Đơn và giấy tờ chứng minh: nơi đòi, nơi không
Chị N.T.M., một công chức tại Q.Bình Tân, TPHCM, vay 1,4 tỷ đồng của một ngân hàng từ tháng 9/2020 để sửa chữa nhà ở. Thời gian qua, chị đã cố gắng đảm bảo trả nợ đúng kỳ hạn. Đến cuối tháng 8/2021, phía ngân hàng gọi điện hỏi chị có bị giảm thu nhập tăng thêm không? Chị khẳng định cả hai vợ chồng là công chức, đều bị giảm thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM (ban hành ngày 28/5/2021). Phía ngân hàng yêu cầu chị gửi xác nhận giảm thu nhập để làm hồ sơ xét giảm lãi suất.
Chị M. ngạc nhiên, việc này mà còn phải chứng minh? Bởi theo Nghị quyết 13, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập chung cho toàn thành phố sẽ giảm từ 1,2 xuống 1,0 so với tiền lương theo ngạch bậc chức vụ trong sáu tháng cuối năm 2021 (ngoại trừ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và cán bộ công chức phường, xã, thị trấn). Lẽ nào ngân hàng không biết để điều chỉnh giảm lãi suất chung cho mọi người.
Cùng tâm trạng như chị M., anh L.V., một cán bộ ở Q.12, TP.HCM, cũng ái ngại khi biết phải làm đơn xác nhận giảm thu nhập để chứng minh với ngân hàng, trong khi sự thật ấy rất hiển nhiên, cơ quan thì đang bộn bề công tác phòng, chống dịch.
Phần lớn các ngân hàng chỉ giảm lãi suất ở các lĩnh vực ưu tiên hoặc với khách hàng thật sự khó khăn - Ảnh: H.Lài |
Còn chị N.T.D., một khách hàng của Sacombank, cho biết, vợ chồng chị vay tiền xây bốn phòng trọ cho thuê gắn liền với công trình nhà ở và không đăng ký kinh doanh. Hiện dư nợ của chị hơn 2 tỷ đồng trong khi hai tháng Bảy và Tám, hầu như chị không thu được tiền nhà trọ vì người thuê đã mất việc hoàn toàn.
Trong khi đó, thực hiện thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm lãi suất 1%/năm với khách vay cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh và 0,5%/năm với khách vay phục vụ đời sống (mua nhà, mua sắm, sửa chữa nhà, mua xe…). Chương trình giảm lãi được áp dụng tự động, đại trà trên hệ thống với tất cả khách hàng. Thông báo giảm lãi được ngân hàng chủ động gửi đến khách hàng bằng email và tin nhắn chứ không chờ khách hàng liên hệ.
Cũng thế, ngay từ tháng 7/2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã thực hiện giảm lãi (tối đa 1%/năm) đồng loạt với tất cả các khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Phạm Như Ánh - thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - cho biết, MB sẽ giảm từ 0,5 - 1,5% tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Trước hết, ngân hàng giảm lãi suất cho các nhóm khách hàng ưu tiên theo định nghĩa của NHNN và MB. “Đối với khách hàng cũ, chúng tôi thực hiện giảm ngay cho nhóm khách hàng ưu tiên. Chúng tôi thông báo đến những khách hàng được giảm lãi suất bằng văn bản cùng với việc nhắn tin cho họ” - ông Phạm Như Ánh nói.
Thực tế vừa nêu khiến nhiều người thắc mắc, vì sao cùng một thông tư, cùng là khách hàng cá nhân, nhưng một số ngân hàng đã chủ động giảm lãi cho khách hàng mà không có yêu cầu gì, trong khi một số ngân hàng lại làm khó khách hàng, đòi hỏi phải có đơn từ và chứng từ chứng minh đủ thứ?
Hồ sơ xét duyệt do các ngân hàng tự quyết định!
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc phụ trách NHNN, chi nhánh TPHCM - cho biết, trong năm 2020, NHNN có ban hành Thông tư 01/TT-NHNN, đến năm 2021 có thêm Thông tư 03/TT-NHNN và mới đây là Thông tư 14/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo thông tư, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giảm lãi phải là đối tượng có doanh thu, thu nhập giảm sút - nghĩa là phải chứng minh được mình không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. “NHNN chỉ giám sát các ngân hàng có giảm lãi như cam kết và có thực hiện đúng quy định của thông tư hay không. Còn thủ tục xét duyệt giảm lãi, chọn đối tượng bị ảnh hưởng, mức giảm lãi bao nhiêu, chứng minh giảm thu nhập ra sao là do các tổ chức tín dụng” - ông Nguyễn Hoàng Minh nói.
Với giải thích trên, “việc yêu cầu khách hàng cung cấp giấy đề nghị giảm lãi hoặc cơ cấu lại nợ và tài liệu chứng minh giảm thu nhập cũng là nhằm đảm bảo các quy định cơ bản của ngân hàng” - giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM phát biểu. Vả lại, không phải tất cả hồ sơ gửi về ngân hàng đều được xét giảm lãi suất hay cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mà còn tùy vào kết quả thẩm định hồ sơ.
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nói, Sacombank thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng chịu tác động trực tiếp của dịch thuộc các lĩnh vực như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế. Trong đó sẽ giảm lãi cho các đối tượng thật sự khó khăn.
Về việc khách hàng phải có đơn và giấy tờ chứng minh, giám đốc một chi nhánh VietinBank tại TP.HCM cho rằng, giấy đề nghị khá đơn giản do khách hàng tự soạn (có thể viết tay hoặc đánh máy). Tài liệu chứng minh giảm thu nhập cũng có nhiều dạng, có thể là giấy xác nhận giảm thu nhập từ đơn vị, doanh nghiệp cấp. Trường hợp không thể có giấy xác nhận này thì có thể bổ sung bằng sao kê ngân hàng trong các tháng gần đây nhất.
“Với những khách hàng giảm thu nhập tăng thêm, giảm phúc lợi xã hội được chi trả bằng tiền mặt mà không thông qua tài khoản ngân hàng thì khách chỉ cần trình bày trong giấy đề nghị giảm lãi, cơ cấu lại nợ. Ngân hàng đều rất linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay” - vị giám đốc hướng dẫn.
Tinh Châu - Thanh Hoa