Ngày 13-9, ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, cho biết hiện chính quyền địa phương xã Vĩnh Bình và huyện Chợ Lách phối hợp với Sở NN&PTNT khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện khẩn cấp khắc phục sự cố sạt lở lớn tại cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách).
Trước đó vào lúc 19 giờ tối 12-9, một vụ sạt lở lớn xảy ra ven sông Cổ Chiên tại khu vực cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) làm sụp mất một đoạn đê dài 100 m, đê kè rọ đá 15 m, một cầu phà bê tông cốt thép và hư hỏng 25 m đường nhựa.
Cồn Phú Đa tiếp tục xảy ra sạt lở lớn ven sông Cổ Chiên. Ảnh: PV
Ngoài ra, vụ sạt lở còn sụp mất một nhà dân, một quán nước cạnh cạnh khu vực chờ phà. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng làm nước từ sông lớn tràn qua đê gây ngập 12 ha vườn cây ăn trái của hàng chục hộ dân nơi đây.
“Ngay sau khi xảy ra sạt lở chính quyền và ngành chức năng khẩn trương di dời 3 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn. Hiện chính quyền và ngành chức năng đã điều phương tiện xáng dây và Kobe khẩn cấp đến khu vực sạt lở đắp đê tạm ngăn nước trào vào, tháo nước vùng ngập để bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân” – Ông Linh cho biết.
Theo ông Linh vụ sạt lở nghiêm trọng trên đã làm ảnh hưởng đến diện tích lớn đê dự phòng được xây dựng năm 2017 với diện tích lớn. Ngoài ra cạnh khu vực sạt lở cách đầu đê dự phòng 5 m đã rạn nứt, có nguy cơ sẽ tiếp tục sạt lở.
Khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại cồn Phú Đa. Ảnh: PV
Cồn Phú Đa hiện có diện tích khoảng 141 ha với 351 hộ dân sinh sống với nghề trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản.
Thời gian qua tại cồn Phú Đa đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Trước đó vào năm 2017 cũng tại khu vực sạt lở trên từng xảy ra vụ sạt lở lớn với dài sạt lở khoảng trên 400 m, lấn sâu vào đất liền từ 20-50 m, cuốn trôi con đê ngăn lũ, đồng thời là đường giao thông nông thôn trên cồn.
12ha diện tích cây ăn trái bị ngập chìm trong biển nước sau vụ sạt lở tại cồn Phú Đa. Ảnh: PV
Vụ sạt lở năm 2017 cũng làm 4 căn nhà dân bị sụp xuống sông Cổ Chiên, trôi mất hoàn toàn; 8 căn nhà khác bị đe dọa trực tiếp phải tháo dỡ, di dời khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra vụ sạt lời này còn nuốt mất một cầu phà làm giao thông bị chia cắt; 25 ha cây ăn trái, hoa màu bị ngập úng. Sạt lở còn nuốt mất 2 ha đất của người dân chỉ trong vòng hai ngày.
Sau vụ sạt lở năm 2017, từ nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây kè rọ đá khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục này cũng không hiệu quả, tình trạng sạt lở khu vực cồn Phú Đa vẫn tiếp diễn đe dọa đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân.