Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã tiêm chủng thành công cho hơn 1 tỷ người, tương đương hơn 70% tổng dân số toàn quốc, qua đó vượt qua cả Châu Âu lẫn Mỹ về tốc độ phủ sóng vaccine. Dẫu vậy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này vẫn chưa có kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giãn cách thuộc hàng nghiêm ngặt nhất toàn cầu.
Báo cáo của Hội đồng sức khỏe quốc gia Trung Quốc (NHC) cho thấy tính đến ngày 15/9/2021, nước này đã tiêm tổng cộng 2,16 tỷ liều vaccine cho hơn 1,01 tỷ người.
Nguồn ảnh: Chinadaily
Thành quả này đạt được chỉ 10 tháng sau khi Trung Quốc thông qua vaccine của Sinopharm cũng như khởi động chương trình tiêm chủng diện rộng chưa từng có trong lịch sử.
Dẫu vậy, bất chấp việc đã phủ sóng vaccine trên diện rộng nhưng Trung Quốc vẫn có ca nhiễm mới tại Fujian sau gần 1 tháng nới lỏng giãn cách. Hệ quả là nền kinh tế thứ 2 thế giới lại buộc phải thắt chặt các lệnh cách ly một lần nữa để truy vết dập dịch.
Vượt cả Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu
Trung Quốc là nơi đầu tiên phát hiện ca nhiễm Sars nCov-2 và hiện cũng đang là nền kinh tế lớn hiếm hoi đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng. Mỹ và Nhật Bản hiện mới chỉ tiêm chủng cho hơn 50% dân số trong khi tỷ lệ này là 60% ở Anh và Đức.
Tại Ấn Độ, công xưởng sản xuất vaccine cho chương trình Covax, chuyên cung cấp vaccine cho những nước nghèo với giá ưu đãi cũng mới chỉ tiêm chủng chưa đến 15% tổng dân số.
Hãng tin Bloomberg nhận định Trung Quốc thậm chí khá thành công trong việc tiêm chủng ở những thành phố đông dân, vốn thường là tụ điểm dễ lây lan. Hơn 97% người trưởng thành tại thủ đô Bắc Kinh đã được tiêm chủng. Tại Tianjin, hơn 80% số người trên 12 tuổi đã được tiêm vaccine.
Ở những trung tâm kinh tế như Shanghai hay tỉnh Zhejiang, tỷ lệ này cũng là 80%. Trái lại tỷ lệ tiêm chủng tại một số vùng sâu, vùng xa tại miền Tây Trung Quốc lại thấp hơn.
Tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc vượt nhiều nền kinh tế phát triển khác. Nguồn ảnh: Bloomberg
Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đang chiếm đến hơn 1/3 tổng số 5,18 tỷ mũi vaccine đã được tiêm chủng trên toàn cầu. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã xuất khẩu 800 triệu liều vaccine ra toàn cầu.
Không chịu sống chung với dịch
Mặc dù những biến chủng của đại dịch Covid-19 như Delta khiến mục tiêu miễn dịch cộng đồng trở nên khó khăn hơn nhưng nhiều nước trên thế giới vẫn tăng cường tiêm chủng và mở cửa trở lại với kỳ vọng căn bệnh này sẽ không lây lan mạnh như các đợt trước.
Nói cách khác, nhiều quốc gia đã buộc phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế trước nguy cơ người dân "chết đói".
Trớ trêu thay, Trung Quốc lại không đi theo con đường này. Bộ y tế của nước này trong tháng 8/2021 đã thẳng thừng tuyên bố sẽ bám theo chiến lược chống dịch cách ly chặt chẽ như họ đã từng làm thời gian qua, bao gồm xét nghiệm trên diện rộng, giãn cách các vùng có dịch và kiểm soát chặt sự đi lại của người dân dù chúng có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC), nơi tư vấn chiến lược cho chính quyền Bắc Kinh về dịch Covid-19 đã nhiều lần nhấn mạnh việc tiêm chủng phải đi kèm với giãn cách để có thể ngăn chặn đại dịch tái bùng phát một cách hiệu quả.
Thế nhưng sự bùng phát của lần dịch mới này cho thấy các biện pháp của Trung Quốc đang khó giải quyết dứt điểm biến chủng Delta. Hãng tin Bloomberg cho biết dịch bệnh đã dễ dàng bùng phát cũng như lây lan trở lại bất chấp các biện pháp siết chặt của Trung Quốc. Tại nhiều nơi, dịch bệnh lây lan nhiều ngày rồi mới bị phát hiện bởi hệ thống kiểm dịch của nước này.
May mắn thay, việc tiêm chủng diện rộng đã giúp Trung Quốc tránh được phải đối mặt với số người chết vì bệnh dịch. Trong đợt bùng dịch lần này, Trung Quốc chưa ghi nhận ca tử vong mới nào.
Nguồn ảnh: East Asia Forum
Mặc dù vậy, việc siết chặt giãn cách vẫn tác động mạnh đến nền kinh tế. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm 2,5% trong tháng 8/2021 trong khi hoạt động du lịch bị đình trệ mặc dù thông thường đây là thời điểm đông đúc nhất trong năm.
Sản lượng công nghiệp và dòng vốn đầu tư cũng chịu ảnh hưởng khi thấp hơn so với các dự báo trước đó.
Các quan chức Trung Quốc cho biết nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại tùy thuộc vào tốc độ tiêm chủng cũng như tình hình an toàn trong đại dịch. Tuy nhiên cụ thể là thời điểm nào thì vẫn chưa được xác định.
*Nguồn: Bloomberg
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.96302235161901202-nad-iougn-yt-1-noh-ohc-ud-yad-gnuhc-meit-ad-couq-gnurt/nv.zibefac