Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: TTXVN
Liên tục các cuộc làm việc trực tiếp và trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - kiểm tra bất ngờ đến tận cơ sở, "truy bài" lãnh đạo địa phương đã lộ ra các điểm yếu, sự lúng túng, chưa nắm sát tình hình của cấp dưới, nhưng điều quan trọng là chấn chỉnh kịp thời và tạo ra sự chuyển biến của cả bộ máy thực thi.
Thủ tướng chỉ đạo trực tuyến với lãnh đạo Kiên Giang và Tiền Giang, kết nối với 26 huyện, TP, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn, nơi dịch bệnh phức tạp với nhiều "vùng xanh rờn" chuyển "đỏ quạch".
Tiếp đến là "cuộc gọi lúc nửa đêm" đốc thúc lãnh đạo tỉnh An Giang. Chỉ đạo chống dịch liên vùng được nêu ra khi Thủ tướng yêu cầu 8 tỉnh chuẩn bị nhân lực, phương tiện hỗ trợ Tiền Giang, Kiên Giang chống dịch.
Trước đó, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã kiểm tra đột xuất, làm việc trực tiếp và trực tuyến với lãnh đạo TP Hà Nội, kết nối trực tuyến tới gần 600 điểm cầu phòng chống dịch trên địa bàn thủ đô.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng cùng 10 tỉnh, TP phía Bắc chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch COVID-19.
Cũng ngay sau khi kiểm tra thực tế tại cơ sở ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, Thủ tướng đã chỉ đạo lập trung tâm chỉ huy, kiểm tra trực tuyến về công tác phòng chống dịch đến 2.594 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn thuộc 19 tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội.
Chống dịch như chống giặc không chỉ là yêu cầu, quyết tâm, mà thật sự là cuộc chiến không tiếng súng, một mặt trận toàn diện, một hệ thống liên hoàn đòi hỏi sức mạnh tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành chứ không thể phó thác cho một cấp chính quyền hay "quân chủ lực y tế".
Và người đứng đầu Chính phủ đã sử dụng công cụ trực tuyến và trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xuống tận cơ sở nhằm chấn chỉnh khâu thực hiện, thúc chuyển biến tình hình.
Nhưng cả nước có hơn 10.000 đơn vị cấp xã, hơn 700 đơn vị cấp huyện, yêu cầu chỉ đạo sát sao phải thuộc về người đứng đầu theo từng cấp. Sự lúng túng, chệch choạc của địa phương trước thực tiễn chống dịch chưa có tiền lệ cần chấn chỉnh, nhưng hiệu quả trong thực thi phải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ.
Mỗi cơ quan, đơn vị, cấp quản lý cần rà soát tổng thể, quy trách nhiệm rõ ràng từ người đứng đầu đến cán bộ phụ trách.
Muốn vậy, người điều hành phải thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế, chỉ đạo kịp thời, tổ chức lực lượng hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao và ứng dụng tốt công nghệ.
Để hỗ trợ đắc lực cho việc điều hành của chính quyền các cấp, "trợ lý" tốt nhất đó chính là công nghệ, phải tích hợp và chuẩn hóa dữ liệu, hoàn thiện bản đồ dịch tễ, kết nối liên thông...
Thông điệp từ việc Thủ tướng "online" không phải chỉ là việc người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo trực tuyến, trực tiếp xuống tận cơ sở mà chính là tạo ra một phong cách làm việc mới, chỉ huy sâu sát, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cần được truyền tải đến cả hệ thống, bộ máy thực thi trong phòng chống dịch. Rồi đây cũng phải có chủ tịch online, giám đốc sở online...
Được thế, không chỉ nâng chất hiệu quả chống dịch mà còn giúp bộ máy chính quyền phục vụ dân khi dịch đi qua được tốt hơn.
TTO - Khoảng 23h ngày 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện thoại kiểm tra ông Phan Văn Tường (bí thư, chủ tịch UBND thị trấn Long Bình) và ông Lê Thanh Phương (phó chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Xem thêm: mth.27733937071901202-enilno-gnout-uht/nv.ertiout