Mi Feng - người phát ngôn của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, tổng cộng 2,16 tỷ liều vắc-xin đã được tiêm trên toàn quốc tính đến ngày 15/9. Theo đó, hơn 1,01 tỷ người đã được tiêm đủ 2 mũi.
Trung Quốc đạt được cột mốc quan trọng này sau gần 10 tháng phê duyệt có điều kiện đối với vắc-xin công nghệ bất hoạt là Sinopharm và khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. 6 loại vắc-xin khác được phát triển bởi các hãng dược và viện hàn lâm trong nước kể từ đó cũng được phê duyệt và triển khai tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên.
Song, sự thành công của chiến lược tiêm chủng này vẫn không thể ngăn chặn hoàn toàn sự bùng phát của dịch bệnh trong những tháng gần đây. Theo đó, nhiều người đặt ra câu hỏi về mức độ hiệu quả của các loại vắc-xin, đặc biệt là đối với những biến thể mới nhất. Quốc gia này đang chứng kiến một ổ dịch mới xuất hiện ở tỉnh Phúc Kiến, sau khi đã "dập dắt" đợt lây lan của biến chủng Delta trước đó.
Tốc độ tiêm chủng thần tốc đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, chỉ hơn 1 nửa dân số ở Mỹ và Nhật Bản được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ ở Anh và Đức là hơn 60%. Theo Vaccine Tracker của Bloomberg, Ấn Độ ghi nhận tốc độ chậm hơn với 15% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc cao hơn so với các quốc gia phát triển.
Tại Trung Quốc, chiến dịch tiêm vắc-xin được thực hiện đặc biệt nhanh chóng ở các thành phố phát triển phía đông đất nước. Tại Bắc Kinh, hơn 97% người trưởng thành đã được tiêm đầy đủ, thành phố Thiên Tân là 80%. Tỷ lệ tiêm 2 mũi đã đạt gần 80% ở Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang. Ngược lại, các tỉnh ở vùng sâu vùng xa có mức độ bao phủ vắc-xin thấp hơn.
Trên toàn thế giới, Trung Quốc chiếm hơn 1/3 trong tổng số 5,18 tỷ liều tiêm đã được thực hiện. Ngoài ra, quốc gia này cũng xuất khẩu 800 triệu liều ra thế giới. Họ cam kết sẽ hỗ trợ cả mũi tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, bao gồm những người trên 60 tuổi.
Hiện tại, sự lây lan của biến thể Delta là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia cảnh báo rằng miễn dịch cộng đồng là điều gần như bất khả thi. Song, các quốc gia lân cận vẫn nỗ lực mở cửa trở lại và nới lỏng lệnh hạn chế đối với những người đã tiêm vắc-xin.
Ngược lại, Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng họ sẽ không đi theo hướng này. Hồi tháng 8, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát hiện sớm các ca nhiễm, xét nghiệm diện rộng và thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để loại bỏ virus. Ông nhận định, cách làm này sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Các nhà dịch tễ học của CDC Trung Quốc cũng nhiều lần nhắc lại rằng việc tiêm chủng phải được kết hợp với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, sự kết hợp đó dường như lại không thể ngăn cản biến thể Delta lây lan. Những đợt bùng phát này nằm ngoài tầm kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc, dễ dàng "xâm nhập" vào cộng động hơn với khả năng "lẩn trốn", khiến các nhân viên y tế mất vài ngày mới có thể phát hiện. Nhưng cho đến nay, nhờ chiến dịch tiêm chủng nhanh và quy mô lớn, hầu hết các ca nhiễm đều không có triệu chứng nặng.
Triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn thay vì phụ thuộc vào vắc-xin để ngăn chặn virus hiện đã gây áp lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những bước đi này đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng, khi doanh số bán lẻ giảm xuống 2,5% trong tháng 8 và gây cản trở cho hoạt động di chuyển trong mùa nghỉ lễ nhộn nhịp của năm. Ngoài ra, sản lượng công nghiệp và đầu tư cũng tăng chậm hơn so với ước tính của các nhà kinh tế.
Tham khảo Bloomberg