Các bác sĩ bệnh viện dã chiến TP.HCM đang thăm khám và điều trị cho F0 - Ảnh: THU HIẾN
Ngày 16-9, Sở Y tế cho biết, vừa có văn bản gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho người mắc COVID-19.
Theo Sở Y tế, thời gian qua, sở nhận được một số phản ánh của các đơn vị khi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho người F0 khi có các bệnh lý khác kèm theo gặp nhiều khó khăn.
Thực tế hiện nay, việc xác định các chi phí điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước và các chi phí khám, chữa bệnh khác do quỹ BHYT chi trả không thể phân định rõ ràng, đặc biệt là trong giai đoạn người F0 chuyển nặng.
Ví dụ như các xét nghiệm cận lâm sàng, chi phí nuôi ăn, chi phí điều trị viêm gan, điều trị dinh dưỡng cho F0 như chất đạm, chất béo (Albumin, lipid, aminoplasma)... chi phí điều trị sau khi đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính, nhưng thể trạng còn yếu nên tiếp tục điều trị và chưa xuất viện được.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc còn cao dẫn đến có nhiều người F0 mắc các bệnh lý nền, bệnh khác kèm theo cần được điều trị.
TP hiện đang áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng theo quy định của Bộ Y tế, lực lượng nhân viên y tế là nòng cốt, vừa tập trung cho việc điều trị, chăm sóc người F0, truy vết, tiêm vắc xin, xét nghiệm diện rộng... Cơ sở hạ tầng cho việc kết nối, liên thông dữ liệu là khá khó khăn, đặc biệt là tại các trạm y tế lưu động.
Với khối lượng công việc như trên, việc tách các chi phí điều trị bệnh nền, bệnh khác của người F0 có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán gặp vướng mắc và tốn rất nhiều thời gian. Hiện tại, một số loại thuốc tại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành nhưng chưa được liệt kê.
Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam quan tâm, xem xét, sớm có văn bản hướng dẫn để có cơ sở triển khai đến các đơn vị trên địa bàn thực hiện.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online phản ánh vụ việc chị N.T.N. (ngụ quận 12, TP.HCM), ngày 3-8, mẹ ruột của chị là bà T.T.T. (57 tuổi) mắc COVID-19 đến Bệnh viện Đa khoa Bình Tân điều trị. Bệnh viện yêu cầu bệnh nhân đóng tiền 111 dịch vụ trên 36 triệu đồng. Đến ngày 16-8, bệnh viện thông báo bà T. tử vong.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM - khẳng định không phải người mắc COVID-19 nào cũng được Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí. Cụ thể với trường hợp người mắc COVID-19 nhưng có bệnh lý nền vẫn phải chi trả chi phí, nếu dịch vụ đó không nằm trong danh mục được BHYT chi trả.
Đại diện Bệnh viện quận Bình Tân cho biết, nếu phần nào thuộc ngân sách nhà nước chi trả, bệnh viện sẽ tạm thời không thu phần đó của người bệnh và sẽ tính toán sau. Còn những phần nào mà bệnh viện đã thu của người bệnh, sẽ gửi lại cho người nhà hoặc bệnh nhân…
TTO - Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mô hình khám chữa bệnh từ xa. Dự đoán, sau dịch COVID-19, mô hình tư vấn, khám chữa bệnh từ xa vẫn tiếp tục được sử dụng nhiều.