Con gái của chị Nguyễn Thị Phượng, hiện đang học lớp 1 Trường tiểu học Hồ Văn Cường (quận Tân Phú, TP.HCM), học online ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) - Ảnh: C.PHƯỢNG
Nhiều phụ huynh sốt ruột muốn được đón con về TP nhưng theo nguồn tin của phóng viên Tuổi Trẻ, TP.HCM hiện chưa có kế hoạch, phương án đón học sinh trở lại TP học tập lúc này do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Không có người kèm cặp
Chị Phạm Thị Loan có hai con học lớp 6 và lớp 4 tại quận Tân Bình, TP.HCM. Từ tháng 5 con chị đã về Quảng Ngãi, đến giờ đang học trực tuyến tại quê. Con ở với bà ngoại, không có người kèm cặp học trực tuyến.
"Tôi trang bị đủ máy tính riêng cho hai con, sách giáo khoa, WiFi đăng ký gói tốc độ cao. Thế mà cách đây vài hôm, bão Conson vào ngay huyện Bình Sơn quê tôi làm đứt đường dây cáp mạng.
Muốn qua hàng xóm xin ké mạng cũng không được vì giãn cách, nhà cách nhà phòng chống dịch. Hai ngày mới nối dây mạng được.
Đang học thì mất điện vì điện lực khắc phục đường dây sau mưa bão. Bà ngoại thì lớn tuổi, chỉ biết lấy ghế ngồi canh cháu học, nhắc nhở cẩn thận điện chứ cũng không biết hỗ trợ thế nào" - chị Loan giãi bày.
Tương tự, anh Nguyễn Thi (quận 3) đưa ba con lớp 9, lớp 6, lớp 2 về quê ở Hà Tĩnh nghỉ hè và "trốn" dịch. Đến nay anh như cái "remote" điều khiển từ xa cho việc học của con. Anh nói: "Tôi làm ở lĩnh vực báo chí truyền thông.
Mùa dịch, tôi cũng chạy suốt ngoài đường. Cứ một tiếng học trực tuyến con lại gọi vào, cái này sao hả ba. Ba ơi, cái kia con phải làm sao. Vừa làm vừa canh tin nhắn, điện thoại của con.
Nhỡ con cần mà mình không nghe điện thoại thì coi như tiết học hôm đó con không biết gì. Tôi chỉ mong TP tạo điều kiện cho phụ huynh về đón con vào, để gần cha gần mẹ, hỗ trợ việc học cho con tốt hơn".
Phụ huynh cần bình tĩnh
Thầy Nguyễn Xuân Đắc - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) - cho rằng cái khó nhất lúc này là tại TP.HCM dịch còn phức tạp. "TP cũng đã tạo điều kiện cho học sinh học tạm nơi cư trú.
Còn học online tôi vẫn biết khó khăn và lấn cấn. Ngay cả ở TP cũng vậy. Phụ huynh phản ảnh mạng, đường truyền lúc ổn lúc không, thậm chí tôi còn nghe xếp hàng trên Internet để duyệt vào lớp cho khỏi nghẽn mạng.
Do đó, học sinh ở ngoài quê với ông bà, người thân không hỗ trợ được là điều dễ hiểu. Phụ huynh lo, sốt ruột là đúng nhưng cần bình tĩnh" - thầy Đắc cho biết.
Tương tự, cô Hứa Thị Diễm Trâm - hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) - thừa nhận học online ở quê, xa cha mẹ, khó khăn hơn ở lại TP học online và gần gia đình.
"Tâm lý phụ huynh có con bị kẹt ở quê, dù đã học tạm ở địa phương họ vẫn lo. Bởi cùng một chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng mỗi địa phương cũng khác nhau. Chẳng hạn như môn tiếng Anh ở TP.HCM khác nhiều với các tỉnh thành.
Do đó các nơi có công văn và chỉ đạo hỗ trợ cho học tạm nhưng phụ huynh vẫn muốn con theo học online ở các trường tại TP.HCM. Ngoài ra học online ở quê các em bị khó khăn thì các trường cũng rất khó hỗ trợ trong điều phối chuyển bài tận nhà. Nếu ở TP việc này dễ hơn" - cô Trâm nói.
Rất khó đón học sinh về thời điểm này
Trường hợp theo nguyện vọng của các phụ huynh đón học sinh về TP.HCM như một số tỉnh "giải cứu" học sinh về địa phương học liệu có nên không? Cô Diễm Trâm cho rằng rất khó bởi dịch COVID-19 vẫn căng thẳng.
"Nếu đón học sinh về, rồi test và cách ly như các tỉnh là không được. Dịch ở TP.HCM vẫn căng thẳng nên đưa học trò về rất nguy hiểm. Lứa tuổi này lại chưa được tiêm ngừa. Con ở xa biết là khó khăn nhưng phụ huynh phải chấp nhận trong hoàn cảnh này" - cô Trâm nói.
Hà Nội: các trường chủ động hướng dẫn học sinh quay về trường cũ
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh Hà Nội bị mắc kẹt ở địa phương khác sẽ được lãnh đạo các phòng GD-ĐT (đối với học sinh tiểu học, THCS) và trường THPT giải quyết cho trở lại trường cũ khi các em có thể trở lại Hà Nội sau thời gian giãn cách phòng chống dịch COVID-19.
Ông Phạm Ngọc Anh - trưởng Phòng GD-ĐT Cầu Giấy - cho biết hiện quận có vài chục học sinh của địa phương khác mắc kẹt lại Hà Nội đang được tiếp nhận học tập trong các trường học trên địa bàn quận.
Đồng thời, quận cũng đang tiếp nhận vài chục trường hợp là học sinh của Hà Nội bị mắc kẹt ở nơi khác, rải rác quay về trường cũ. "Học sinh của Hà Nội bị mắc kẹt nơi khác nhưng tên các em vẫn còn trong danh sách của trường.
Một số em có đơn xin học nhờ tại các địa phương, nhưng có những em vẫn đăng ký học trực tuyến với trường tại Hà Nội mặc dù đang ở quê" - ông Anh cho biết.
Sau 21-9, nếu Hà Nội nới lỏng việc giãn cách xã hội, học sinh các cấp có thể lần lượt trở lại trường thì học sinh Hà Nội bị mắc kẹt nơi khác sẽ quay về nhiều hơn so với thời điểm hiện tại. Hiện đã có nhiều phụ huynh, học sinh liên hệ với trường cũ để yên tâm về việc trở lại.
"Trường tôi có ba học sinh mắc kẹt ở quê, trong đó có cả ở lớp 10, 11, 12. Các em đã có đơn gửi cho trường và xin học nhờ trường ở quê. Trường đã hướng dẫn cho các em khi trở lại trường mang theo xác nhận của trường học nhờ kèm theo kết quả học tập trong các tuần đã học.
Trường sẽ bố trí cho các em tiếp tục học và giao giáo viên chủ nhiệm trao đổi, hỗ trợ nếu học sinh gặp khó khăn do điều kiện khác nhau giữa các trường" - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, tính tới ngày 15-9, có gần 800 học sinh bậc THPT và hàng trăm học sinh tiểu học, THCS ở địa phương khác mắc kẹt tại Hà Nội đã được bố trí học tại các trường ở Hà Nội.
Sở GD-ĐT chưa có số liệu thống kê học sinh của Hà Nội mắc kẹt tại các địa phương. Tuy nhiên, theo một số hiệu trưởng, trưởng phòng GD-ĐT cho biết có trường có vài học sinh, có trường trên dưới chục học sinh trong diện này.
Vĩnh Hà
TTO - Trước thềm năm học mới, có hơn 2.000 học sinh Đà Nẵng đang ở các tỉnh, thành khác. Vậy việc học của học sinh sẽ như thế nào?
Xem thêm: mth.93874748061901202-euq-o-tek-hnis-coh-000001/nv.ertiout