Nhiều tài xế ngán ngẩm "treo xe" vì ngại thủ tục qua các chốt kiểm soát - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Sơn Văn Luận - giám đốc Hợp tác xã (HTX) khoai lang Thanh Ngọc (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) - cho biết giá khoai hiện đang ở mức 3.000 đồng/kg. Dù tại ruộng khoai còn rất nhiều, giá bán cực rẻ nhưng ở các TP lớn giá rất cao, từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.
"Khoai trên đồng còn khá nhiều, song chỉ có HTX thu mua cầm chừng cho dân, không thấy bóng dáng thương lái vì đi lại khó khăn. Tôi biết có Tổ công tác 970 nhưng chưa được tiếp cận" - ông Luận nói.
Theo ghi nhận, hiện loại nông sản cần tiêu thụ lớn nhất là cam sành. Do vận chuyển khó khăn nên hầu hết các nhà vườn đều đang bỏ trái chín, rụng.
Ông Nguyễn Văn Đệ - giám đốc HTX cam sành Hiếu Trung (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) - cho biết hiện giá cam tại vườn là 10.000 đồng/kg, trong khi thị trường bán ra từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, tuy nhiên vẫn không có thương lái đến thu mua.
Hiện Vĩnh Long vẫn còn tồn sản lượng lớn các mặt hàng rau củ quả, gia cầm và thủy sản. Theo ước tính, hiện sản lượng nông sản cần tiêu thụ trên địa bàn Vĩnh Long khoảng 2.000 tấn/ngày. Riêng thóc và lúa gạo cần đưa đi tiêu thụ gần 500 tấn/ngày.
Theo Sở Công thương Vĩnh Long, sản lượng nông sản và các loại rau quả trên điạ bàn cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm khá lớn. Trong khi đó việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy cần có giải pháp hiệu quả để không đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới. "Các giải pháp kết nối tiêu thụ hiện nay mới chỉ là tình thế, để ổn định cần có nhiều biện pháp lâu dài và hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ người nông dân sản xuất và tiêu thụ hàng hóa" - đại diện Sở Công thương Vĩnh Long cho biết.
Còn Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết thương lái chỉ thu mua nông sản với số lượng rất ít, thương lái lớn mua để xuất khẩu hay phân phối đi các tỉnh thành thì không đến địa phương được do yêu cầu test nhanh còn trong thời hạn 72 giờ. Bên cạnh đó, do việc thực hiện cách ly 14 ngày khi đến địa phương nên việc vận chuyển hàng hóa không thể qua lại được các chốt.
Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho hay vẫn còn một số khó khăn vận chuyển hàng hóa nông sản lên chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) do chi phí vẫn cao. Việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bị "tắc".
"Chúng tôi đang bàn với các ngành nhờ lực lượng Quân khu 9 hỗ trợ vận chuyển phân bón từ TP.HCM đến tận tay cho nông dân để giảm bớt chi phí khó khăn cho bà con trong sản xuất" - vị lãnh đạo UBND tỉnh nói. Trong khi đó, nhiều tài xế chấp nhận "treo xe" vì ngại dịch và chi phí tăng.
Anh Nguyễn Văn Mến - chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP Cần Thơ - cho hay hiện tất cả tài xế đều bỏ việc vì sợ lây nhiễm trong khi chưa được tiêm vắc xin. "Hiện tài xế chạy một chuyến, khi về lại địa phương đều buộc phải cách ly 14 ngày. Do đó, lượng tài xế thiếu hụt rất nhiều" - anh Mến nói.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang - cho hay đơn vị của ông có hơn 500 xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa, nông sản nhưng hiện chỉ còn 70 phương tiện còn hoạt động. Chủ xe lo chi phí bị đội lên cao vì phải chịu tiền test, xét nghiệm, rồi lỡ tài xế bị cách ly...
Tại các tỉnh miền Tây, nông sản đã và đang vào mùa thu hoạch rất nhiều nhưng tài xế xe tải ngán ngẩm vì dịch bệnh đã "treo xe". Nông sản vẫn đang gặp khó.
TTO - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản đề nghị sở GTVT các tỉnh, thành phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long tháo gỡ khó khăn vận chuyển hàng hóa, nông sản trong bối cảnh tài xế, tài công đang thiếu hụt.