Hôm 14-9, tướng John E. Hyten - Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã cảnh báo về những rủi ro lớn nếu xung đột giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc vượt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời hy vọng rằng các bên sẽ xử lý mọi mâu thuẫn với một cái đầu lạnh, theo đài RT.
"Chúng tôi chưa bao giờ thật sự chiến đấu với Liên Xô trước đây. Đối với các cường quốc, mục tiêu của chúng tôi là không bao giờ gây chiến với Trung Quốc và Nga” - ông Hyten nói.
Theo tướng Hyten, một cuộc chiến nổ ra giữa ba nước sẽ có thể "phá hủy thế giới và nền kinh tế toàn cầu và chắc chắn sẽ có hại cho tất cả mọi người”.
“Chúng ta phải đảm bảo rằng Mỹ sẽ không đi theo con đường đó” - ông Hyten nhận định.
Hình ảnh cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus tại bãi tập Mulino ở vùng Nizhny Novgorod, Nga. Ảnh: SPUTNIK
Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng các thỏa thuận đạt được giữa Moscow và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) sau khi Liên Xô sụp đổ đã biến "Nga không còn là mối đe dọa nữa".
Tuy nhiên, ông vẫn cáo buộc chính quyền Nga đang "hiện đại hóa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình". Theo ông, hành động này của Moscow là do "họ đang lo lắng về Mỹ”.
Tướng Hyten cho biết dù Mỹ và Nga đều đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước, nhưng còn lâu mới có thể đạt được sự ổn định hoàn toàn.
Tướng Hyten cũng nói rằng Washington đang ngày càng lo lắng về những vấn đề tương tự với Trung Quốc, một quốc gia mà ông cho là đang trải qua "quá trình hiện đại hóa hạt nhân chưa từng có với nhiều hầm chứa tên lửa hạt nhân được nhìn thấy công khai".
"Mỹ và Nga chỉ giới hạn triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân. Còn Trung Quốc, họ không có giới hạn nào cho số lượng hầm chứa của mình" - ông Hyten cảnh báo.
Theo ông, với việc các quốc gia đang tìm cách nâng cấp đầu đạn và số tên lửa của mình, việc giảm thiểu căng thẳng và ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân là cần thiết hơn bao giờ hết.
Trước đó, vào tháng 12-2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã cảnh báo rằng chính Washington, chứ không phải Moscow, đang làm tăng nguy cơ về một cuộc chiến hạt nhân khi đưa tên lửa hạt nhân đến các quốc gia châu Âu.
Ông Ryabkov nói Điện Kremlin "hy vọng Mỹ sẽ ngừng 'chia sẻ' vũ khí hạt nhân với các đồng minh của mình, và ngừng triển khai vũ khí hạt nhân ở các quốc gia không sở hữu loại vũ khí này. Rõ ràng, điều này đang dẫn đến tình trạng mất ổn định và nguy cơ xuất hiện những rủi ro mới".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định "Nga sẵn sàng hợp tác để đảo ngược tình trạng này”, RT đưa tin.