"Người ta vẫn thường nói trước bình minh luôn là bóng tối mịt mùng. Về cơ bản, đây chính là lời khuyên mọi người không nên bỏ cuộc khi gặp khó khăn vì mọi sự thường chuyển biến tốt hơn ngay sau những thời khắc khó khăn ấy", ông Tim Evans – Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam – chia sẻ trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19 với trung bình hơn 12.000 ca mắc mới mỗi ngày.
HSBC đã đồng hành với Việt Nam 151 năm, cùng Việt Nam trải qua bao thăng trầm, ông Evans cho biết đội ngũ HSBC rất hiểu đất nước này luôn có cách vượt qua mọi khó khăn và trở ngại.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng đó và mặc dù Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn đầy thử thách, chúng tôi vẫn nhìn thấy viễn cảnh tích cực cho nền kinh tế này trong tương lai", ông Tim Evans nói.
"Các nhà chức trách đã bắt đầu thảo luận về việc từng bước mở cửa lại nền kinh tế và theo dự báo của chúng tôi, quá trình này sẽ được đẩy nhanh dần từ tháng 10 trở đi. Viễn cảnh kinh tế đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai tiêm vaccine cho người dân kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm".
CEO HSBC Việt Nam cũng đưa ra 2 viễn cảnh cho nền kinh tế Việt Nam đến cuối năm:
- Viễn cảnh 1: Tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5-5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và mức hiệu quả của chương trình tiêm vaccine, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.
- Viễn cảnh 2: Nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5-4%.
"Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam"
"Chúng tôi tin tưởng rằng hoạt động tiêu dùng sẽ khôi phục rất mạnh mẽ ngay khi đợt bùng dịch này dần lắng xuống", ông Evans nói.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã triển khai một số giải pháp cải cách nhằm hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã gia tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ 10-12% lên 14-15% trong năm nay, hy vọng hạn mức có thể được xem xét nới rộng thêm nhằm tạo khả năng hỗ trợ cho khối doanh nghiệp.
Giải pháp này sẽ giúp các ngân hàng có thể cung cấp thêm khoản vay nhằm đối phó với tình trạng suy giảm hoạt động do giai đoạn giãn cách xã hội đã khiến doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền. NHNN cũng đã yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng thương mại đã tiến hành giảm lãi suất trên các khoản vay hiện tại nhằm giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn về dòng tiền.
Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI cũng phục hồi phong độ với bối cảnh chính phủ ổn định với các chính sách nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng/bền bỉ, một loạt Hiệp định Tự do Thương mại và cam kết của chính phủ đầu tư 7% GDP vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Bấp chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid. Các nhà đầu tư Hàn Quốc vốn hiểu rất rõ Việt Nam đang tiếp túc hoạt động đầu tư vào thị trường này. Samsung dự kiến chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng.
Ngày càng nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại trong khu vực sau khi triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng, cùng với nhu cầu hiện tại của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ mang lại tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản.
Đại dịch đã góp phần thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, vì vậy, Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới.
Các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh và Việt Nam đã tự tạo cho mình một vị thế đáng ngưỡng mộ trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm gần đây thông qua một loạt Hiệp định Tự do Thương mại. Với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao cộng thêm tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có tâm thế hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tương lai. Vì vậy, HSBC dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8% trong năm 2022 với một triển vọng đáng tin cậy trước mắt cũng như về lâu về dài.
"Khách hàng của chúng tôi được khuyến cáo nên gạt bỏ những "niềm đau" trước mắt và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai khi chúng ta vượt qua dịch bệnh tồi tệ này. Cơ hội sẽ mở ra, kinh tế sẽ phát triển, Việt Nam sẽ phục hồi và một lần nữa chứng minh không quốc gia nào giỏi hơn Việt Nam khi phải đương đầu với một thách thức hay trở ngại", CEO HSBC Việt Nam cho biết.
Bình An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị