vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành ngân hàng đang giải "bài toán" chưa có tiền lệ

2021-09-16 12:54

Thông tư số 14 mới ban hành của NHNN được đánh giá là mở rộng độ bao phủ và kéo dài các mốc thời gian hỗ trợ, sẽ giúp cho người dân, DN đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Cơ chế mới trợ lực mạnh hơn cho người dân, DN

Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến ngày 2/4/2021, NHNN lại ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư số 01.

Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư 03, NHNN đã tiếp tục ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 (sửa đổi Thông tư 01 lần thứ 2).

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về Thông tư 14, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay so với quy định cũ, Thông tư 14 có một số điểm mới đáng lưu ý. Đó là phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 như quy định của Thông tư 03. Thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng (đến ngày 30/6/2022) thay vì đến ngày 31/12/2021 như trước đây.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ là hợp lý, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 lần này diễn biến tương đối phức tạp. Điều này giúp các DN và chính các ngân hàng giảm áp lực về vấn đề trả nợ, tạm thời không bị chuyển nhóm nợ xấu hơn. Tận dụng cơ hội cơ cấu nợ, các DN có thêm nguồn lực và thời gian để tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thông tư 14 cũng có những hướng dẫn cụ thể hoá, chi tiết hơn so với các hướng dẫn trước đây với các quy định khá rõ ràng về việc miễn giảm lãi, phí cho thấy sự quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn của NHNN với hoạt động này.

Ngành ngân hàng đang giải bài toán chưa có tiền lệ - Ảnh 1.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, các hướng dẫn về cơ cấu nợ hay miễn giảm lãi, phí trong Thông tư của NHNN có tính chất hướng dẫn khung, còn triển khai cụ thể thì các TCTD là phải căn cứ vào tình hình thực tế DN. Bởi dịch COVID-19 gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhưng không có nghĩa là mọi DN bị ảnh hưởng. Vẫn có những DN duy trì kết quả tốt, thậm chí tận dụng cơ hội làm ăn có lãi nhiều hơn, không thể hỗ trợ cào bằng.

Thông tư 14 với các quy định điều chỉnh, bổ sung có nhiều điểm mới, khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ người dân, DN gặp khó mạnh mẽ hơn các Thông tư 01, Thông tư 03 trước đây. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là đưa các cơ chế chính sách hỗ trợ đó sớm đi vào cuộc sống. Cần rút ngắn khoảng cách sự hỗ trợ từ chính sách và thực tiễn, đơn giản tối đa các thủ tục, tăng tính dễ tiếp cận, giúp người dân, DN.

Sẵn sàng điều chỉnh chính sách kịp thời

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01 được ban hành tại thời điểm mà dịch COVID-19 đã gần như được kiểm soát hoàn toàn, thì sau đó, tại thời điểm dịch diễn biến phức tạp hơn, đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp. Còn Thông tư 14 vừa ra đời, đã tính đến bối cảnh hiện tại nhằm tháo gỡ được một số vướng mắc.

Thông tư 14 giúp các ngân hàng thương mại có thể triển khai một cách thuận lợi hơn các giải pháp cơ cấu nợ, hỗ trợ kịp thời cho các khách hàng đang gặp khó khăn về dòng tiền do ảnh hưởng của dịch.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng "liều thuốc" được đưa ra vẫn còn chưa đủ mạnh nếu so với nhu cầu hỗ trợ của DN hiện nay.

Ngành ngân hàng đang giải bài toán chưa có tiền lệ - Ảnh 2.

Cụ thể, tại Thông tư 14, NHNN cho phép cơ cấu các khoản vay phát sinh trước 1/8/2021, nhưng thực tế tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài. Hơn nữa, tác động có độ trễ, khiến nền kinh tế nói chung cũng như nhiều DN còn gặp khó khăn về sau. Theo tính toán sơ bộ, ngay cả khi sắp tới các hoạt động trở lại bình thường thì phải mất khá nhiều thời gian nữa để các DN khôi phục dần...

Do đó, ông Hùng e ngại rằng với mốc giới hạn thời gian được cơ cấu nợ trong Thông tư 14 kéo dài tối đa đến cuối tháng 6/2022 thì nhiều DN có thể vẫn chưa phục hồi được. Chưa kể, cơ cấu nợ thì vẫn phải trả nên có thể xảy ra trường hợp đến hạn chót cơ cấu, DN vẫn bị khó khăn với các khoản nợ mới và cũ dồn lại. Nếu như thời điểm đó, DN không trả được có thể dẫn đến gia tăng nợ xấu ngân hàng.

Có cùng quan điểm, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định trước tiên, vẫn cần ghi nhận hiệu quả tích cực mà Thông tư 14 mang lại trong việc hỗ trợ khó khăn trước mắt, giúp DN có dòng tiền tạm nhàn rỗi chưa phải trả nợ để phục hồi. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, các quy định về không chuyển nhóm nợ xấu có thể tốt cho trước mắt nhưng về lâu dài có thể gây "hiểu lầm".

Các chuyên gia cho rằng cơ quan điều hành của NHNN hiện đang phải giải bài toán với nhiều biến số như: Cơ cấu nợ thế nào, hạ lãi suất bao nhiêu là hợp lý, đặc biệt, khác với chính sách tài khoá như miễn giảm thuế, phí (có ngân sách Nhà nước hỗ trợ)… thì các nguồn hỗ trợ của ngân hàng như cơ cấu nợ, giảm lãi vay, miễn giảm lãi, phí… không có nguồn nào khác ngoài cắt giảm lợi nhuận của chính các TCTD.

Các chuyên gia lưu ý, Thông tư 14 của NHNN là khung chính sách hướng dẫn, còn khi triển khai thực tế, bản thân các ngân hàng thương mại (thực chất hoạt động như DN) vẫn phải tự chủ, tự chịu mọi trách nhiệm với quyết định của mình. Thực tế, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "giải bài toán không có tiền lệ" để thực hiện mục tiêu kép của chính mình. Đó là, giúp cho các DN, trợ lực nền kinh tế, nhưng không được để nợ xấu tăng cao trong tương lai và bảo đảm an toàn hệ thống.

Nhìn chung, các DN đang rất khó khăn và luôn kỳ vọng rất nhiều, nhưng để đáp ứng thì cần giải pháp đồng bộ với nhiều chính sách khác nhau bao gồm các chính sách tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội như Chính phủ và các bộ ngành đang triển khai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.75150630161901202-el-neit-oc-auhc-naot-iab-iaig-gnad-gnah-nagn-hnagn/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành ngân hàng đang giải "bài toán" chưa có tiền lệ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools