Về phía nguồn cung, những điểm tắc nghẽn mà đại dịch Covid-19 gây ra cho chuỗi cung ứng buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào những cơ sở sản xuất mới. Những lời kêu gọi bảo vệ môi trường thôi thúc đầu tư cho xe điện, pin và năng lượng tái tạo, trong khi cuộc khủng hoảng thiếu chip kích hoạt lên làn sóng đầu tư mới.
Trong khi đó ở phía cầu, nhu cầu chi tiêu bù của người tiêu dùng thuyết phục các lãnh đạo doanh nghiệp rằng họ nên chi thêm vốn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang tin vào triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục mạnh mẽ bất chấp ở thời điểm hiện tại biến thể Delta vẫn đang là đám mây đen bao trùm mọi thứ.
Quan trọng hơn cả là lãi suất hiện đang ở mức rất thấp và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian dài.
Theo S&P Global Ratings, chi phí vốn (CAPEX) của các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng 13% trong năm nay, với tất cả các khu vực và các ngành đều tăng, đặc biệt là ngành chip bán dẫn, bán lẻ, phần mềm và vận tải.
Các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley cũng dự báo rằng đến thời điểm cuối năm 2011 và cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn cầu sẽ lần lượt đạt mức 115% và 121% so với trước dịch. Đây là đà hồi phục mạnh hơn rất nhiều so với các cuộc suy thoái trước đây.
Theo Rob Subbaraman, người đứng đầu mảng nghiên cứu thị trường tại Nomura Holdings, việc các doanh nghiệp tăng đầu tư là điều rất quan trọng đối với tăng trưởng trong dài hạn bởi tích lũy vốn chính là chìa khóa để tăng năng suất. "Một khi các biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ bị thu hẹp lại, thế giới cần đến dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp và các cải cách kinh tế để có thể duy trì tăng trưởng bền vững".
Trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng, các NHTW đang dần tính đến việc thu hẹp kích thích và chuỗi cung ứng tiếp tục hỗn loạn, chỉ số CAPEX tăng chính là "tia hi vọng" hiếm hoi cho kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và xa hơn nữa. Đây cũng là điểm khác biệt lớn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng và dòng vốn đầu tư yếu ớt đã khiến nền kinh tế trì trệ suốt nhiều năm.
Từ các thị trường mới nổi cho đến những công ty lớn nhất thế giới, làn sóng mở rộng đầu tư hiện ra rất rõ nét.
Chaudhary Group, tập đoàn có trụ sở ở Nepal với các sản phẩm gồm mì tôm, snack và đồ uống hiện đang có mặt tại hơn 35 quốc gia trên thế giới, đang mở rộng sang Ai Cập để sản xuất mì gói cho thị trường châu Phi. Nhà máy mới trị giá 10 triệu USD sẽ đạt công suất 1 triệu gói mì mỗi ngày, tuyển dụng 500 nhân viên. Công ty cũng đang tìm kiếm cơ hội ở châu Mỹ Latinh.
Hồi tháng 2, Walmart cho biết năm nay sẽ đầu tư 14 tỷ USD vào những lĩnh vực bao gồm chuỗi cung ứng, tự động hóa và công nghệ. Năm ngoái con số chỉ là 10,3 tỷ USD.
Tại Mỹ, lượng vốn các doanh nghiệp chi cho thiết bị và phần mềm tăng mạnh nhất kể từ 1984. Chỉ riêng chi cho thiết bị đã tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp đôi so với mức trung bình giai đoạn 2009-2019. Các doanh nghiệp châu Âu được dự báo sẽ có năm tăng chi tiêu mạnh nhất kể từ 2006.
Làm việc từ xa và sự trỗi dậy của nền kinh tế kỹ thuật số đã khiến nhu cầu về chip tăng mạnh, tạo ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và định hình lại dòng vốn đầu tư của ngành này. Hàn Quốc dự định sẽ chi gần 450 tỷ USD (mà dẫn đầu là Samsung Electronics và SK Hynix) để dần đầu ngành chip thế giới trong thập kỷ tới.
Một động lực khác thôi thúc các doanh nghiệp tăng đầu tư là biến đổi khí hậu. Trong 6 tháng đầu năm nay, số vốn kỷ lục 174 tỷ USD đã được đầu tư vào điện mặt trời, điện gió và các loại công nghệ xanh khác. Làn sóng xe điện nổi lên rõ nhất ở Trung Quốc. Hãng xe điện Xpeng vừa báo cáo mức lỗ lớn hơn dự báo một phần bởi số nhân viên mảng R&D tăng lên hơn 3.000 người, tăng gần 50% so với đầu năm.
Một số người lo ngại làn sóng tăng đầu tư sẽ mất đà nếu như cầu tiêu dùng sụt giảm hoặc tình trạng khan hiếm hàng hóa biến mất khi đại dịch qua đi. Các khoản đầu tư có thể không hiệu quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, giờ thì các công ty đang đặt cược rằng nếu không tăng chi tiêu vốn thì họ sẽ mất nhiều hơn.
Tham khảo Bloomberg