Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chất lượng chưa cao trong khi thị trường này được đánh giá là tiềm năng và quy mô thị trường còn nhỏ so với các nước cùng khu vực.
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế. Chính phủ đặt mục tiêu tăng quy mô trái phiếu doanh nghiệp lên bằng 47% GDP vào cuối 2020. Tuy nhiên mục tiêu này đã không đạt được.
Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chưa cao
“Vấn đề nổi cộm, tôi thấy chất lượng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, mức độ thông tin còn thiếu minh bạch, tài sản đảm bảo chưa được chú trọng. Điều này gây ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý và các nhà đầu tư”, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo chuyên gia, hạ tầng dịch vụ tài chính của Việt Nam hiện vẫn còn bất cập tại các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức định giá trái phiếu, tổ chức quản lý thông tin và dữ liệu thị trường.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển như vậy, nhưng vấn đề cần đặt ra là khung pháp lý đã theo kịp thời chưa? Năng lực quản lý giám sát của cơ quan quản lý đã theo kịp chưa?”, TS Cấn Văn Lực nói.
Vai trò kênh dẫn vốn của ngân hàng giảm dần, trái phiếu còn tiềm năng
“Tôi thấy có một vài quan điểm cho rằng ngân hàng đang phát hành quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Rồi có người đặt câu hỏi đây có phải là hiện tượng ngân hàng cố tình lách đầu tư vào trái phiếu để cho vay gián tiếp hay không? Thực tế, các tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 17% - 35 % cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam. Các công ty chứng khoán mới đang đứng đầu thị phần với 44,4% cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.
Vai trò kênh dẫn vốn cho nền kinh tế của ngân hàng đang giảm dần. Vai trò dẫn vốn cho các chứng khoán dần trở nên quan trọng. Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán, đây cũng là mong muốn, định hướng của Đảng và Nhà nước.
“Dòng vốn tín dụng về lâu về dài không thể tăng trưởng mãi ở mức 14% như 10 năm vừa qua bởi vì quy mô tín dụng của Việt Nam hiện chiếm 155% GDP, như vậy so với quy mô nền kinh tế đã khá lớn. Trong thời gian tới, tôi tin rằng quy mô tín dụng sẽ chỉ dừng lại ở khoảng 11% - 12%. Lúc đó, vai trò kênh dẫn vốn của thị trường trái phiếu rất quan trọng. Đặc biệt Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng”, TS Cấn Văn Lực nói.
Một vấn đề nữa, theo TS Cấn Văn Lực cần lưu tâm, đó là hiện Việt Nam không có trái phiếu phát hành ra quốc tế. Trong khi đó, thời gian qua, tận dụng môi trường lãi suất thấp, các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia... tranh thủ phát hành rất nhiều trái phiếu quốc tế để huy động vốn ngoại. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đang muốn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế để nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xem thêm: odl.044459-oac-auhc-gnoul-tahc-man-teiv-peihgn-hnaod-ueihp-iart/et-hnik/nv.gnodoal