10 năm trước, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Khó khăn bên ngoài cũng nhiều, mà trở ngại bên trong cũng không ít, nhất là về sự thống nhất trong nội bộ ta.
Ngay chính anh, thời gian đầu cũng rất thận trọng trong vấn đề này. Nhưng khi thấy đây là việc cần làm, anh đã "xắn tay áo" trực tiếp vào cuộc, vào cuộc rất mạnh mẽ. Từ việc nghiên cứu tình hình (anh đọc và nghe rất kỹ, nhiều lần về vấn đề này), đến việc đi khảo sát, chuẩn bị lực lưọng, xác định mục tiêu…
Khi đã "chín" thì anh cương quyết làm, và làm bằng được. Anh căn dặn chúng tôi: "Đây là việc mới, và là việc khó. Nên phải rất thận trọng, làm từng bước, vừa làm vừa thăm dò, rút kinh nghiệm. Nhưng kiên quyết làm, và đã ra quân là phải thắng lợi!".
Nếu kể hết về Đại tướng - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trong những câu chuyện về đối ngoại Quốc phòng, có lẽ phải có một cuốn sách dầy dặn, mà tôi thật may mắn và vinh dự là người trực tiếp chứng kiến gần nhất, sát nhất, thường xuyên nhất với anh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh trao Quân kỳ Quyết thắng cho Trung tâm GGHB Việt Nam (nay là Cục GGHB Việt Nam), tháng 5-2014 - Ảnh: PHONG TÂN
Bản lĩnh người Anh hùng và tấm bảng vàng lịch sử
Có một kỷ niệm nhỏ xin được kể lại, đó là lần tôi tháp tùng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 5 tại Bangkok vào tháng 11 năm 2009, thời điểm Việt Nam chuẩn bị đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm sau, 2010.
Khi đó có một vấn đề lớn đặt ra, là nước nào cũng rất muốn trở thành chủ nhà, là "đầu tàu", là người sáng lập ra diễn đàn ADMM+, một cơ chế đối thoại giữa khối ASEAN với các nước đối tác đều là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, tạo thành một điểm tựa của hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực.
Tính chất đặc biệt của ADMM+ khiến các nước trong khối ASEAN chưa đạt được sự nhất trí, trong thâm tâm "anh nào" cũng nóng lòng như lửa đốt, ngấm ngầm lặng thinh quan sát chờ cơ hội đến tay mình. Đoàn Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà năm sau, khi tổ chức tham vấn các nước ASEAN đều nhận được câu trả lời giống nhau: "rất cần, rất tốt, rất khó" và… nên chờ.
Sau mấy ngày dự hội nghị, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chủ trì họp đoàn, đánh giá tình hình và dự kiến phát biểu phiên bế mạc. Cả đoàn, mỗi người có một ý kiến khác nhau nhưng rốt cục lại vẫn là "Rất cần, rất tốt nhưng khó lắm. Và… nên chờ?!". Nghe xong, chỉ thấy anh đăm chiêu mà không nhận xét gì, nên chúng tôi vẫn cứ theo cái điệu "rất cần, rất tốt, nhưng rất khó…" ấy mà chuẩn bị dự thảo bài phát biểu cho trưởng đoàn.
Ngày hôm sau tại hội nghị, tất cả các đoàn trong ASEAN đều chờ đợi ý kiến của Việt Nam khi đưa ra dự kiến cho chương trình năm sau. Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu theo tài liệu đã chuẩn bị. Nhưng đột nhiên, chúng tôi thấy anh bỏ văn bản xuống, trầm ngâm giây lát rồi ngước mắt nhìn thẳng, cất tiếng nói nhẹ nhàng, khoan thai nhưng rất dứt khoát: "Việt Nam dự kiến sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên, vào mùa thu năm 2010, tại Hà Nội".
Cả hội nghị ồ lên, còn đoàn Việt Nam thì giật nảy người. Không dừng lại, Đại tướng tiếp tục: "Nếu các nước ASEAN thống nhất thì các nước khác cũng sẽ ủng hộ chúng ta. Nếu làm được thì sẽ mang lại lợi ích chung cho ASEAN. Việt Nam thực sự quyết tâm, còn được hay không là do ASEAN!". Tuyên bố chắc như đinh đóng cột.
Từ sau câu nói đó của anh thì hội nghị chỉ còn xoay quanh chủ đề ADMM+, chúng tôi rất ngạc nhiên và cũng rất vui mừng vì các trưởng đoàn khác đều bày tỏ sự ủng hộ ý kiến của trưởng đoàn Việt Nam. Mặc dù mới hôm qua thôi, nước nào cũng đều tỏ ra băn khoăn, lấp lửng nước đôi khi trao đổi với ta.
Tôi hiểu rằng sự chuyển hướng ban đầu ấy của họ, bởi vị thế, vai trò của đất nước và Quân đội Việt Nam, nhưng đồng thời họ cũng bị thuyết phục bởi ý kiến khẳng định chắc nịch của anh, bởi uy tín cá nhân của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu khai mạc ADMM+ lần đầu tiên, Hà Nội tháng 10-2010 - Ảnh: KHỔNG MINH KHÁNH
Nhưng thách thức, khó khăn trong sự kiến tạo ADMM+ mới chỉ bắt đầu, vì lúc này cơ chế đó mới chỉ là cái tên gọi, còn nội dung hoạt động chưa hề có gì. Đặt tên là ADMM "cộng", vậy thì "cộng" mấy? Nội dung "cộng" đó như thế nào, thể thức ra sao?
Chúng ta, nước chủ nhà Việt Nam cần phải xây dựng tất cả những khung khổ đó, phải tạo được sự thống nhất "đến từng dấu phẩy" trước khi đi đến hành động chung với cả 10 nước ASEAN và sau đó tiến đến sự đồng thuận với tất cả các đối tác "cộng", đều là những quốc gia lớn hàng đầu thế giới.
Vì vậy trong đoàn Việt Nam, mặc dù rất phấn khởi trước thuận lợi ban đầu, nhưng ai cũng lo lắng, không biết sẽ phải làm những gì, làm như thế nào với một núi công việc như vậy, mà thời gian từ nay đến đó chỉ còn vỏn vẹn hơn 10 tháng.
Khi hội nghị kết thúc, mọi người đều bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, vui vẻ: "Hẹn gặp mùa thu Hà Nội năm sau!". Lúc về đến khách sạn, tôi sang phòng trưởng đoàn, thấy anh mệt lả sau 4 ngày kín đặc lịch họp hành, chiêu đãi, tham quan…
Anh lại bị bệnh khó thở, phải dùng chụp khí oxy, trông thương lắm (cũng ít ai biết, trong lần dự giao lưu Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên, trong suốt chuyến đi biên giới năm ấy, trong xe của anh đều phải mang theo bình oxy để chống chọi với những cơn khó thở giày vò).
Mệt là thế, vậy mà anh vẫn ngồi bật dậy, nói với tôi: "Anh mời anh em sang họp nhé", tôi đáp: "Anh mệt thế này, nghỉ đi rồi về nhà họp cũng được. Tối nay, ngày mai cũng kín hết lịch rồi". Anh bảo: "Không nghỉ được, phải tranh thủ dịp này. Còn thời gian chiêu đãi tối nay, ta chủ động thăm dò, ngày mai gặp các đoàn triển khai luôn ông ạ"…
Tôi mời cả đoàn sang phòng anh, lúc đó người nào cũng phân vân, thậm chí lo lắng, nên chưa ai phát biểu gì. Anh nói luôn: "10 năm mới có một lần mình làm chủ nhà, nếu không làm sẽ lỡ thời cơ. Tình hình an ninh khu vực càng ngày càng phức tạp, nhất là tình hình Biển Đông. Nước nào cũng muốn làm, vấn đề là có anh nào cương quyết dám làm, dám kêu gọi và có khả năng tổ chức thành công thôi! Vậy nên tôi quyết định như vậy. Phải cố gắng hết sức để làm cho thành công!".
Tất cả đều im lặng, anh nhìn quanh một lượt rồi hỏi: "Thế ý anh Vịnh thế nào?". Tôi đáp: "Báo cáo anh, Tư lệnh đã nổ súng lệnh, quân lính hò reo xông lên thôi…". Anh cười vui vẻ, thế là mọi người quay ra bàn luôn những việc cần làm ngay lúc đó. Tính luôn trong buổi tối chiêu đãi, trưởng đoàn sẽ gặp ai, nói gì? Ngày mai lúc gặp song phương thì Bộ trưởng sẽ nêu ý tưởng gì, đề nghị hợp tác hỗ trợ ra sao? Tuyên truyền báo chí như thế nào…?
Ông Bộ trưởng mặc áo may ô chủ trì cuộc họp...
Mải nói chuyện, tôi thấy cái mặt nạ oxy đã bị bỏ rơi xuống đất từ khi nào, còn ông Bộ trưởng chủ trì cuộc họp đại sự thì vẫn đóng cái quần pijama và cái áo may ô đã cũ… Giá mà có phóng viên ảnh nào ghi lại cảnh đó, với câu chú thích: "Cuộc họp trù bị đầu tiên của cơ chế hợp tác an ninh khu vực ADMM+. Bangkok, ngày 5-11-2009 do Chủ tịch ADMM+ đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh chủ trì"…. thì chắc là "đắt" lắm.
Rồi anh dặn tôi: "Anh về làm kế hoạch, làm tất cả những gì cần thiết. Anh trực tiếp lo việc này, mọi việc khác đằng sau tôi lo, tôi chịu trách nhiệm!". Người chỉ huy đã nói thế thì phải làm, làm tốt và làm cho bằng được.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế, mà chưa ngộ ra một điều ý nghĩa hơn. Rằng cơ hội được thực hiện một nhiệm vụ quan trọng như thế mà có sự hậu thuẫn, đảm bảo tuyệt đối của cấp trên, thì đâu dễ gặp được trong suốt cuộc đời quân ngũ gần 50 năm của mình.
Rồi hội nghị ADMM+ năm 2010 đã thành công. Cũng là lúc Việt Nam, Quốc phòng Việt Nam "đóng đinh" vào tiến trình phát triển hợp tác an ninh khu vực lên một tầm cao mới. Vị thế toàn cầu của ASEAN và lịch sử hợp tác an ninh thế giới sẽ có một dòng chữ bằng vàng: "Hà Nội. Việt Nam. Mùa thu 2010. Chủ tịch đầu tiên ADMM+. General Phùng Quang Thanh!".
TTO - Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, Đại tướng Phùng Quang Thanh - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã từ trần lúc 3h45 sáng nay 11-9 tại nhà riêng ở Hà Nội.
Xem thêm: mth.36510147031901202-hnib-ioht-oat-neik-neihc-ioht-gnuh-hna-hnaht-gnauq-gnuhp-gnout-iad/nv.ertiout