Mới đây, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đã công bố báo cáo lần đầu về CTCP Vincom Retail (MCK: VRE). Trong báo cáo, MBS nhấn mạnh lợi thế của Vincom Retail nhờ hệ sinh thái Vingroup cũng như rào cản gia nhập thị trường lớn.
Bên cạnh đó, đơn vị này đề cập đến rủi ro lớn nhất là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, MBS vẫn đặt kỳ vọng vào ngành bán lẻ nói chung, với luận điểm: "Dù tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng với quyết tâm của chính phủ trong việc tăng độ phủ của vắc xin toàn dân cũng như các chính sách thúc đẩy kinh tế, chúng tôi kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ được phục hồi đồng thời hưởng lợi từ tâm lý "Revenge shopping" (tạm dịch "Mua sắm trả thù") được quan sát ở Trung Quốc và châu Âu sau khi thị tường được mở cửa trở lại".
Báo cáo của Chứng khoán BSC cũng cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ năm 2022 sẽ phục hồi lại tăng trưởng nhờ mở rộng quy mô chuỗi cửa hàng, thu nhập phục hồi và sức mua của người tiêu dùng tăng trở lại nhờ cú hích "mua sắm trả thù".
Thuật ngữ "mua sắm trả thù" đã từng được nhắc đến nhiều vào năm ngoái tại Trung Quốc và châu Âu, sau khi những khu vực này trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng.
Người dân Trung Quốc xếp hàng dài tại cửa hàng Hermes hậu Covid.
"Revenge shopping" hay "Mua sắm trả thù" được định nghĩa là "tình trạng mua sắm trong cơn phấn khích quá mức nhằm vượt qua tâm lý thất vọng hoặc bị kìm nén. Điều này giống với cảm giác lần đầu tiên được ra ngoài trời hít thở sau thời gian dài hoàn toàn sinh hoạt trong nhà". Hành vi này không áp dụng cho ngành FMCG hay các hàng tiêu dùng thiết yếu mà chỉ áp dụng khi nói về việc mua sắm các sản phẩm không cần thiết để sử dụng hàng ngày, như quần áo hàng hiệu, phụ kiện thời trang, thiết bị điện tử đắt tiền.
Sau các đợt giãn cách kéo dài và phải chịu sự bức bối, kìm nén về tâm lý, người tiêu dùng có xu hướng muốn chi tiêu mạnh tay để bù đắp cho bản thân, thoả mãn cơn khát mua sắm, "trả thù Covid".
Tại Trung Quốc, sau nhiều tháng phong toả đầu năm 2020, một số công ty hàng hóa xa xỉ tại đây đã thông báo doanh thu nhanh chóng hồi phục trở lại. Hãng Tiffany cho biết Trung Quốc trở thành điểm sáng trong mảng kinh doanh trang sức của hãng, với doanh số bán lẻ tăng khoảng 30% trong tháng 4 và 90% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều hãng thời trang xa xỉ khác như Burberry, Richemont, Louis Vuitton, Gucci, Prada,… cũng chung nhận định.
Những con số tăng trưởng này "phản ánh mong muốn mạnh mẽ của người dân Trung Quốc muốn ra đường mua sắm, trở lại với cuộc sống tiêu dùng trước đây sau hơn 2 tháng đóng cửa", theo lời ông Jean Jacques Guiony - giám đốc tài chính của tập đoàn đồ xa xỉ lớn nhất hành tinh LVMH, cũng là công ty mẹ của Louis Vuitton.
Đặc biệt là đến Ngày lễ độc thân 11/11, diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Doanh thu sau 30 phút đầu ngày 11/11/2020 đạt 372,3 tỷ NDT (56,3 tỷ USD) gồm cả doanh thu từ những ngày mở bán sớm từ đầu tháng. Alibaba đã đánh bay kỷ lục doanh thu năm 2019 đạt 38 tỷ USD khi họ đã bổ sung thêm 3 ngày mua sắm trước ngày 11/11 do ảnh hưởng của đại dịch.
Năm 2020 có số lượng các thương hiệu tham gia kỷ lục từ Apple tới Nike. Tất cả đều đặt cược rằng sau nhiều tháng phải ở nhà vì dịch Covid-19, 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đã sẵn sàng chi tiêu cho mọi thứ từ việc đặt kỳ nghỉ, đồ điện tử gia dụng và thậm chí là mua nhà.
Khảo sát của hãng tư vấn Oliver Wyman cho thấy trong ngày lễ mua sắm lớn nhất năm 2020, 86% số người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi bằng hoặc nhiều hơn so với năm 2019. Còn theo người phụ trách chiến lược và khách hàng của EY tại Trung Quốc Sean Shen, trong 6 tháng cuối năm 2020, các gia đình giàu có đã chi nhiều hơn và sức mua xa xỉ phẩm gia tăng trong nước.
Bà Claudia D’Arpizio, chuyên gia của Bain & Co về lĩnh vực hàng xa xỉ nhận định: "Người dân đang tích cực trở lại các cửa hàng dù vẫn chưa thể bằng với mức độ trước đại dịch. Nhưng rõ ràng là đã có xu hướng ‘mua sắm trả thù’ với những người tiêu dùng bị thôi thúc mạnh mẽ. Ở một mức độ nhất định, điều này cũng đã bắt đầu xuất hiện ở châu Âu."
Tuy nhiên, "mua sắm trả thù" không phải là xu hướng chung xảy ra trên toàn cầu, cũng không kéo dài lâu. Nhiều chuyên gia nhận định ngoài sự phục hồi hậu đại dịch vẫn còn nhiều yếu tố khác chi phối quyết định chi tiêu của người tiêu dùng. Chưa kể, với những người mất việc làm hoặc thu nhập bị giảm do Covid, phản ứng ban đầu này có thể sẽ giảm dần, phát triển thành xu hướng "tiết kiệm trả thù" do lo ngại về suy thoái kinh tế. Vì vậy, không nên quá trông chờ vào phong trào "mua sắm trả thù" như một động lực phục hồi dài hạn.
Tại Việt Nam, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 kéo dài cũng đã khiến các hoạt động kinh tế rơi vào tình trạng "đóng băng", đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống sở hữu nhiều cửa hàng. Báo cáo của MBS cho biết Vincom Retail đang tạm thời đóng cửa 47 trong số 80 trung tâm thương mại từ cuối tháng 5, đồng thời dự kiến chi tối đa 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm để hỗ trợ khách thuê trong 2021.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.47760558051901202-divoc-uah-el-nab-ahn-cac-ohc-hnis-ioh-gnov-yh-mein-uht-art-mas-aum/nv.zibefac