Ông Wang Wentao, người đứng đầu Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết nước này đã chính thức gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor để đề nghị gia nhập CPTPP. Hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về quá trình này trong thời gian sắp tới.
New Zealand chịu trách nhiệm xử lý các nhiệm vụ hành chính khác nhau cho CPTPP, trong đó có tiếp nhận đơn yêu cầu gia nhập.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện có 11 thành viên, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ban đầu, nó có tên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và do Mỹ khởi xướng. Tuy nhiên, sự rút lui của Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khiến các nước khác tạm treo các điều khoản liên quan tới Mỹ và thông qua nó với tên mới CPTPP.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất muốn gia nhập CPTPP. Ngày 1/2/2021, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã chính thức đề nghị với những người đồng cấp Nhật Bản và New Zealand về việc gia nhập CPTPP. Động thái này có nghĩa là Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức đăng ký tham gia CPTPP.
Về phần Trung Quốc, việc gia nhập CPTPP cũng đã được các nhà lãnh đạo cao nhất của nước này nhiều lần đề cập tới. Hồi tháng 5/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) rằng, Trung Quốc có "thái độ tích cực và cởi mở" đối với việc tham gia CPTPP.
Sau đó, tại hội nghị trực tuyến APEC lần thứ 27 vào tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định, sẽ "tích cực xem xét" việc tham gia CPTPP và hiện Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán không chính thức với các bên tham gia CPTPP.
Ngoài Trung Quốc và Anh, vào tháng 1/2021, Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tuyên bố sẽ nỗ lực gia nhập CPTPP. Tại nhiều thời điểm khác nhau, Thái Lan, Philippines và Indonesia đều bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP.
Đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc được gửi đi chỉ 1 ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thành nhập một liên minh mới, tập trung vào quốc phòng trên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tên gọi AUKUS. Nhiều người cho rằng mục tiêu của liên minh này chống lại các ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định đã được ký kết ngày 8/3/2018 tại thành phố Santiago, Chile và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP.
Xem thêm: nhc.52343922261901202-pptpc-pahn-aig-nod-ed-cuht-hnihc-couq-gnurt-sretuer/nv.fefac