vĐồng tin tức tài chính 365

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt”

2021-09-15 10:30

Gần 2 tháng đi vào hoạt động, cuộc chiến giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 chưa bao giờ ngừng nghỉ đối với các y bác sĩ tại Bệnh viện hồi sức cấp cứu lớn nhất TP.HCM. 24 giờ mỗi ngày là một cuộc chiến mới đầy khốc liệt xung quanh các ca bệnh, nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 1.

Cánh cửa phòng Hồi sức tích cực mở ra, bên trong hơn chục y bác sĩ đang tiến hành điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch. Tiếng bước chân dồn dập, tiếng máy thở xen lẫn tiếng gọi cấp cứu. 

“Bệnh nhân L.T.P (80 tuổi) oxy trong máu xuống rất thấp rồi, nhanh, nhanh lên”, BS. Lê Quốc Hưng – Khoa Nội tim mạch (BV Thống Nhất) hét lên. 

Ngay lập tức, 5 – 6 y bác sĩ chạy đến. Người tìm thuốc, người theo dõi máy đo nhịp tim, người đặt Stent. 

“Bệnh nhân ngưng tim rồi”, BS. Lê Trường Giang vừa nói vừa trèo lên giường bệnh để thực hiện động tác ép tim. 

2 phút trôi qua, mạch vẫn chưa có lại. Từng động tác gấp rút của BS Giang đều thu gọn vào tầm mắt của những y bác sĩ xung quanh giường bệnh. Qua tấm kính chống giọt bắn, tia hi vọng lóe lên trong khóe mắt của các bác sĩ.

“Có, có rồi, có mạch lại rồi”, BS. Giang như trút được gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm. 

Sau 10 phút cấp cứu, bà P. tạm thời giữ được mạng sống. Bà được các y bác sĩ đặt lại các thiết bị y tế, trên người vẫn chằng chịt ống thở, dây truyền. 

Theo BS. Lê Quốc Hưng, bà P. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có bệnh nền, phải đặt Stent, mắc hội chứng ARDS nên diễn tiến rất nặng.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 3.

“Một ca trực thì có khoảng 20% bệnh nhân sẽ rơi vào nguy kịch, cần cấp cứu, các bác sĩ phải liên tục theo dõi, bóp bóng oxy, ép tim… Mình tham gia ở khoa được 2 tháng rồi, tất cả anh em đều căng thẳng, đặc biệt là sau khi hồi sức mà các bác không qua khỏi, tâm lý khủng khiếp”, vừa nói dứt lời, tiết tút tút từ phía giường bệnh ngoài cùng vang lên, BS. Hưng cùng Ê-kíp trực nhanh chóng chạy lại. 

Nhận thấy ống thở tụt, BS. Đinh Hương Quỳnh – Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BV Nhân dân Gia Định) nhanh chóng đặt lại đường ống, thực hiện thao tác kỹ thuật rút đờm, thông đường thở cho bà T.A.M (66 tuổi). Trên cơ địa béo phì, việc bà đột ngột tụt oxy trong máu khiến tất cả lo sợ.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 4.

Gần chục y bác sĩ đứng xung quanh giường bệnh, người bóp bóng oxy, người tìm thuốc để tiêm, tiếng máy thở, tiếng nói động viên nhau “cố lên, cố lên”. Không khí căng thẳng đến mức ngạt thở. 

5 phút rồi 10 phút trôi qua, tình trạng của bệnh nhân vẫn chưa được cải thiện. Ranh giới giữa sự sống và cái chết càng trở nên mong manh hơn. Đường thở của bà M. có vấn đề, nếu không được cải thiện, bà sẽ ngưng tim. 

“Các bác sĩ hồi sức vẫn đang cố gắng từng giây, bà đừng bỏ cuộc nha bà”, mọi người cầu nguyện. 

“Được rồi” – tiếng BS. Quỳnh vang lên, áp lực tâm lý được tháo bỏ. Lại một bệnh nhân nguy kịch nữa được hồi sức thành công. Chỉ trong vòng 30 phút, mười mấy con người tại khoa ICU 1A như đánh cược mọi khả năng, sự cố gắng với tử thần: Còn thở là còn hi vọng. 

Theo BS. Quỳnh, các bệnh nhân nằm ở khoa ICU 1A đều rất nặng, hầu hết tiên lượng tử vong, phải thở máy, HFNC, nếu oxy trong máu tụt xuống thấp không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến ngưng tim, tử vong.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 6.

“Có những bệnh nhân vừa quay qua quay lại đã thấy ngưng tim nên mọi người ở đây đều luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị sẵn tinh thần, tâm lý trở tay kịp lúc, giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân. Mình chỉ mong các bác ở đây vượt qua được giai đoạn khó khăn này để có thêm chút hi vọng được quay trở về nhà. Ê-kíp y bác sĩ chỉ biết cố gắng và cố gắng hết sức”, BS. Đinh Hương Quỳnh nói.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 7.

Vừa bước ra khỏi phòng hồi sức, BS. Quỳnh vội vàng chạy lại phía hành lang cấp cứu, nơi 2 bệnh nhân nặng đang nằm chờ chuyển vào khoa. Vừa tiếp nhận bệnh nhân, các thông số sức khỏe nhanh chóng được các y bác sĩ ghi lại. 

Cách đó vài bước chân, khoảng 5 – 7 bệnh nhân khác từ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến quận được chuyển đến, đa phần lớn tuổi, phải thở oxy. 

Bệnh nhân N. từ BV Quân dân y miền Đông, chỉ số SpO2 87. 

Bệnh nhân K. từ BV quận Bình Thạnh, bệnh nhân Y. từ BV quận Gò Vấp, nhân viên y tế nào đưa đi nhanh chóng vào bên trong lấy hồ sơ. 

Tiếng gọi khẩn trương của các y bác sĩ tại khoa Cấp cứu vang lên xen lẫn tiếng bước chân, tiếng thở hổn hển, gấp gáp của các bệnh nhân. Bên ngoài, từng đợt xe cứu thương xếp hàng di chuyển vào cổng, ít thì một người, nhiều có khi 3-4 người. Ai nấy đều thấm mệt. 

Sau khi hoàn tất được hồ sơ bệnh án, các ca bệnh được nhân viên khoa Cấp cứu chuyển đến các khoa khác dựa vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bên cạnh việc hỗ trợ đặt bình oxy, vận chuyển, các tình nguyện viên luôn túc trực để động viên, trấn an tâm lý cho bệnh nhân.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 10.

Từng chiếc xe lăn, băng ca cứu thương được chuyển đến khoa Cấp cứu đón bệnh nhân mới rồi rời đi, mang theo hi vọng của tất cả mọi người. Bệnh nhân đó sẽ sớm khỏe lại, sẽ chiến thắng được Covid để quay trở về nhà. 

Theo chân BS. Phạm Minh Huy, chúng tôi đến khoa 7A, nơi đang điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó 15 bệnh nhân thở máy, 30 người thở HFNC, còn lại oxy mask. 

Dù chỉ có 5 bác sĩ, 10-12 điều dưỡng trong một ca trực nhưng với chừng ấy con người, các y bác sĩ lúc nào cũng phải căng não lên để tiếp nhận và xử lý các ca bệnh trong một cường độ làm việc cao. 

Là một trong những thành viên đầu tiên có mặt tại BV Hồi sức Covid-19, BS. Huy thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà bệnh viện đang phải đối mặt, nhất là vấn đề nhân sự. 

Đã 3 tháng, BS. Huy chưa một lần được về nhà để thăm gia đình, riêng việc túc trực tại BV Hồi sức cũng đã ngót nghét tròn 2 tháng. Khi nào rảnh, BS. Huy mới liên lạc với vợ của mình qua điện thoại.

Đứng cạnh giường bệnh nhân người Congo, BS. Huy cho biết người này đã nhập viện điều trị khoảng 10 ngày ở khoa ICU, sau đó chuyển lên 7A trong điều kiện sức khỏe diễn tiến tốt. Mặc dù gặp bất đồng về ngôn ngữ, bệnh nhân chỉ nói bập bẹ vài câu Tiếng Anh, lại không rành Tiếng Việt nhưng tất cả y bác sĩ, điều dưỡng tại khoa 7A luôn nỗ lực hết sức để giúp bệnh nhân sớm hồi phục. 

Tính đến thời điểm hiện tại, khoa 7A của BS. Huy đã điều trị cho 3 bệnh nhân người nước ngoài, trong đó có một bệnh nhân người Trung Quốc rất nặng. Trên cơ địa béo phì khoảng 90 ký, thở HFNC, các bác sĩ tưởng rằng phải đặt nội phí quản cho bệnh nhân nhưng không ngờ sau khi thay đổi thuốc kháng đông cũng như tích cực cứu chữa, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 12.

Cách khoa 7A đúng một dãy hành lang, 16 bác sĩ và điều dưỡng, tình nguyện viên của khoa 7B đang tích cực hỗ trợ, điều trị cho 71 bệnh nhân nặng, gần một nửa phải thở máy và HFNC. 

Cũng giống như BS. Phạm Minh Huy, BS. Trần Hữu Chinh cũng đến BV Hồi sức Covid-19 từ những ngày đầu thành lập. 

Chứng kiến các bệnh nhân chuyển biến xấu nhanh, nguy kịch, BS. Chinh không ít lần rơi vào trạng thái bàng hoàng, stress. Trong tiềm thức của vị bác sĩ chuyên khoa Nội Tim mạch, BV Chợ Rẫy, chưa bao giờ BS. Chinh chứng kiến cảnh tượng đáng sợ đến vậy. Ranh giới giữa sự sống và cái chết ở đây chỉ được ngăn cách bởi một bức tường vô hình. Mà đôi khi, chỉ cần chậm trễ một giây, nó hoàn toàn sụp đổ. 

“Nhiều bác sĩ trẻ đến đây họ rất sợ, lo lắng khi bệnh nhân chuyển nặng nhanh. Bệnh nhân ở đây tất cả đều không có người nhà ở bên nên tâm lý rất nặng nề. Để giúp bệnh nhân giải tỏa được tâm lý sợ hãi, các y bác sĩ phải cố hết sức trở thành người nhà, truyền động lực, niềm tin cho bệnh nhân. 

2 tháng ở lại đây, mình và đồng đội chỉ biết cố gắng và cố gắng để giảm thiểu triệu chứng nặng, đưa bệnh nhân từng bước vượt qua được giai đoạn nguy hiểm. Nhưng mà nhiều trường hợp khiến mình tiếc nuối bởi không giúp gì được thêm nữa, bất lực nhìn họ ra đi”, BS. Chinh lặng người.

Bên trong phòng bệnh, thay cho tiếng nói cười là những tiếng thở gấp gáp kéo theo những đợt ho dữ dội, rên la của các bệnh nhân. 

“Đau quá bác sĩ ơi”, “Bác sĩ làm ơn cứu tôi”…, mọi thứ đẹp đẽ đều trở nên vô nghĩa khi điều quan trọng nhất lúc này là giành giật từng sự sống cho bệnh nhân.

Trong buổi chiều mà cơn mưa nặng hạt liên tục trút xuống dưới mái hiên bệnh viện, phép màu đã không xảy ra, chẳng có bất kỳ cầu vồng nào xuất hiện. Dù đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhưng một bệnh nhân nặng của khoa 7B đã mãi mãi ra đi trong sự cô độc, chẳng có người thân. 

Không khí nặng nề bao trùm khắp một dãy hành lang của bệnh viện, có một cái gì đó nghẹn ứ nơi cổ họng. Những người có mặt khi ấy, tất cả đều cúi đầu, lặng lẽ tiễn biệt người ra đi. 

Chiếc xe đẩy thi thể bệnh nhân rời bệnh viện để di chuyển vào nhà xác, ngoài trời, cơn mưa nhưng muốn khóc thương cho một kiếp người. Đại dịch Covid đã cướp đi tổ ấm lành lặn của hàng ngàn gia đình khi con cái phải xa bố mẹ, vợ chồng xa nhau.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 16.

Chỉ mấy tiếng ít ỏi có mặt tại bệnh viện, sự ra đi của vài con người khiến chúng tôi cảm thấy ớn lạnh. Bên trong cánh cửa phòng hồi sức, các y bác sĩ trong màu áo trắng vẫn đang gồng mình bảo vệ sự sống cho những bệnh nhân khác, nguy kịch. 

Chiến đấu hay buông bỏ khi đại dịch vượt qua sức chịu đựng của con người. Đã bao lâu rồi, những màu áo trắng kia chưa có được cho mình một giấc ngủ trọn vẹn? Đã bao lâu rồi họ chưa được về nhà? Họ vẫn ở lại đây để cùng nhau chiến đấu, cùng nhau giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 17.

“Bà H. đã tự thở được rồi, không cần phải thở máy nữa”, tiếng BS. Lê Trường Giang vang lên giữa khoa ICU 1A. Các y bác sĩ nhìn nhau, cười hạnh phúc. 

Trải qua 3 tuần điều trị, bà T.T.T.H (68 tuổi) đã tỉnh lại và nói chuyện được. Đó phải chăng là một phép màu khi trước đó, bà phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, dùng thuốc an thần liều cao, đặt nội khí quản. Sau bao nỗ lực, cố gắng của các y bác sĩ, bà H. đã hồi sinh, rồi một ngày không xa, bà sẽ được xuất viện, quay trở về nhà. 

Giống như bà H., ông N.X.C (57 tuổi) cũng đã vượt qua cánh cửa tử thần khi đã cai máy thở thành công. Sự hồi phục ngoạn mục của ông C. khiến BS. Trần Hữu Chinh ngỡ ngàng.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 18.

“Mình không nghĩ rằng bệnh nhân sẽ sống đâu, tiên lượng đều tử vong, nguy kịch rất nhiều lần. Giờ thì quá tốt rồi, vài ngày tới bệnh nhân có thể xuất viện”, BS. Chinh nói.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 19.

“Có những bệnh nhân ban đầu liên hệ với người nhà, đến khi họ trở nặng, tâm lý người nhà rất lo lắng nên nhờ bệnh viện gửi lời động viên, chia sẻ đến bệnh nhân. Thay vì mình nói bằng giọng của mình thì ở đây, mọi người ghi âm lại giọng nói của người thân để gửi đến bệnh nhân. 

Dù đó là những đoạn ghi âm rất đỗi bình thường, chỉ vài ba câu đơn giản: Mẹ ơi mẹ, mẹ cố lên đi mẹ hay bà về với tui đi bà, tui nhớ bà lắm… nhưng đó là tâm tình, truyền động lực rất lớn để bệnh nhân có thể chiến đấu”, Cha phó Trần Anh Tuấn – Nhà thờ Trung Chánh không giấu nỗi sự xúc động, kể lại. 

Cũng giống như Cha Tuấn, Nguyễn Công Trung (21 tuổi) đăng ký tham gia vào đội tình nguyện viên của bệnh viện được 3 tuần. Được trực tiếp tham gia vào công tác hỗ trợ bệnh nhân, Trung phần nào thấu hiểu được những áp lực, vất vả mà đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đang ngày đêm gồng mình trong cơn đại dịch. 

“Một ca trực em mặc đồ bảo hộ khoảng 4-5 tiếng, em lau sàn, dọn dẹp vệ sinh, thay tã, phụ chăm sóc bệnh nhân”, Trung bộc bạch.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 20.

Với chàng trai 21 tuổi, ban đầu việc thay tã, chăm sóc người bệnh gặp không ít khó khăn. Mọi sinh hoạt thường nhật, ăn uống cũng bị đảo lộn nhưng bằng tình yêu thương, mong muốn góp một phần nhỏ của mình vào công tác chống dịch, Trung tự động viên, buộc mình phải thích ứng. 

“Ban đầu gia đình em không đồng ý cho em tham gia, em đến đây rồi mới dám gọi về nói cho bố mẹ biết. Giờ thì mọi người cũng động viên em rất nhiều, em nghĩ mình còn trẻ, làm được gì thì cứ làm”, Trung nói. 

“Khi bóp bóng oxy cho bệnh nhân, em chỉ biết nguyện cầu rồi tự động viên mình cố gắng”. 

Tiếp xúc trực tiếp với F0, gạt bỏ đi những e dè, sợ hãi, những “chiến binh” áo trắng cứ cần mẫn làm hết việc này đến việc khác. Thậm chí đến lúc phơi nhiễm, họ vẫn tình nguyện tiếp tục chiến đấu. 

Vừa thực hiện các động tác nâng đỡ cho ông T.V.R (57 tuổi) tại lầu 6, anh Trương Văn Hiền – Cử nhân vật lý trị liệu, BV Chợ Rẫy cho biết mấy ngày qua, Ê-kíp điều trị như chạy đua với thời gian khi có rất nhiều bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu, cải thiện hô hấp.

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 21.

Trung bình một thành viên sẽ phụ trách khoảng 20 người, hỗ trợ bệnh nhân về mặt hô hấp để giúp họ sớm có thể xuất viện, về nhà. Mặc dù làm việc với cường độ công việc cao, nhiều lúc quá tải nhưng anh Hiền luôn cảm thấy vui vẻ, tràn đầy năng lượng, luôn hết mình hỗ trợ bệnh nhân. Điều đặc biệt là anh Hiền vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2. 

“Khi phát hiện mình là F0 thì anh cũng lo lắng lắm, nhưng vì bản thân không có triệu chứng, Ê-kíp lại ít người nên được một tuần nhiễm, sau khi test PCR, chỉ số CT > 30 thì anh đã xin ra để hỗ trợ”, vừa nói, anh Hiền vừa đỡ ông R. ngồi dậy, giúp ông cử động tay, chân. 

21h, khác với vẻ tĩnh mịch của đường phố Sài Gòn về đêm, bên trong từng căn phòng của BV Hồi sức Covid-19, đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên vẫn đang miệt mài với công việc. Nơi đây, dường như định nghĩa, khái niệm hay ranh giới về mặt thời gian đã không còn tồn tại. Tất cả đều trong một “cuộc chiến” vô cùng khốc liệt mà ở đó, trách nhiệm không của riêng ai, tất cả chỉ có một lòng quyết tâm giúp bệnh nhân hồi sinh trước lưỡi hái tử thần. 

Bệnh nhân cần trở về nhà và y bác sĩ cũng thế!

7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 23.
7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 24.
Chế Văn Tiên
Chế Văn Tiên
Tuấn Maxx, Trường Dương
15/09/2021
7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt” - Ảnh 26.

Chế Văn Tiên

Pháp luật và bạn đọc

Xem thêm: nhc.2635639051901202-teib-mat-uad-iuc-iac-av-oht-ioh-gnut-taig-hnaig-oan-nac-tuhp-91-divoc-cus-ioh-neiv-hneb-iat-oig-7/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“7 giờ tại bệnh viện hồi sức Covid-19: Phút cân não giành giật từng hơi thở và cái cúi đầu “tạm biệt””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools