Người dân có hoàn cảnh khó khăn có thể gọi số đường dây nóng của MTTQ Việt Nam các cấp để được hỗ trợ nhu yếu phẩm - Ảnh: HÀ QUÂN
Người không hộ khẩu, chưa có tạm trú được xem xét
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Lan Hương, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cho biết các tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã sẽ rà soát đối tượng khó khăn đến hết ngày 14-9.
Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động bị dừng việc làm, mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 17, chỉ thị số 20 của Hà Nội đang gặp khó khăn nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo các quyết định, nghị quyết của thành phố.
Những người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa làm đăng ký tạm trú có nhu cầu, nguyện vọng cũng được xem xét hỗ trợ.
Bên cạnh đó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn cũng thuộc đối tượng được rà soát.
Để nhận hỗ trợ, những người thuộc các trường hợp trên làm đơn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã thông qua ban công tác Mặt trận, tổ dân phố nơi đang cư trú, tạm trú.
Mỗi trường hợp đủ điều kiện sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội hỗ trợ 500.000 đồng. Kinh phí trích từ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố.
Danh sách số đường dây nóng hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn - Đồ họa: Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội
Hà Nội lập danh sách người lao động muốn về quê
Trong khi đó, Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thống kê lao động, người dân ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội có nhu cầu về quê để sở này báo cáo thành phố trước ngày 15-9. Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định.
UBND các quận, huyện, thị xã ngoài lập danh sách nhu cầu về quê của lao động ngoại tỉnh còn phân loại đối tượng hưởng chính sách liên quan và chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm cho người không có nơi cư trú.
Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tới cuối ngày 12-9, các đơn vị bảo trợ xã hội trên địa bàn đã tiếp nhận 89 người lang thang, lao động tự do bị kẹt lại thủ đô. Những người này sẽ được các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian này.
Sau 4 tuần hoạt động, đường dây nóng của MTTQ các cấp ở TP Hà Nội đã hỗ trợ 2.222 trường hợp gặp khó khăn với số tiền hơn 700 triệu đồng. Mặt trận các địa phương cũng đã hỗ trợ gần 250.000 suất quà trị giá gần 68 tỉ đồng cho người dân trong khu cách ly, người gặp khó khăn do dịch. Bên cạnh đó, hơn 30.000 chủ nhà trọ, cửa hàng đã miễn trên 30 tỉ đồng cho người đi thuê.
TTO - HĐND TP Hà Nội vừa ban hành nghị quyết 15 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch COVID-19 với ước tính khoảng 345 tỉ đồng.