Các thành viên của phong trào Taliban tại Afghanistan năm 1995 -Ảnh: REUTERS
Có rất nhiều, rất nhiều người trở nên cực đoan và biến thành chủ nghĩa bạo lực hơn so với ngày 11-9 trước kia. Rất nhiều tổ chức khác xuất hiện, và họ đang tồn tại ở nhiều nơi hơn trên khắp thế giới.
Matthew Levitt (chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố tại Viện Chính sách cận Đông Washington)
Tín hiệu hồi sinh của khủng bố
Ngày 28-8-2021, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã thực hiện vụ không kích tiêu diệt hai thành viên cấp cao của tổ chức ISIS-K. Đây là màn trả đũa dành cho vụ tấn công khủng bố trước đó hai ngày, làm chết 13 người Mỹ tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul, Afghanistan.
Tại khu vực Iraq và Syria, tổ chức khủng bố nổi tiếng nhất từ năm 2014 tới nay là Nhà nước Hồi giáo tự xưng, IS. Và ISIS-K là một nhánh được IS công nhận, hoạt động ở Afghanistan, đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công bất ngờ ở Kabul nêu trên.
Chính thức thành lập năm 2015, ISIS-K còn được gọi là IS Khorasan. Tổ chức này chỉ mất một thời gian ngắn để củng cố kiểm soát lãnh thổ ở một số quận phía bắc và đông bắc Afghanistan, cũng như thực hiện các vụ tấn công chết người khắp Afghanistan và Pakistan.
Màn đánh úp của ISIS-K ở Kabul là ví dụ hoàn hảo cho mối lo ngại về khả năng hồi sinh của các tổ chức khủng bố tại Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh rút lui.
Không đâu xa, Afghanistan là hang ổ của các tổ chức khủng bố, đặc biệt Al-Qaeda, bên nhận trách nhiệm vụ tấn công tòa tháp đôi vào ngày 11-9-2001. Một ngày sau vụ tấn công ấy, Mỹ đã gửi cảnh báo tới Taliban: không một chính phủ nào làm hang ổ khủng bố có thể an toàn đối với quân đội Mỹ.
Tổng thống Mỹ khi ấy, Geroge W. Bush, tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không phân biệt giữa khủng bố và những kẻ nuôi dưỡng chúng". Trong vòng vài tuần, Mỹ đã đổ quân vào Afghanistan, lật đổ Taliban và truy lùng những kẻ chịu trách nhiệm vụ 11-9.
Kế hoạch của Mỹ đã phần nào thành công sau khi tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden. Nhưng về tổng thể, đánh bại Bin Laden hay Al-Qaeda hóa ra không giải quyết được vấn đề. Suốt hai thập kỷ, Mỹ rút dần binh lính, và sự trỗi dậy của IS hay ISIS-K ngày nay rồi màn quay lại của Taliban trên chính Afghanistan là minh chứng cho sự thật rằng chủ nghĩa khủng bố chưa bao giờ bị tiêu diệt.
Hay nói cách khác, vùng đất Afghanistan ngày nay đang có nguy cơ tái diễn một vòng lặp của 20 năm trước: Mỹ đưa quân đội vào sẽ kiểm soát được đôi chút, và rút quân đi là thời điểm các nhóm khủng bố tái hợp. Việc Tổng thống Barack Obama đưa quân trở lại Iraq năm 2014 để đối phó với IS chính là ví dụ điển hình.
Không kích là... không đủ
Những lo ngại về các tổ chức khủng bố như ISIS-K, tuy vậy không phải quan điểm được số đông những chuyên gia phân tích tại Washington đồng tình.
Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo News đăng ngày 28-8, Christopher Miller nhớ lại một báo cáo "kỳ lạ" mà ông và các đồng sự nhận được cách đây 3 năm, tại một cuộc họp gồm các chuyên gia chống khủng bố trong Cơ quan An ninh quốc gia, các nhà phân tích của Cục Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan Tình báo quân sự và Trung tâm Chống khủng bố quốc gia.
Báo cáo ấy nói về việc ISIS-K lên kế hoạch tấn công bên ngoài Afghanistan và Pakistan, và đây lập tức trở thành một điều khiến cộng đồng tình báo Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump khi ấy một phen tranh cãi. Theo những gì Miller nhớ lại, vào cuối thời Trump, ISIS-K hoàn toàn là một trò cười, một tổ chức "thảm hại và bị đào thải".
Không chỉ xem thường khả năng của ISIS-K, ông Miller, người từng có thời gian là quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ, thời điểm đó còn cáo buộc một số người trong giới tình báo cố tình thổi phồng năng lực của ISIS-K nhằm duy trì ngân sách hoạt động, vốn dĩ teo tóp dần vì Mỹ đã chuyển sự tập trung sang các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga và Trung Quốc.
Ông Miller còn mỉa mai rằng nếu giờ đây ai đó gặp giới tình báo và chống khủng bố ở Mỹ, thì điều họ nghe được sẽ là sự mô tả về ISIS-K như một tổ chức đe dọa an ninh Mỹ và cần được giám sát. Còn bản thân ông sẽ nói: "Vâng, tôi hiểu hết rồi. Nhưng cuối cùng thì ISIS-K đã chết đói ngoài kia".
Câu chuyện của ông Miller trên thực tế cũng phản ánh quan điểm chung của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cũng như những gì tình báo Mỹ nghĩ về khủng bố suốt nhiều năm qua. Họ đoan chắc giờ đây khủng bố có thể vẫn hiện diện ở Afghanistan hay Trung Đông nói chung, nhưng khả năng thực hiện các vụ tấn công quy mô ở Mỹ hầu như không có.
Suzanne Spaulding, một thứ trưởng tại Bộ Nội an Mỹ từ 2011-2017, khẳng định: "Ý tưởng về bất cứ thứ gì đó tựa như ngày 11-9, tức là khủng bố nước ngoài tới Mỹ thực hiện một vụ khủng bố lớn trong lòng nước Mỹ hiện nay bị giảm đi đáng kể".
Chính vì quan điểm này, hiện nay người Mỹ đã tiếp nối chiến thuật từ những năm 2010 về việc sử dụng các cuộc không kích, máy bay không người lái, hơn là dùng binh sĩ trực tiếp ở chiến trường. Nhưng đối với những chuyên gia như Spaulding, cách làm này không hiệu quả bằng việc có tai và mắt ngay hiện trường.
"Chúng tôi không phải đi mà không biết ở đó có gì. Nhưng chúng tôi khó có khả năng sở hữu thông tin tình báo tốt như đã có trong 20 năm đóng quân" - bà nói.
Sự thiếu sót ở khâu tình báo đã khiến Mỹ gặp trở ngại lớn, trong đó có cả vụ đánh úp ở Kabul, đây là quan điểm được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng tình báo ngày nay.
John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thời ông Bush, và cố vấn an ninh quốc gia thời ông Trump, nhấn mạnh: "Đơn giản không cách nào để nói thật lòng rằng chúng ta sẽ an toàn nếu dựa vào công nghệ dự báo, như những gì chúng ta đã có trước đây khi giữ sự hiện diện ở Afghanistan. Sẽ là một cảm giác thoải mái sai lầm nếu không nghĩ như vậy".
Thủ lĩnh ISIS-K, Hafiz Saeed, tại khu vực gần biên giới Pakistan và Afghanistan, sau đó Hafiz Saeed đã bị Mỹ không kích tiêu diệt năm 2016 - Ảnh: Al Jazeera
Thay đổi chính sách
Sau 20 năm, tư duy của người Mỹ về khủng bố cũng đã thay đổi. Khủng bố đã "di căn" chứ không đơn giản chỉ là cuộc đấu giữa Lầu Năm Góc và Al-Qaeda, hay Lầu Năm Góc với một đối tượng khủng bố cụ thể nào đó. Đầu thế kỷ 21, Mỹ có thể tấn công với mục tiêu diệt sạch Al-Qaeda ở Afghanistan, "bóc tách" khủng bố, nhưng giờ đây họ chấp nhận thực tế rằng đây là cuộc chiến không hồi kết.
"Đây là một thế giới mới. Hiểm họa khủng bố đã di căn khắp thế giới, vượt xa Afghanistan. Chúng ta đối diện với đe dọa từ al-Shabab ở Somalia, các nhánh Al-Qaeda ở Syria và bán đảo Ả Rập, và IS muốn tạo ra đế chế ở Syria và Iraq, cũng như xây dựng các chi nhánh khắp châu Phi, châu Á" - Tổng thống Biden nói.
Tựu trung, sự thay đổi trong chính sách và cách nhìn nhận của người Mỹ về khủng bố có thể mới chính là yếu tố then chốt khiến bóng ma khủng bố quay về.
Giữ lập trường về câu chuyện chính sách này, ông Miller cho rằng không quân Mỹ đang chuyển sự tập trung sang Trung Quốc và Nga, đồng thời cố gắng tách lìa khỏi các khoản chi phí liên quan tới chống khủng bố.
"Đó là một vấn đề thực sự lớn cho chúng ta. Không quân sẽ nói rằng các anh không đọc Chiến lược an ninh quốc gia sao, chúng ta đang tập trung vào các cuộc cạnh tranh giữa những cường quốc, chống khủng bố giờ không còn là ưu tiên nên chúng ta không cần mấy loại máy bay không người lái MQ-9 này nữa’" - ông nói.
***********
>> Kỳ tới: 20 năm chính sách đối ngoại của Mỹ
Tổng thống Biden là người đầu tiên thành công rút quân Mỹ hoàn toàn khỏi Afghanistan mặc dù cuộc rút lui không vẻ vang gì khi Taliban vẫn cai trị Afghanistan như trước sự kiện 11-9.
TTO - Chỉ 4 ngày sau vụ tấn công 11-9, Frank Silva Roque - một thợ cơ khí máy bay ở bang Arizona (Mỹ) - đã nổ súng điên cuồng để "báo thù".
Xem thêm: mth.17191620231901202-gnul-ol-ob-gnuhk-aoh-meih-4-yk-9-11-uah-ioig-eht/nv.ertiout