Ca sĩ Hồng Nhung (trái) hát "Có những con đường" và ca sĩ Cẩm Vân trong MV "Im lặng thở dài"
Nhiều người vẫn đồng thuận với nhau rằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn có tính thời đại rất cao. Cho tới tận hôm nay, nhạc Trịnh với bao triết lý nhân sinh vẫn gắn liền với tất thảy vui, buồn, hạnh phúc lẫn khổ đau của con người.
Chọn nhạc Trịnh để gửi gắm tâm sự
Không hẹn mà gặp, nhiều ca sĩ thành danh đã chọn nhạc Trịnh để trút bầu tâm sự trong khoảng thời gian sân khấu phải đóng cửa.
Tháng 7 vừa qua, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn mang đến cho các bệnh nhân tại một số bệnh viện dã chiến ở TP.HCM hai nhạc phẩm Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em.
Trần Mạnh Tuấn nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả sau đêm diễn tại sân khấu đặc biệt nhất sự nghiệp
Về lý do anh chọn hai nhạc phẩm này, trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ vào đầu tháng 8, Trần Mạnh Tuấn bảo rằng tâm hồn nghệ sĩ của Trịnh Công Sơn "nhìn gì cũng đẹp", và cái đẹp của người phụ nữ trong các bài hát này cũng là cách nhìn đầy yêu thương của nhạc sĩ dành cho thế giới nhân sinh.
Hơn nữa, trong cuộc chiến chống lại COVID-19, Trần Mạnh Tuấn tin rằng nhạc Trịnh sẽ là cầu nối đưa mọi người lại gần nhau hơn.
Danh ca Khánh Ly cũng từng tâm sự rằng với mình, nhạc Trịnh như lời an ủi, chia sẻ trong đời sống và bà sẽ hát nhạc Trịnh cho tới khi không hát được nữa.
Những ngày thành phố vắng lặng, đìu hiu, ca sĩ Hồng Nhung ngồi lặng lẽ hát Có những con đường của người nhạc sĩ đã tặng cho cô cái tên gọi Bống.
'Có những con đường' qua tiếng hát Hồng Nhung - Nguồn: Hồng Nhung
"Đường phố buồn, một đường phố buồn/ Đường phố buồn, mọi người đi vắng/ Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng/ Đường im lìm…", nhiều thính giả bình luận ca khúc đầy tính tự sự được sáng tác từ thế kỷ trước nhưng lại có những lời ca như thể mô tả về hiện trạng vắng lặng ở nhiều nơi vì giãn cách xã hội.
Hồng Nhung nói vui rằng bài này như là lời tiên tri của Trịnh Công Sơn vậy. Ca khúc mang nhiều tính triết lý về thân phận con người, những thăng trầm của đời sống và đặc biệt là sự kết nối giữa từng cá thể với quê hương, đất nước.
Sau Hồng Nhung, ca sĩ Cẩm Vân tiếp tục chọn một ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc với nhiều thế hệ khán thính giả là Im lặng thở dài để làm MV. Lý do nữ ca sĩ chọn ca khúc này cũng vì ca từ giàu chất tự sự, thấm đẫm triết lý nhân sinh.
Cẩm Vân tâm sự rằng thời gian qua, đã nhiều đêm cô mất ngủ vì chứng kiến những mất mát do đại dịch gây ra. Và cô muốn hát một bài hát cho bản thân và những người xung quanh, như một cách gửi gắm tâm sự trong những ngày này.
Cô nhớ ngay tới những lời ca: "Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe/ Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe/ Im lặng của đời tôi đã lắng nghe/ Tôi đã lắng nghe trái tim lạc loài/ Bao đêm đã qua im lặng của người/ Tôi đã lắng nghe im lặng của tôi...".
Cẩm Vân trong MV quay tại nhà do con gái là ca sĩ CeCe Trương thực hiện
Không chỉ có Hồng Nhung, Cẩm Vân chia sẻ niềm tin nhạc Trịnh sẽ vẫn tiếp tục đi cùng các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau, nhiều khán giả vẫn và sẽ còn tìm đến nhạc Trịnh như một lời ủi an cho kiếp nhân sinh "sống chết mong manh", cho "tôi ơi đừng tuyệt vọng", hay để "nghe đời rất mênh mông" và nhìn cõi hư vô bằng cái nhìn từ ái nhất...
Nối vòng tay lớn gây quỹ chống dịch
Cái hay của nhạc Trịnh không chỉ nằm ở vẻ đẹp của ca từ hay những triết lý sâu xa mà còn là sự gắn kết với cộng đồng rộng lớn. Nối vòng tay lớn - ca khúc chủ đề của chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến "Nối vòng tay lớn" sẽ diễn ra ngày 26-9 - là một trong số đó.
Bài hát đã được đưa vào sách giáo khoa Âm nhạc lớp 9 để giáo dục cho các em học sinh về tinh thần hòa hợp dân tộc và sự đoàn kết một lòng của người dân Việt Nam. Tư tưởng đầy tính nhân văn của bài hát đã giúp Nối vòng tay lớn không chỉ được lưu truyền rộng rãi tại Việt Nam, mà còn gây được sự chú ý với giới yêu nhạc quốc tế.
'Nối vòng tay lớn" cũng là ca khúc thường được biểu diễn để kết màn trong các đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
Trong đêm nhạc trực tuyến "Nối vòng tay lớn", nhiều nghệ sĩ hai miền Bắc, Nam như Tạ Minh Tâm, Thanh Lam, Cẩm Vân - Khắc Triệu, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Tùng Dương, Thanh Bùi, Hà Lê, Lân Nhã... không chỉ biểu diễn mà còn đóng vai trò người kể chuyện về những nỗ lực của người dân, đội ngũ tình nguyện viên và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Chương trình do Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phối hợp tổ chức với mong muốn kêu gọi nguồn lực để mua các thiết bị vật tư y tế đóng góp vào quỹ phòng chống COVID-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM quản lý.
Ngoài các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Huế, Sài Gòn, Hà Nội; Để gió cuốn đi; Hãy yêu nhau đi; Nối vòng tay lớn, chương trình còn mang đến nhiều ca khúc khác như Sài Gòn tôi sẽ (Nguyễn Thái Dương), Giọt nắng bên thềm (Thanh Tùng), Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo), Tình ca phố (Quốc Bảo), Niềm tin chiến thắng (Lê Quang), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh)...
"Nối vòng tay lớn" dự kiến diễn ra tối 26-9, được thực hiện theo hình thức cầu truyền hình trực tuyến với nhiều đầu cầu trên cả nước.
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn là giám đốc âm nhạc của chương trình "Nối vòng tay lớn"
Trần Mạnh Tuấn "trình diễn" Hãy yêu nhau đi
Chương trình "Nối vòng tay lớn" do Quang Dũng đạo diễn, Trần Mạnh Tuấn làm giám đốc âm nhạc. Sau khi bị đột quỵ tối 17-8, đến nay nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã tỉnh dậy và hồi phục kỳ diệu.
Dù không thể biểu diễn trực tiếp nhạc phẩm Huyền thoại mẹ trước Nhà hát TP.HCM như dự kiến, Trần Mạnh Tuấn vẫn sẽ xuất hiện trong chương trình với phần trình diễn nhạc phẩm Hãy yêu nhau đi dưới hình thức phát lại.
Ban tổ chức bày tỏ mong muốn nghệ sĩ sẽ sớm có đủ sức khỏe để xuất hiện chia sẻ trong chương trình, bởi anh đã đặt rất nhiều tâm huyết cho "Nối vòng tay lớn" trước khi ngã bệnh.
TTO - Không chỉ thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, gần đây ca sĩ Nguyễn Phi Hùng còn góp mặt trong đội nghệ sĩ tình nguyện, mang lời ca tiếng hát động viên tinh thần đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, bệnh nhân mắc COVID-19.