vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia hiến kế Hà Nội nên nới lỏng giãn cách từng bước như thế nào sau ngày 15 và 21/9?

2021-09-14 10:30

Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 13/9 giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải trong cuộc họp Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho giai đoạn nới lỏng giãn cách xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, kịch bản tích cực nhất sau ngày 15 và 21/9 là có thể nới lỏng giãn cách toàn thành phố. Nếu không được, Thủ đô nên nới lỏng sâu rộng đến từng quận, huyện, thị xã, thậm chí từng xã, phường, thị trấn. Mức độ nới lỏng đến đâu phụ thuộc vào đánh giá nguy cơ từng khu vực đó.

Theo ông Hùng, vùng nguy cơ thấp hoặc rất thấp, có thể chuyển xuống áp dụng Chỉ thị 19 của Thủ tướng, hoặc trạng thái bình thường mới. Những "vùng xanh" rất an toàn, cả tháng nay không ghi nhận ca mắc mới, có thể được mở cửa trở lại, trao cơ hội cho người dân phục hồi kinh tế - xã hội.

"Còn những vùng có dịch, chúng ta vẫn phải chống dịch quyết liệt, siết chặt giãn cách càng hẹp càng tốt", ông Hùng nói và nêu ví dụ như ổ dịch phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) nếu siết chặt cả phường thì phạm vi rất lớn, trong khi đó các ca bệnh phần lớn tập trung tại 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi. Vị chuyên gia khuyến cáo điều tra dịch tễ và khoanh vùng nên tập trung vào ngõ, xóm, thậm chí là tầng trong một tòa nhà lớn, để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

 Chuyên gia hiến kế Hà Nội nên nới lỏng giãn cách từng bước như thế nào sau ngày 15 và 21/9? - Ảnh 1.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội có xu hướng giảm thời gian gần đây (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội)

Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh, Thủ đô vẫn cần kiểm soát người ra vào thành phố, đặc biệt những người về từ vùng đang có dịch hoặc vùng có tỷ lệ mắc cao.

Hà Nội nên có chính sách ưu tiên cho những F0 đã khỏi bệnh hoặc người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, có thể đi lại không chỉ trong thành phố mà cả ngoại tỉnh. Tuy nhiên, thành phố vẫn cần duy trì và áp dụng mạnh mẽ hơn nữa quy định 5K, tiếp tục tuyên truyền và giám sát việc người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách.

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội cần tiếp tục chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Tính đến 6h sáng 14/9, Hà Nội đã tiêm được 56.731 mũi vaccine Covid-19. Cộng dồn, toàn thành phố đã tiêm được 4.785.470 mũi, gồm 4.381.139 mũi 1 và 404.331 mũi 2, sử dụng 4.370.310/ 5.359.676 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 80,6%.

"Chúng ta sắp đạt được mục tiêu 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, và sau đó với tốc độ như hiện nay, áp dụng với tiêm mũi 2, để sớm tăng diện bao phủ vaccine cho người dân. Vaccine chỉ phát huy tác dụng tối đa sau khi tiêm mũi 2. Nếu 80% người dân hoàn thành mũi 2, đặc biệt là hầu hết người dân thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong như người >50 tuổi, người mắc bệnh lý nền, người béo phì… hoàn thành tiêm mũi 2 thì Thành phố hoàn toàn có thể "tự tin" đối phó với dịch Covid-19", ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, căn cứ vào kết quả chiến dịch xét nghiệm toàn dân, Hà Nội nên xây dựng lại chính sách xét nghiệm. Vị chuyên gia góp ý, thành phố chỉ nên tập trung xét nghiệm khu vực phong tỏa, những nhóm người nguy cơ cao, tần suất tiếp xúc với xã hội lớn, hoặc những người có biểu hiệu ho, sốt.

Thực tế sau 5 ngày xét nghiệm toàn dân (từ ngày 9/9 đến 13/9), Hà Nội đã lấy được hơn 2 triệu mẫu, đạt khoảng 50% kế hoạch đề ra, có 18 mẫu dương tính, tập trung chủ yếu khu vực nguy cơ cao, ổ dịch từ trước tại các quận/huyện Thanh Xuân, Thanh Trì, Hai Bà Trưng.

"Nếu các ca bệnh chủ yếu tập trung ở nhóm đỏ này, thì Hà Nội không nên xét nghiệm ở những "vùng xanh", "vùng vàng" nữa, tiết kiệm nguồn nhân lực và đẩy mạnh hơn nữa xét nghiệm ở khu vực có nguy cơ và có kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ. Sau 2-3 ngày mới có kết quả thì xét nghiệm với mục đích chống dịch không còn nhiều ý nghĩa", ông Hùng cho hay.

Ông nhấn mạnh cần tăng cường giám sát và đẩy mạnh xét nghiệm ở nhóm người ho, sốt, từ đó tạo thế chủ động, tránh việc người dân tự đến các cơ sở y tế xét nghiệm mới phát hiện nhiễm SARS-CoV-2.

"Chúng ta cần tuyên truyền để những người ho, sốt chủ động liên hệ ngay trung tâm y tế", Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội khuyến cáo.

Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến sáng 14/9, Hà Nội ghi nhận tổng 3.820 ca Covid-19, trong đó 1.595 ca ngoài cộng đồng và 2.225 người đã được cách ly.

Thành phố hiện có 9 ổ dịch phức tạp, "nguy cơ" nhất là ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân với 565 ca. Một số ổ dịch mới phát sinh, như tại ngõ 120 Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) từ ngày 5/9; tổ 2 Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) từ ngày 3/9; Chung cư A4-A5, Khu đô thị Đền Lừ II (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai); thôn Tân Mỹ (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ); thôn Bạch Liên (xã Liên Phương, huyện Thường Tín).

Hai ngày trước, thành phố đã dỡ phong tỏa nhiều "điểm nóng" Covid-19 như phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) và thu hẹp phạm vi cách ly y tế tại 2 phường Văn Chương và Văn Miếu (quận Đống Đa).

Ngày 8/9, Hà Nội đã ban hành kế hoạch xét nghiệm diện rộng, "thần tốc" tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn, đặt mục tiêu đến ngày 15/9 hoàn thành xét nghiệm và tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên. Gần 8.000 nhân viên y tế từ 12 tỉnh, thành hỗ trợ Hà Nội, phân bổ về các vùng 2 và 3.

MINH NHÂN

TỔ QUỐC

Xem thêm: nhc.82022549041901202-9-12-av-51-yagn-uas-oan-eht-uhn-coub-gnut-hcac-naig-gnol-ion-nen-ion-ah-ek-neih-aig-neyuhc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia hiến kế Hà Nội nên nới lỏng giãn cách từng bước như thế nào sau ngày 15 và 21/9?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools