Người dân đeo khẩu trang khi ra đường tại Singapore - Ảnh: BLOOMBERG
Đông Nam Á đang trở thành một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất thế giới với sự xuất hiện của biến thể Delta, trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng của khu vực này còn thấp.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng ngày 13-9, Bloomberg nhận định các quốc gia Đông Nam Á không thể tiếp tục các biện pháp phong tỏa khi nguồn lực tài chính đang cạn dần.
Tình hình nhà xưởng đóng cửa tại Đông Nam Á đang ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất xe hơi như Toyota buộc phải cắt giảm sản lượng, trong khi các hãng thời trang bán lẻ như Abercrombie & Fitch lên tiếng cảnh báo tình hình đang “vượt tầm kiểm soát”.
Dù tỉ lệ tiêm chủng thấp, song chính quyền các nước Đông Nam Á đang ngày càng lo ngại hơn về các hậu quả kinh tế của các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Điển hình, Malaysia đã hạ một nửa dự báo tăng trưởng trong năm 2021 xuống chỉ còn khoảng 3-4% khi số ca COVID-19 tiếp tục tăng.
“Kỳ vọng khôi phục ngành du lịch của Thái Lan cũng nhanh chóng tan tành”, Bloomberg viết.
Theo nhà kinh tế Wellian Wiranto của hãng dịch vụ tài chính Oversea-Chinese Banking Corp, các quốc gia Đông Nam Á đang hao mòn dần bởi gánh nặng kinh tế từ các đợt phong tỏa liên tiếp.
Ông Wiranto cũng cảnh báo người dân đang ngày càng cảm thấy kiệt quệ hơn khi cuộc khủng hoảng này kéo dài.
Tại Singapore và Philippines, doanh nghiệp đã lên tiếng về việc họ gặp khó khăn khi lên kế hoạch dài hạn vì sự thiếu chắc chắn trong chính sách của chính quyền.
Bloomberg nhận định, vì những lý do trên, chính sách của nhiều quốc gia Đông Nam Á đang dịch chuyển từ việc xem COVID-19 là đại dịch (pandemic) sang bệnh đặc hiệu (endemic). Trong đó, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã học tập chiến lược học cách “sống chung với virus” của Singapore.
Điển hình, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực - chọn tập trung vào chiến lược dài hạn.
Các bộ trưởng Indonesia đang cố gắng củng cố các quy định lâu dài như bắt buộc đeo khẩu trang, thay cho các quy định linh hoạt trước đây.
Họ cũng đề ra “kế hoạch đường dài” cho một số điểm đặc biệt như văn phòng hay trường học, nhằm thiết lập khung quy định lâu dài trong bối cảnh bình thường mới.
Trong khi đó, thay vì các lệnh phong tỏa khu vực hay toàn quốc, Philippines chọn cách giới hạn đi lại ở phạm vi nhỏ hơn, chẳng hạn theo khu phố hoặc từng ngôi nhà.
TTO - Ngày 13-9, truyền thông Mỹ đưa tin sáu nhân viên thuộc Sở cảnh sát Los Angeles (LAPD), Mỹ, đã nộp đơn kiện chính quyền thành phố vì bắt buộc toàn bộ công chức tại đây phải tiêm ngừa COVID-19.