Trong nửa đầu tháng 9, truyền thông Hàn Quốc và Triều Tiên liên tiếp đưa tin về các hoạt động thử nghiệm tên lửa. Điều này làm dấy lên lo ngại về một đợt leo thang căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên.
Hai miền cùng thử tên lửa trong bối cảnh “bất thường”
Chiều 15-9, giới chức Hàn Quốc thông báo nước này thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và một số loại vũ khí mới khác, theo hãng thông tấn Yonhap. Yonhap hôm 7-9 dẫn các “nguồn tin quân đội” cho biết tàu ngầm Hàn Quốc phóng thành công SLBM.
Chưa đầy 3 giờ trước cuộc thử nghiệm SLBM hôm 15-9 của Seoul, Nhật và Hàn Quốc phát hiện Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Yonhap cho biết truyền thông Triều Tiên đã xác nhận vụ bắn thử tên lửa đạn đạo này qua tin đăng ngày 16-9 về một hoạt động thử nghiệm “tên lửa phóng từ tàu hỏa”. Đây là đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo thứ hai của Bình Nhưỡng kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Trước đó, Triều Tiên hôm 11 và 12-9 cũng thử nghiệm một loại tên lửa hành trình tầm xa mới mà Bình Nhưỡng nhấn mạnh là có vai trò “chiến lược”. Giới phân tích cho rằng cách giới thiệu của Triều Tiên mang hàm ý vũ khí này có năng lực hạt nhân.
Các động thái của cả Bình Nhưỡng và Seoul xảy ra dồn dập trong bối cảnh Triều Tiên kỷ niệm 73 năm ngày quốc khánh. Ngay lúc 0 giờ ngày 9-9, Triều Tiên tổ chức lễ diễu binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành, tuy nhiên năm nay hoạt động này được cho có tính “bất thường” khi không có mặt tên lửa hay vũ khí hạng nặng.
Đồng thời, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 15-9 xảy ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị tới Seoul. Tại Hàn Quốc, ông Vương sẽ gặp tổng thống nước chủ nhà - ông Moon Jae-in và nhiều quan chức cấp cao khác để bàn về cách khôi phục đàm phán với Bình Nhưỡng.
Khả năng quan hệ liên Triều tới đây sẽ có nhiều biến động hơn. Đáp trả việc Seoul gọi các vụ thử tên lửa hành trình của Bình Nhưỡng là “khiêu khích”, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - bà Kim Yo-jong cáo buộc đó là những lời “vu khống”, đồng thời cảnh báo điều này có thể đẩy quan hệ liên Triều “tới chỗ bị hủy hoại hoàn toàn”. Bên cạnh đó, việc Hàn Quốc sở hữu SLBM có thể thôi thúc Triều Tiên nhanh chóng tiến hành các vụ thử tên lửa mới để đáp trả, theo tờ Nikkei Asia.
Hình ảnh các vụ thử tên lửa hành trình tầm xa do Triều Tiên thực hiện hôm 11 và 12-9, do tờ Rodong Sinmun (Triều Tiên) công bố.
Không có khả năng Washington sẽ thay đổi chính sách đối với Triều Tiên theo cách đưa ra nhiều nhượng bộ hơn để ông Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán. Theo chuyên gia JUNG KIM, đặc biệt khi chính quyền ông Biden còn nhiều ưu tiên chính sách khác. |
Triều Tiên lại muốn gây sức ép lên Mỹ về đàm phán hạt nhân?
Hãng tin AP nhấn mạnh rằng việc Triều Tiên có hành động “khiêu khích” khi TQ - đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng đang có động thái ngoại giao quan trọng là bất thường. Chuyên gia Jung Kim thuộc ĐH Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) cho rằng Bình Nhưỡng đang “chăm chỉ nỗ lực” thu hút sự chú ý của các quốc gia khác, nhất là Mỹ và TQ, mà không “vượt qua ranh giới” đủ để các nước có hành động cứng rắn.
Đồng quan điểm này, PGS Jeffrey Robertson thuộc ĐH Yonsei (Hàn Quốc) cho rằng Bình Nhưỡng đang buộc Mỹ phải xem xét vấn đề Triều Tiên, vì đối với Washington, phớt lờ Triều Tiên “sẽ không bao giờ là một cách tiếp cận chính sách lý tưởng trong dài hạn”.
Trong khi đó, nhà phân tích Moon Seong-mook thuộc Viện Chiến lược quốc gia Hàn Quốc cho rằng có vẻ như Triều Tiên đang muốn gây sức ép để Mỹ phải nhượng bộ. Bình Nhưỡng muốn gửi đi thông điệp rằng “mọi thứ sẽ không diễn ra theo ý muốn của Washington” nếu các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên không được dỡ bỏ.
Chính quyền ông Biden đang theo đuổi các nỗ lực ngoại giao nhằm nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sau thông tin Triều Tiên thử tên lửa hành trình, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên - ông Sung Kim đã tới Tokyo (Nhật) để thảo luận với các đồng nghiệp Nhật và Hàn Quốc về vấn đề đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong ngày Triều Tiên và Hàn Quốc cùng thử tên lửa, cấp phó của ông Sung là bà Jung Pak đã tới Seoul. Dù vậy, cơ hội cho một chuyển biến lớn trong quan hệ Mỹ -Triều là rất thấp.
Các diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên xảy ra khi Mỹ vẫn còn đau đầu với vấn đề Afghanistan, đại dịch COVID-19 và mối quan hệ với các nước khác mà chưa thực sự để tâm đến vấn đề Triều Tiên, theo chuyên gia Jung Kim.
Chuyên gia cảnh báo chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên GS John Delury thuộc ĐH Yonsei (Hàn Quốc) lưu ý rằng việc cả hai miền Triều Tiên cùng thử tên lửa đạn đạo trong một ngày là “bất thường” và là biểu hiện của một “cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực” - theo hãng tin AFP. Các động thái của ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên luôn được chú ý vì có thể vi phạm các lệnh cấm của LHQ, cùng lúc, các thành tựu vũ khí mới của Hàn Quốc đang ngày càng được quan tâm. Năm 2020, Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ sáu thế giới. Theo Yonhap, vụ thử tên lửa thành công hôm 15-9 có thể giúp Hàn Quốc vượt qua Triều Tiên trong cuộc đua SLBM. Seoul lập luận rằng dù Bình Nhưỡng cũng tuyên bố phóng thử thành công SLBM nhưng thử nghiệm chỉ được thực hiện trên ụ nổi mô phỏng tàu ngầm, chưa phải trên tàu ngầm thực thụ. Cùng ngày 15-9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn công bố thông tin về việc thử nghiệm thành công tên lửa đất đối không tầm xa, cùng với một loại tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm mới tiên tiến hơn những loại vũ khí tương tự mà nước này đang sở hữu. |