Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP
Ngày 13-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang - những địa phương có diễn biến dịch phức tạp trong bối cảnh nhiều địa phương có số ca nhiễm cộng đồng đã giảm tỉ lệ mắc mới, giảm số ca tử vong trong suốt một tuần qua.
Lãnh đạo địa phương chưa nắm tình hình
Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh và một số phường tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang): Số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày? Những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động theo chỉ đạo hay chưa?
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thừa nhận còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, "chặt ngoài nhưng lỏng trong" nên đã chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục. Tỉnh cũng mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn. Việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.
Với chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài những câu hỏi trên, Thủ tướng hỏi kỹ về số ca tử vong trên địa bàn. Lãnh đạo địa phương này lý giải số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỉ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức COVID-19 (ICU).
Những ngày gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU đi vào hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng 1 và tầng 2 tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, thì số ca tử vong giảm.
Với câu hỏi của Thủ tướng về việc có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, tỉnh đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho hay đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà. Tuy vậy, Thủ tướng nhấn mạnh điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau.
Bày tỏ chưa hài lòng khi việc triển khai thực tế ở cơ sở, một số lãnh đạo chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể, nhận thức chưa đầy đủ, Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và từng huyện, xã đang thực hiện giãn cách phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách và các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng về kiểm soát dịch bệnh - Ảnh: VGP
Có mục tiêu rõ ràng về kiểm soát dịch
Thủ tướng đánh giá, qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, Kiên Giang và Tiền Giang đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, kết quả chưa được như mong muốn và dự báo tình hình có thể phức tạp hơn.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương nắm thật chắc các chủ trương, biện pháp về phòng chống dịch, quán triệt tới từng người dân, gắn với giám sát, kiểm tra, tương tác qua lại giữa các cấp, có mục tiêu rõ ràng về kiểm soát dịch.
Các bộ ngành rà soát, thống nhất các biểu mẫu báo cáo để bảo đảm gọn, rõ, đơn giản, sát thực tế, dễ hiểu, dễ nghe, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá. Thống nhất, tích hợp các nền tảng, ứng dụng (app) phục vụ phòng chống dịch (tiêm vắc xin, sổ sức khỏe, xét nghiệm…) để người dân chỉ phải sử dụng 1 app, bảo đảm thuận tiện nhất.
Việc kiểm soát, ngăn chặn lây lan phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng Thủ tướng lưu ý mỗi địa phương có chiến lược xét nghiệm phù hợp tình hình. Những nơi giãn cách và tăng cường giãn cách phải xây dựng ngay trạm y tế lưu động, tăng cường lực lượng y tế, nếu thiếu phải báo cáo ngay. Siết chặt kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài.
Làm thật tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an ninh, an dân; tăng cường thông tin - tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn về chăm sóc, điều trị người bệnh… theo hướng đơn giản, dễ hiểu, từ ngữ giản dị để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm".
Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời với việc chống dịch hiệu quả thì phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng tình hình để trục lợi, nhất là trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm…, các cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu sai phạm phải kịp thời phát hiện, vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Kiên Giang đã ghi nhận tích lũy 3.034 ca mắc, 25 ca tử vong. Riêng 7 ngày qua, ghi nhận 1.217 ca, trong đó có 776 ca ghi nhận tại cộng đồng, tức số ca mắc tăng 559, số ca tại cộng đồng tăng 203 ca; 7 huyện có nguy cơ rất cao.
Tại Tiền Giang, ghi nhận tích lũy 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong, riêng 7 ngày qua ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.
TTO - Các địa phương nghiên cứu phương án xem xét tổ chức cho người ở khu vực đông dân cư không bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly theo quy định được đăng ký về quê theo nguyện vọng.