Trong bối cảnh TP.HCM đang hướng tới nới lỏng giãn cách sau thời gian áp dụng nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu loạt bài về lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội ở một số đô thị có nhiều đặc trưng khá tương đồng với TP.HCM.
Bài thứ tư, chúng tôi giới thiệu lộ trình, cách thức thực hiện của thủ đô New Delhi (Ấn Độ).
Vùng lãnh thổ thủ đô quốc gia Delhi, bao gồm thủ đô New Delhi, là địa phương ở miền bắc Ấn Độ với dân số khoảng 28,5 triệu người, theo một báo cáo năm 2018 của Liên Hợp Quốc.
Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, tính tới sáng 13-9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Delhi là 1.438.250. Trong đó, 1.412.790 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 25.083 người tử vong và 377 bệnh nhân còn đang điều trị. Trong 36 đơn vị hành chính cấp bang của Ấn Độ, Delhi có số ca nhiễm cao thứ 8 và số ca tử vong cao thứ 4.
Thủ hiến Arvind Kejriwal của Vùng lãnh thổ thủ đô quốc gia Delhi (Ấn Độ). Ảnh: ANI
Delhi đã triển khai gần 15,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, bao phủ vaccine tới gần 54,2% dân số, trong đó 22,44% người dân đã được chủng ngừa đầy đủ, theo công cụ thống kê của Microsoft Bing.
Năm 2020: Ấn Độ nới lỏng giãn cách dù dịch chưa lắng
Ngày 24-3-2020, Ấn Độ bắt đầu phong tỏa toàn quốc và sau đó ba lần gia hạn lệnh này. Tuy nhiên trước đó, chính quyền Delhi đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch tại địa phương này từ ngày 12-3-2020 và yêu cầu đóng cửa trường học, kêu gọi người dân tránh đi nước ngoài hoặc hoạt động đi lại không thiết yếu.
Ấn Độ quy định một quận sẽ bị coi là vùng đỏ nếu có số ca COVID-19 đang điều trị vượt quá 80% số ca nhiễm của toàn bang hoặc có tổng số ca nhiễm tăng gấp đôi trong chưa đầy 4 ngày. Các quận có số ca nhiễm thấp và không tăng đột biến, hoặc các vùng đỏ không ghi nhận ca nhiễm mới trong 14 ngày, sẽ được coi là vùng cam. Vùng xanh phải chưa có ca nhiễm hoặc là quận vùng cam không có ca nhiễm trong 1-2 tuần.
Tuy nhiên, thay vì đánh dấu nguy cơ toàn quận, Delhi chọn cách chia thành 733 vùng có phạm vi nhỏ hơn. Ngày 4-5-2020, Delhi có 130 vùng đỏ, 284 vùng cam và 319 vùng xanh. Thủ hiến Arvind Kejriwal công bố một số điều chỉnh về chính sách phòng dịch, đồng thời nhấn mạnh rằng đã đến lúc Delhi cần mở cửa trở lại và người dân phải sẵn sàng sống chung với COVID-19.
Từ tháng 6-2020, các quyết định nới lỏng phong tỏa được áp dụng trên cả Ấn Độ, bất chấp số ca nhiễm mới theo ngày vẫn chưa có dấu hiệu giảm và số tử vong vẫn trên đà tăng. Sau đó, số ca nhiễm mới mỗi ngày tiếp tục xu hướng tăng, đạt đỉnh vào giữa tháng 9-2020 rồi giảm dần. Riêng tại Delhi, đầu tháng 11 mới là đỉnh dịch của năm 2020. Vào thời điểm đó, chưa có vaccine ngừa COVID-19 nào được phát triển thành công.
Điều kiện Delhi nới lỏng phong tỏa trong làn sóng COVID-19 thứ 2
Sau gần 3 tháng giữ số ca nhiễm mới dưới mức 20.000, Ấn Độ đã hứng chịu làn sóng COVID-19 thứ hai từ cuối tháng 3. Đây là đợt dịch tồi tệ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nước này từ chối tái áp lệnh phong tỏa toàn quốc, thay vào đó các địa phương áp một số lệnh phong tỏa hoặc giới nghiêm ở các mức độ khác nhau.
Nhờ khống chế tốt dịch COVID-19, Delhi (Ấn Độ) đã cho phép các chợ hoạt động trở lại từ đầu tháng 6. Ảnh: INDIA.COM
Ngày 19-4, Thủ hiến Kejriwal công khai lo ngại hệ thống y tế sẽ sụp đổ khi Delhi đã ghi nhận khoảng 25.000 ca nhiễm mỗi ngày. Do đó, chính quyền ông Kejriwal đã áp lệnh phong tỏa toàn vùng lãnh thổ này.
Ngày 23-5, ông Kejriwal nhấn mạnh rằng quá trình dỡ dần phong tỏa sẽ được thực hiện “theo từng giai đoạn” sẽ được bắt đầu từ đầu tháng 6 nếu số ca nhiễm mới tiếp tục giảm. Lúc này, số ca nhiễm mới tại Delhi đã giảm xuống dưới 1.600.
Trong những tuần sau đó, số ca nhiễm mới tiếp tục giảm và được khống chế ở mức thấp. Một số ngày Delhi không có ca nhiễm mới và rất ít trường hợp số nhiễm mới tăng đột biến.
Đây là các cơ sở để Delhi từng bước nới lỏng phong tỏa - thường được nhắc tới với tên gọi “unlock” (tạm dịch là “mở phong tỏa”). Các đợt “unlock” thường cách nhau một tuần. Thủ hiến Kejriwal luôn lưu ý rằng nếu số ca nhiễm tăng trở lại, Delhi sẽ tái áp đặt một số lệnh hạn chế.
Trong thời gian nới lỏng phong tỏa, Delhi cũng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Ngày 11-6, địa phương này đã bao phủ vaccine tới 30% người trưởng thành.
Các đợt “unlock” đúng hướng của Delhi sau làn sóng COVID-19 thứ 2
Theo quy định “unlock 1.0” được công bố hôm 31-5, hai nhóm ngành đầu tiên được mở cửa trở lại là xây dựng và công nghiệp sản xuất với điều kiện người lao động cần xin giấy đi đường điện tử (e-pass) trước khi đến nơi làm việc.
Trong đợt “unlock 2.0”, Delhi cho phép chợ và trung tâm thương mại hoạt động trở lại, nhưng một số cơ sở chỉ hoạt động trong ngày chẵn, số còn lại chỉ mở cửa trong ngày lẻ. Văn phòng tư nhân được phép cho tối đa 50% nhân viên tới làm việc, trong khi 100% nhân viên quản lý và hành chính cấp cao cùng 50% nhân viên hành chính cấp trung được phép trở lại làm việc tại các cơ quan chính quyền. Hệ thống metro cũng được hoạt động với 50% công suất.
Ngày 14-6 đợt "unlock 3.0" được áp dụng, các chợ, trung tâm thương mại hay các cửa hàng nhỏ được hoạt động từ 10 giờ sáng tới 8 giờ tối không phân biệt ngày chẵn-ngày lẻ, riêng cửa hàng sản phẩm thiết yếu được hoạt động cả ngày. Nhà hàng được phục vụ tối đa 50% công suất bàn ăn.
Nhờ khống chế tốt dịch COVID-19, Delhi (Ấn Độ) đã cho phép các nhà hoạt hoạt động trở lại với 50% công suất từ giữa tháng 6. Ảnh: PTI
Đến đợt “unlock 4.0”, các quán bar được phép hoạt động từ 12 giờ trưa tới 10 giờ tối với tối đa 50% công suất. Đồng thời, việc tới công viên, CLB golf và hoạt động yoga ngoài trời cũng không còn bị cấm.
“Unlock 5.0” cho phép phòng gym và cơ sở yoga trong nhà được hoạt động với 50% công suất. Lễ, tiệc sẽ được phép tổ chức với không quá 50 khách. Sau đó một tuần, các sân vận động và khu phức hợp thể thao được phép tổ chức các trận đấu mà không có khán giả, trong khi các ngành thiết yếu được hoạt động ở mức tối đa.
Lần lượt các đợt “unlock” sau, Delhi đã bỏ giới hạn về thời gian hoạt động của các cửa hàng hay công suất vận hành của các tuyến metro. Nhà hát, rạp chiếu phim cũng được đón tới 50% số khách tối đa. Từ đầu tháng 9, học sinh lớp 9 và lớp 12 là các nhóm đầu tiên được trở lại học tại trường. Các trường cao đẳng, đại học và trung tâm huấn luyện sẽ được mở lại theo lộ trình. Trong khi đó, các hoạt động tôn giáo tụ tập đông người vẫn bị cấm.
Các nỗ lực giãn nợ, hỗ trợ tài chính và miễn phí vaccine cho người dân
Đối với cá nhân và doanh nghiệp đi vay, ngân hàng trung ương Ấn Độ năm 2020 đã cho phép tái cơ cấu một lần cho các khoản vay nhỏ và gia hạn thời gian trả nợ thêm hai năm. Hồi đầu tháng 5, Ấn Độ cho phép một đợt tái cơ cấu tương tự cho các đối tượng chưa được hỗ trợ trong năm 2020.
Delhi hôm 25-5 đã hỗ trợ 5.000 rupee (gần 1,55 triệu đồng) cho 151.000 tài xế xe khách hoặc taxi mất việc do COVID-19.
Cuối tháng 7, giới chức Delhi công bố chương trình hỗ trợ 50.000 rupee (gần 15,5 triệu đồng) cho các gia đình có người chết vì COVID-19. Nếu người qua đời là trụ cột tài chính duy nhất trong nhà, gia đình đó sẽ được hỗ trợ thêm 2.500 rupee (gần 775.000 đồng) mỗi tháng. Trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ do COVID-19 sẽ được hưởng giáo dục miễn phí và trợ cấp 2.500 rupee mỗi tháng cho tới khi đủ 25 tuổi.
Đến đầu tháng 9, hơn 6.000 gia đình tại Delhi đã đăng ký các nhận các gói hỗ trợ này nhưng chỉ 44% đã được phê duyệt và chỉ 660 trường hợp đã được nhận hỗ trợ trước ngày 1-9.
Trước đó, chính quyền Delhi hồi đầu tháng 3 đã phân bổ ngân sách 500 triệu rupee (154,5 tỉ đồng) để các bệnh viện công tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho người dân.