Vụ không kích vẫn đang gây nhiều tranh cãi
Vài ngày trước khi Mỹ rút quân khỏi Kabul, một chiếc máy bay không người lái đã nã tên lửa vào chiếc xe trong một khu nhà ở gần sân bay, nơi họ tình nghi lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) chi nhánh Afganistan đang chuẩn bị cho một vụ tấn công khủng bố khác. Quả tên lửa Hellfire phát nổ nhưng những câu chuyện xung quanh nó lại trái ngược nhau tới mức không thể tin nổi.
Vài ngày trước khi Mỹ rút quân, UAV đã bắn tên lửa vào một mục tiêu trong khu dân cư tại Kabul. Vụ việc khiến 10 người trong một gia đình tử nạn, trong đó có nhiều trẻ em. Lầu Năm Góc cho biết một thành viên ISIS-K, cách mà người Mỹ gọi lực lượng IS ở Afghanistan, đã bị tiêu diệt.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley gọi đây là một vụ tấn công chính nghĩa. Nó là 1 trong 2 vụ tấn công trả đũa ISIS-K mà Mỹ tiến hành sau vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul làm 13 lính Mỹ và gần 200 người Afghanistan thiệt mạng.
Trong tuyên bố chính thức, Bộ Tư lệnh vùng Trung tâm của Mỹ, đơn vụ phụ trách khu vực bao gồm cả Afghanistan, cho biết các vụ nổ thứ cấp là "bằng chứng về một lượng vật liệu nổ đáng kể" trong xe. Một quan chức Mỹ nói rằng họ đã theo dõi chiếc xe này trong 8 giờ trước khi tiến hành tấn công.
Zamurai Ahmadi bị nghi là thành viên ISIS-K. Người đàn ông 43 tuổi từng có 15 năm làm việc cho Tổ chức phi lợi nhuận Nutrition and Education International (NEI) của Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của CNN lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác. Các cuộc phỏng vấn chuyên gia chất nổ, người thân, đồng nghiệp và hàng xóm của ông Zamurai Ahmadi lại cho thấy một cái nhìn theo chiều ngược lại. Người ta không những chẳng nghi ngờ việc ông Ahmadi là khủng bố mà còn không tin trong chiếc xe có vật liệu nổ.
Cùng với đó, xuất hiện những nghi ngờ rằng liệu quân đội Mỹ đã thu thập đủ thông tin tình báo trước khi tiến hành vụ tấn công mà theo gia đình nạn nhân, nó giết chết 3 người đàn ông đang xin visa Mỹ lánh nạn và 7 đứa trẻ dưới 15 tuổi hay chưa.
Ba ngày trước vụ tấn công định mệnh giết chết Zamurai Ahmadi và 9 thành viên khác trong gia đình, một kẻ đánh bom liều chết đã làm 13 lính Mỹ và 170 người Afghanistan thiệt mạng. Khi thời hạn rút quân 31/8 đang tới gần, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ truy lùng và bắt các người phải trả giá. Chúng tôi sẽ đáp trả bằng vũ lực với đòn tấn công chính xác vào thời điểm, địa điểm mà chúng tôi lựa chọn".
Ngay sau đó, Mỹ cảnh báo các vụ tấn công khủng bố khác sẽ xảy ra ở khu vực sân bay Kabul, nơi duy nhất còn nằm dưới sự kiểm soát của người Mỹ. Để trả đũa âm mưu khủng bố đẫm máu, Mỹ đồng thời tiến hành vụ không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào kẻ mà Washington mô tả là kiến trúc sư trưởng của vụ tấn công. Đến ngày 29/8, Ahamdi bị đưa vào tầm ngắm.
Zamurai Ahmadi là ai?
Sáng hôm đó, người đàn ông 43 tuổi bắt đầu công việc như những người đồng nghiệp khác. Các đồng nghiệp cho biết Ahmadi là lái xe, thường điều khiển chiếc Toyota Corolla thuộc sở hữu của Tổ chức phi lợi nhuận Nutrition and Education International (NEI) do chính Mỹ thành lập. Ahmadi đã làm việc ở đây trong 15 năm qua.
Lúc 8h44, Ahmadi nhận cuộc gọi từ giám đốc NEI, yêu cầu anh ta đến nhà ông để lấy một chiếc máy tính xách tay. Việc này có đồng nghiệp và bản ghi cuộc gọi xác nhận. Tuy nhiên, Ahmadi lái xe đến đón một đồng nghiệp cũ, người muốn được gọi là Khan, vì anh này cũng muốn đến văn phòng để hỏi thông tin xin thị thực Mỹ.
Theo Khan, Ahmadi có mặt lúc 8h45 phút và lịch sử cuộc gọi xác nhận điều này. Sau đó, họ lấy máy tính xách tay từ tay bố của giám đốc. Họ ở đó khi đồng hồ còn chưa điểm 9h.
Máy quay an ninh ghi lại hình ảnh Ahmadi cùng 2 đồng nghiệp tới Tổ chức phi lợi nhuận Nutrition and Education International (NEI). Trên tay anh cầm theo vật giống chiếc cặp máy tính xách tay.
Cùng lúc đó, máy bay không người lái Mỹ phát hiện một chiếc xe đang di chuyển ra khỏi một địa điểm được coi là cơ sở bí mật của IS. Không nhiều người đến và đi từ ngôi nhà này nên khi có một chiếc xe di chuyển khỏi đó, nó rất quan trọng. Máy bay không người lái Mỹ bắt đầu theo dõi phương tiện này.
Tuy nhiên, giám đốc NEI của Afghanistan nói rằng ngôi nhà mà Ahmadi đến là nơi ông sống cùng cha mẹ, vợ con và 3 em gái. Nó chưa bao giờ là cơ sở bí mật của IS. Gia đình ông đã sống ở đây được hơn 40 năm rồi.
Sau 9h, Ahmadi đón thêm một người đồng nghiệp nữa. Họ dừng ở một quán ven đường mua bữa sáng mang đi trước khi lái xe đến văn phòng.
Khi đó, máy bay Mỹ vẫn đang theo dõi một chiếc xe từ trên cao. Quân đội Mỹ tập trung thu thập tin tức về một âm mưu đánh bom liều chết. Mỹ được biết nghi can sẽ gặp ai đó ở một nơi nào đó để chuẩn bị cho âm mưu tấn công khủng bố.
Trong 8 giờ tiếp theo, Mỹ thấy chiếc xe dừng lại và chất lên đồ vật. Người trên xe cũng gặp gỡ một ai đó. Những gì xảy ra cho thấy sự tương đồng với những thông tin tình báo mà phía Mỹ thu thập được từ trước.
Trong khi đó, máy quay an ninh ghi lại hình ảnh Ahmadi và 2 người đàn ông đến văn phòng của NEI. Ahmadi mang theo thứ gì đó giống máy tính xách tay. Đó là lúc khoảng 9h36 phút ngày 29/8. Các đồng nghiệp của Ahmadi cho biết ngày hôm đó cũng diễn ra giống như những ngày khác trong lịch trình làm việc của họ.
Máy quay an ninh ghi lại cảnh Ahmadi cùng bảo vệ lấy nước vào thùng và cho lên xe.
NEI, tổ chức phi lợi nhuận chuyên giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở Afghanistan, đã giao đậu nành và gạo cho các trại tị nạn đầy những người tháo chạy khỏi Taliban. Sau bữa sáng, 3 người này tới một trạm gác của Taliban để xin phép chuyển thực phẩm được phân phối. Đó là một trong 2 trạm gác họ đi qua vào ngày hôm đó.
Đến chiều, quân đội Mỹ quan sát thấy người ta chất thứ gì đó, bị nghi là thuốc nổ, vào phía sau xe. Phía Mỹ cho biết những người vận chuyển thứ đồ nặng lên xe có vẻ khá kín đáo. Chúng bị đánh giá là vật liệu nổ dù phía Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết.
Thế nhưng, đồng nghiệp của Ahmadi cho biết nhà anh mất nước nhiều tuần vào hôm nào anh cũng phải lấy nước từ nơi làm việc, đổ vào thùng nhựa để mang về nhà dùng. Một nhân viên bảo vệ của NEI giấu tên còn cho biết chính anh ta đã dùng vòi để đổ đầy nước vào thùng cho Ahmadi vào buổi chiều hôm đó. Máy quay an ninh cũng ghi lại cảnh này vào chiều hôm đó. Các thùng nước được đặt trở lại cốp xe. Đó là vào khoảng 14h30 theo giờ địa phương.
Vụ tấn công xảy ra như thế nào?
Khoảng 4h chiều, Ahmadi và 2 đồng nghiệp trở về nhà theo cung đường họ đi làm buổi sáng. Tuy nhiên, không ai ngờ đây là chuyến xe cuối cùng của người đàn ông 43 tuổi. Khoảng 5 giờ chiều, những đứa con ùa ra đón Ahmadi khi anh về tới sân nhà, nơi anh ở chung với 3 em trai và vợ con của họ. Gia đình Ahmadi thường để cậu con trai Farzad 8 tuổi đỗ xe khi những đứa trẻ khác chơi đùa bên trong.
Tuy nhiên, khi lũ trẻ chạy về phía Ahmadi, một quả tên lửa Hellfire mang đầu đạn nổ nặng 9kg đã đánh trúng mục tiêu. Chưa đầy 1 phút kể từ khi được phóng từ máy bay không người lái, tên lửa đã phát nổ, nuốt chửng chiếc xe trong lửa.
Tổng cộng 10 người thiệt mạng, bao gồm 7 trẻ em. 4 trong số chúng có mặt trên xe lúc vụ tấn công xảy ra. Nhiều người có mặt trên sân cũng bị giết vì vụ nổ. Ban đầu, người nhà nghĩ rằng đây là một vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra đây là vụ tấn công có chủ đích nhằm vào gia đình mình.
Hàng xóm hỗ trợ dập lửa sau vụ tấn công.
"Máu ở khắp nơi. Chúng tôi cố gắng chạy tới chỗ mọi người xem có cứu được ai không. Tất cả thi thể đều bị thiêu rụi. Chiếc xe bị thiêu hủy. Mạnh vụn khắp nơi", một người hàng xóm nhớ lại.
Điều này trái ngược với tuyên bố của phía Mỹ. Theo Washington, những người thực hiện vụ tấn công đã quan sát và chỉ thấy tài xế và một nam giới trưởng thành khi họ phóng tên lửa. Không có trẻ em nào trong xe. Tuy nhiên, sau khi tên lửa khai hỏa, người Mỹ mới nhìn thấy trẻ em thông qua hình ảnh àm máy bay không người lái ghi lại.
Ngay sau vụ tấn công, quân đội Mỹ cho biết không có báo cáo về thương vong dân sự. Cuối ngày, họ phải sửa lại báo cáo của mình nhưng vẫn khẳng định nguyên nhân có thể bắt nguồn từ "các vụ nổ thứ cấp".
Phải 3 ngày sau vụ việc, Bộ Quốc phòng Mỹ mới lần đầu thừa nhận có thương vong dân sự. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn nhấn mạnh ít nhất 1 trong số những người thiệt mạng là thành viên IS. Đối với những người khác, phía Mỹ nói rằng họ không biết đó là ai và sẽ tiếp tục điều tra. Trước Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh vụ không kích được "xem xét rất cẩn thận" đồng thời bảo vệ quyết định tấn công vào cái ông gọi là "mục tiêu khủng bố".
Thương vong dân sự trong các cuộc tấn công chống khủng bố trong quá khứ cũng được ông Blinken nêu ra.
Có hay không các vụ nổ thứ cấp?
CNN có mặt tại hiện trường chỉ vài giờ sau vụ tấn công. Họ ghi lại tất cả hình ảnh vụ việc. Trong khi giới chức Mỹ nhấn mạnh có vụ nổ thứ cấp xảy ra, CNN đã đưa video hiện trường cho 2 chuyên gia về chất nổ đánh giá. Cả hai người đều cho rằng không có bằng chứng về một vụ nổ thứ cấp đáng kể, chứ chưa nói đến nhiều vụ nổ. Những chiếc xe và bức tường xung quanh đó gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Một trong các chuyên gia là Brian Castner, cựu sĩ quan xử lý vật liệu nổ của quân đội Mỹ ở Iraq. Ông đang làm điều tra viên tội phạm chiến tranh của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Theo Castner, nếu có một vụ nổ thứ cấp đáng kể, những bức tường sẽ bị phá hủy, cây cối gần đó bị thổi bay và chiếc xe gần đó sẽ bị lật nghiêng.
Tuy nhiên, Castner cho rằng chỉ có thể đưa ra kết luận cuối cùng nếu các nhà điều tra trực tiếp có mặt tại hiện trường để đánh giá thiệt hại.
Zamurai Ahmadi (giữa) đang xin thị thực Mỹ cho gia đình 6 người của mình trước khi vụ tấn công xảy ra.
Một chuyên gia về vật liệu nổ khác, người yêu cầu giấu tên, cũng đã xem video của CNN và nói rằng không có bằng chứng cho thấy có một vụ nổ thứ cấp, lớn hơn 4-5 lần vụ nổ ban đầu – như các nhà chức trách Mỹ công bố. Nếu một vụ nổ quy mô như vậy, nó sẽ phá nát chiếc xe, cây cối và cả bức tường gần đó. Dẫu vậy, vị chuyên gia này cho rằng Chính phủ Mỹ có bằng chứng gì đó khi họ đưa ra tuyên bố của mình.
Trong một diễn biến khác, đại diện ISIS-K đã phủ nhận quan hệ với nạn nhân của vụ tấn công. Lực lượng này lên tiếng về một vụ khủng bố thất bại nhằm vào sân bay Kabul khi ít nhất 5 quả rocket họ bắn vào sân bay bị hệ thống phòng thủ đánh chặn. Một chiếc xe của ISIS-K được cải tiến để phóng tên lửa giống với chiếc xe mà Ahmadi từng lái.
Taliban, những người đang kiểm soát Afghanistan và cũng là kẻ thù của ISIS-K, tuyên bố họ không tin gia đình Ahmadi có liên quan tới lực lượng hồi giáo cực đoan kia. Tuy nhiên, họ cũng không tiến hành điều tra vụ việc.
Chiếc xe mà ISIS-K cải tiến để phóng tên lửa vào sân bay Kabul. Nó giống với chiếc xe mà Zamurai Ahmadi từng lái.
Shoaib Haider, một thẩm phán cũng là anh họ thứ hai của Ahmadi, muốn vụ không kích được điều tra như một tội ác chiến tranh tiềm tàng của người Mỹ. "Chúng tôi hy vọng Liên Hợp Quốc và những người ủng hộ nhân quyền sẽ tiến hành đánh giá những vụ việc như vậy để ngăn chúng xảy ra trong tương lai", Haider nói.
Hơn 2 tuần sau vụ tấn công, gia đình Ahmadi vẫn đang vật lộn để vượt qua nỗi đau khủng khiếp và tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nước Mỹ, nơi gia đình họ nộp nhiều đơn xin thị thực, đã gây ra cái chết của 10 người thân họ. Taliban, lực lượng vừa tiếp quản Afghanistan, có thể sẽ trừng phạt họ vì "mối quan hệ" của họ với ISIS-K, một mối quan hệ mà các bên đều đang phủ nhận trừ phía Mỹ.