Sau 5 ngày TPHCM cho phép bán mang đi, sức mua hàng vẫn yếu vì người dân đặt hàng khó tìm được shipper và phí giao hàng còn cao, dẫn tới số lượng hàng quán mở chưa nhiều.
Hàng quán mở chưa nhiều, sức mua yếu
Mở quán đã được hơn 3 ngày nay, nhưng mỗi ngày quán phở của anh Đỗ Duy Khải trên đường Nguyễn Duy Dương (Quận 5) chỉ nhận được chục đơn hàng. Do đó, anh Khải đã quyết định giảm số lượng nguyên liệu nhập vào, để tránh xảy ra tình trạng dư thừa.
“Trước đây, mỗi ngày quán bán được khoảng 70-80 đơn hàng, giờ giảm còn 20%. Trong khi đó, giờ kinh doanh chủ yếu phụ thuộc vào shipper nên quán cũng chỉ bán cầm chừng” - anh Duy Khải cho hay.
Theo khảo sát, sau 5 ngày TPHCM cho phép bán mang đi, một số hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ, lẻ đã mở bán trở lại nhưng sức mua vẫn khá yếu. Bên cạnh đó, số lượng hàng quán mở cửa bán vẫn chưa nhiều.
Lý giải về việc vì sao chưa mở bán trở lại, bà Ngọc Hà - chủ quán ăn tại đường Cách mạng tháng 8 (Quận 3) cho biết: “Quán ăn còn gặp khó trong việc cấp giấy đi đường nên chưa thể mua được nguyên liệu bởi đa số nguồn nguyên liệu đều nằm ở các quận, huyện ngoại thành”.
Ngoài ra, các hàng quán mở bán ở thời điểm này phải thực hiện 3 tại chỗ, trả lương và nuôi ăn ở cho nhân viên, xét nghiệm 2 ngày/lần. Shipper chỉ được phép hoạt động trong một quận, huyện nhưng phí giao hàng lại cao nên khiến nhiều chủ kinh doanh e ngại.
Khó đặt hàng vì không tìm được shipper
Loay hoay cả tiếng trên ứng dụng vẫn không đặt được đồ ăn do không tìm được tài xế, anh Nguyễn Hoàng Phương, sống tại huyện Bình Chánh đã phải tìm đặt qua mạng xã hội.
“Dù phí giao hàng hiện vẫn cao nhưng tôi vẫn chấp nhận và đặt đồ ăn nhưng không có tài xế nhận đơn. Mất 30 phút để tìm quán vì số lượng quán đăng ký trên ứng dụng chưa nhiều sự lựa chọn và thêm 30 phút để chờ tài xế phản hồi đơn, khá mất thời gian" - anh Hoàng Phương phản ánh.
Theo Sở Công Thương TPHCM, tổ chức cấp giấy đi đường cho các đối tượng ưu tiên, hỗ trợ khoảng 20.000 shipper triển khai các hoạt động giao nhận hàng hóa trên địa bàn các quận, huyện, TP.Thủ Đức…
Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Công an Thành phố rà soát bổ sung, tổ chức cấp giấy đi đường cho các đối tượng theo quy định; hỗ trợ gia tăng lực lượng shipper (theo lộ trình) để bổ sung lực lượng giao nhận hàng hóa ăn, uống mang về.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ chủ trương gia tăng các mạng lưới cung ứng hàng hóa, tăng cường tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa và khả năng dự trữ. Hiện TPHCM có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích còn hoạt động.