Tùy tình hình dịch bệnh và khả năng phòng chống dịch, các địa phương được tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc mở cửa hoạt động trở lại.
Cân nhắc thận trọng khi dịch bệnh còn căng thẳng
“Hôm trước Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ ghé thăm và nắm tình hình của doanh nghiệp. Bí thư cũng hỏi công ty có đề xuất gì không. Tôi đã không đề xuất cho hoạt động bình thường trở lại. Tôi nghĩ nếu địa phương (nhất là ngay khu vực của doanh nghiệp công ty) vẫn chưa kiểm soát được lây lan thì mở cửa càng sớm càng nguy hiểm” – trao đổi với PV Lao Động, doanh nhân Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ.
Cùng chung ý kiến với ông Phạm Thái Bình, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, các tỉnh đang có hàng nghìn ca F0, F1 thì không nên mở cửa trở lại vội, vì hậu quả sau đó là rất lớn nếu chẳng may dịch bệnh lây lan rộng hơn.
Ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing Tân Cảng Sài Gòn - cho rằng, từ những bài học rất rõ ràng qua việc xét nghiệm diện rộng, cấp giấy đi đường, thì định hướng, kế hoạch là đúng nhưng thực thi chưa hiệu quả như mong đợi.
“Ngay cả cái app chứng nhận thẻ xanh hôm qua tôi làm thử thì thấy bị lỗi liên tục. Điều này chứng tỏ chưa chuẩn bị tốt” – ông Trương Tấn Lộc nói.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, cần có sự chuẩn bị mọi mặt, trong đó khả năng phòng chống dịch và xử lý nếu có sự cố thì mới tính đến chuyện mở cửa và nên cân nhắc mức độ mở cửa. Điều quan trọng là phải đảm bảo được năng lực y tế trong bối cảnh "thích ứng với dịch".
Linh hoạt giải pháp chống dịch để sản xuất trở lại
Theo một số hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp, TPHCM hay các tỉnh đang có dịch như Bình Dương, Đồng Nai cùng các tỉnh thành khác không thể "đóng băng" tất cả mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì chuỗi hàng hóa không chỉ liên quan đến người tiêu dùng trong nước mà còn các bạn hàng quốc tế. Do đó, cần để doanh nghiệp và địa phương tự chủ và linh hoạt trong công tác phòng chống dịch, vừa chống dịch vừa sản xuất.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp cũng cho biết hiện nay, các doanh nghiệp thành viên của FFA đang chuẩn bị để sẵn sàng hoạt động ngay sau khi TPHCM được mở cửa trở lại.
Ông Phan Thành Tân - Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền - cũng cho biết: Đơn vị đã xây dựng phương án bán hàng đảm bảo an toàn khi bước sang giai đoạn mở cửa và khôi phục các hoạt động tại TPHCM.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, trước tình trạng tắc nghẽn logistics hiện nay, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong hơn 3 tháng cuối năm 2021 thiếu hụt khoảng 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu và vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%..., do đó, việc nghiên cứu, tìm các giải pháp thích ứng để sản xuất được tiếp nối trở lại là rất quan trọng.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM cho biết, nếu dịch bệnh kiểm soát tốt, TPHCM sẽ triển khai việc cấp thẻ xanh và thẻ vàng cho người dân. “Người tiêm thẻ vàng sẽ được khuyến khích làm việc “3 tại chỗ”, làm việc từ xa hoặc "một cung đường 2 điểm đến” – ông Đinh Minh Hiệp nói.
Để hoạt động sản xuất bình thường trở lại, doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung kiến nghị: Cần cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính được ra đường để sản xuất, kinh doanh, giao thương bình thường để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, bởi dịch bệnh có khả năng còn kéo dài, nếu tiếp tục “đóng băng” doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng thêm.
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh cũng để nghị tất cả các doanh nghiệp, ngành hàng tham gia vào sản xuất trong giai đoạn COVID-19 được giảm 50% giá điện. Riêng ngành tôm vốn vay để tái sản xuất ổn định trong thời gian tới đề xuất mở vốn và áp dụng mức lãi suất 3-4% để doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận, khuyến khích sản xuất để không bị đứt gãy trong năm tới. Do đó, cần có giải pháp tháo gỡ toàn diện các mắt xích, đồng bộ để không bị đứt gãy trong thời gian tới, làm sao chống được COVID-19 nhưng sản xuất không bị ảnh hưởng.
Xem thêm: odl.869259-hcid-gnohc-gnohp-uac-uey-oab-mad-iahp-gnouhp-aid-cac-taux-nas-auc-om/et-hnik/nv.gnodoal