Ham làm giàu, nôn nóng lao theo đám đông đầu tư nhà đất ở các khu vực thị trường nóng sốt hồi đầu năm, tuy vậy, không như kỳ vọng vào sự sôi động của thị trường, nhiều khu vực thị trường sụt giảm mạnh về thanh khoản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khiến giá nhà đất cũng bốc hơi nhanh chóng.
Nhiều nhà đầu tư F0, tay ngang do thiếu hiểu biết về thị trường đã ngậm trái đắng vì sự vội vàng này, mua vào với giá trên trời, đến khi thị trường đi xuống, nhiều người buộc phải phải rao bán cắt lỗ do sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng, mất khả năng trả nợ.
Không những thế, trong lúc thị trường sụt giảm mấy tháng gần đây, nhiều nhà đầu tư có sẵn tài chính kỳ vọng mua được hàng giá rẻ đã chờ đợi thị trường giai đoạn khó khăn này để xuống tiền.
Anh Sơn, một nhà đầu tư ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, anh đã sôi sục săn hàng BĐS giá rẻ hai tháng nay, do có nhiều thời gian rảnh nên gần đây anh tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS. Anh Sơn chia sẻ, môi giới chào anh một mảnh đất ở quê giá rẻ hơn 10% so với giá các lô đất bên cạnh với lời giới thiệu "chủ nhà cần bán gấp để có tiền trả nợ nên bán giá thời Covid".
Nhiều lần về quê, anh Sơn đã đi qua khu đất này nên hình dung được vị trí. Sau khi xem hình ảnh, giấy tờ pháp lý gửi online, anh cẩn thận nhờ một người bạn làm địa chính kiểm tra thì được biết quy hoạch, pháp lý khu đất đều được đảm bảo. Do đó, dù dịch bệnh, không thể về quê xem để xem trực tiếp lô đất nhưng anh vẫn quyết định chuyển 50 triệu đồng để cọc và nhờ một người thân dưới quê đi kí cọc đất giúp. Anh hẹn môi giới khi nào hết giãn cách sẽ về quê làm thủ tục chuyển nhượng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Sơn thì dù mua được giá thấp những anh lại ngậm trái đắng khi lô đất mình mua là mảnh đất rẻ nhất trong các lô xung quanh là do vướng cột điện và hố ga. Môi giới bán đất đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, khách không thể đi xem trực tiếp nên đã gửi toàn bộ các hình ảnh cũ của khu đất khi hạ tầng chưa được hoàn thiện hoàn chỉnh, cột điện chưa được dựng và hố ga cũng không thể nhìn thấy qua các bức ảnh.
Không như trường hợp của anh Sơn, một nhà đầu tư khác tại Quận Cầu Giấy cũng nhanh tay xuống tiền mua một căn hộ để cho thuê khi dịch bệnh được kiểm soát với lời quảng cáo giá cắt lỗ. Môi giới quảng cáo giá bán căn hộ rẻ hơn thị trường 150 triệu đồng, cũng như gửi cho nhà đầu tư này tham khảo bảng giá những căn của toà nhà bên cạnh đang mở bán. Sau khi kiểm tra, nhà đầu tư này vội đặt cọc để mua căn hộ này nhanh chóng vì sợ mất hàng "giá Covid".
Tuy nhiên, sau khi đã xong xuôi hợp đồng, có thời gian tìm hiểu nhiều hơn, chị mới phát hiện ra hai tòa đang mở bán có giá cao hơn do chất lượng, tiện ích, dịch vụ bàn giao cao cấp hơn tòa mình mua. Căn hộ của chị chỉ rẻ hơn các căn tương đương ở tòa đó nhưng lại đắt hơn các căn tương đương tại chính tòa chị mua.
Chia sẻ về những câu chuyện bi hài trong đầu tư BĐS, một môi giới lâu năm cho biết, những câu chuyện tương tự cũng diễn ra với nhiều nhà đầu tư không chuyên xuống tiền các vùng đất sốt thời điểm đầu năm của vùng ven Hà Nội hay các vùng nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh.
Những nhà đầu tư này cũng nhầm tưởng mình mua được giá cắt lỗ mà không hay rằng giá trước đó do bị đẩy lên cao trong cơn sốt nên khi dịch bệnh bùng, thanh khoản khó, dù đã cắt lỗ giá vẫn ảo so với thực tế. Nếu không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, hãy cẩn trọng giao dịch hàng cắt lỗ trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi giãn cách khiến việc đi thực tế, khảo sát thị trường của nhà đầu tư bị hạn chế nên các nguồn thông tin tiếp cận sẽ không toàn diện. Cùng với việc không có kiến thức từ trước, chỉ nghe các lời quảng cáo "giá thời Covid, giá cắt lỗ", khiến nhiều nhà đầu tư đưa ra các quyết định mua vào không chuẩn xác.
Bình An
Nhịp sống kinh tế