Phim Thất Sơn tâm linh phải cắt nhiều tình tiết
Theo dự thảo, các cảnh phim chi tiết về bạo lực sẽ bị cấm, trừ khi nhằm phê phán, tố cáo. Thế nhưng, việc đánh giá cảnh đó "phê phán, tố cáo" hay "kích động, cổ xúy" bạo lực lại có thể suy diễn theo ý chí của cá nhân nào đó.
Nếu muốn một "bồi thẩm đoàn" đa dạng, chúng ta nên trông cậy ở khán giả. Đừng biến mỗi bộ phim thành một phạm nhân và mỗi buổi duyệt phim thành một phiên tòa.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
"Cổ xúy bạo lực, dâm ô": dễ thành suy diễn
"Vô hình trung, những câu chữ đơn giản ở đây tạo ra một rào cản vô cùng lớn cho các hoạt động sáng tạo, không bắt được "tội phạm" nào những lại chỉ toàn bắt "người ngay"" - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn viết trong văn bản góp ý cho điều 11 dự thảo luật.
Khoản 1, điều 11 bao gồm 12 mục cấm về nội dung phim ảnh, từ những nội dung xứng đáng bị nghiêm cấm như "tuyên truyền chống Nhà nước, kích động chiến tranh, ủng hộ khủng bố" cho đến những nội dung dễ suy diễn hơn như "kích động bạo lực, dâm ô, mê tín dị đoan...".
Giới làm phim không chống lại những điều cấm nếu hợp lý, nhưng lo ngại vì cách lý giải mơ hồ có thể biến một bộ phim thành "tội phạm".
Biên kịch Bình Bồng Bột đưa ra một số ví dụ châm biếm "vui nhưng không cười nổi": "Cấm Lão Hạc vì cổ xúy bán thịt chó. Cấm Chí Phèo vì cổ xúy làm tình nơi công cộng. Cấm Tắt đèn vì cổ xúy nạn buôn người và phản ánh không đúng hiện thực: quan nào mà thèm phụ nữ có gia đình".
Những ví dụ này thể hiện nếu luật quy định quá mơ hồ, phim ảnh nghệ thuật sẽ dễ dàng bị gán ý nghĩa "cổ xúy" cho những điều xấu xa nằm ngoài ý định của tác giả.
Phim Ròm long đong qua mấy vòng kiểm duyệt
Đừng coi phim ảnh là tội phạm trước tòa
Ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL), cho biết cục và ban soạn thảo luật vẫn tiếp nhận những góp ý khác nhau về dự thảo Luật điện ảnh, trong đó có phát biểu về Người phán xử và sự phản đối từ giới làm phim (Tuổi Trẻ ngày 16-9).
Ông Thành cho biết cục tôn trọng cả đề xuất duyệt phim chặt hơn, lẫn quan điểm muốn luật cởi mở hơn của giới làm phim.
Với các đề xuất thẩm định chặt chẽ, gắt gao hơn để kiểm soát nội dung vi phạm pháp luật, được đưa ra trong cuộc họp góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, ông Thành nhận định với Tuổi Trẻ: "Luật điện ảnh 2006, sửa đổi 2009 và cả Luật điện ảnh đang xây dựng đều đã có quy định về vấn đề đó rồi, chứ có phải vấn đề chưa được đưa vào luật đâu?
Luật đã quy định hội đồng phổ biến phim phải xem xét các yếu tố về nội dung tư tưởng, bạo lực, tình dục... Đó không phải là vấn đề mới nảy sinh".
Về phát biểu liên quan Người phán xử, ông Vi Kiến Thành cho rằng: "Ban soạn thảo luật cân nhắc tiếp thu và tìm ra giải pháp quản lý tốt nhất chứ không thể chạy theo dư luận".
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, nói với Tuổi Trẻ:
"Việc đưa thêm các ủy ban khác vào trong hội đồng duyệt quốc gia nghe có vẻ tiện lợi nhưng thực ra sẽ dẫn tới mô hình cồng kềnh. Nếu muốn một "bồi thẩm đoàn" đa dạng tiếng nói, chúng ta chỉ nên trông cậy ở khán giả sau khi xem phim. Đừng biến mỗi bộ phim thành một phạm nhân và mỗi buổi duyệt phim thành một phiên tòa".
Theo chị Điệp, phương án tự kiểm (hậu kiểm) là phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam, khi số lượng nội dung sản xuất và xuất bản trên Internet ngày càng lớn, nhân sự để thực hiện tiền kiểm không thể đáp ứng đủ. Do vậy, để nhà sản xuất tự phân loại và tự chịu trách nhiệm dựa trên hướng dẫn chi tiết và minh bạch từ luật là cần thiết.
Phim Người phán xử giảm nhiều yếu tố bạo lực so với bản gốc
Hội đồng "quyền rơm vạ đá"
Đề xuất trong hội đồng duyệt phải có tất cả thành phần từ các lĩnh vực trong xã hội, theo ông Vi Kiến Thành, chỉ hợp lý "về mặt lý thuyết". Hội đồng hiện nay có 11 người, nếu muốn đủ các thành phần thì có thể lên đến 40, 50 người.
Ông Thành nói: "Đứng ở ngoài nói thì dễ nhưng vào hội đồng thì "quyền rơm vạ đá". Cục cũng từng mời một số chuyên gia ngoài ngành văn hóa, điện ảnh rồi, nhưng điều đó đòi hỏi người ta phải gắn chặt quỹ thời gian với cục cả tuần. Không ai ở cơ quan, đơn vị khác mà suốt ngày đến cục duyệt phim được".
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng các nhà làm luật cần đặt lòng tin vào năng lực xã hội, năng lực của người dân và những người làm nghề.
Chị kêu gọi: "Hãy để nhà sản xuất, nhà phát hành, nhà làm phim... chịu trách nhiệm với công chúng của họ. Công chúng, ở một góc độ nào đó, chính là hội đồng kiểm duyệt khắt khe nhất, rộng lớn nhất, cẩn thận nhất đối với bất cứ một bộ phim nào".
TTO - Một vị tướng gây xôn xao khi phát ngôn bộ phim Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen. Giới làm phim và khán giả chỉ ra cái sai trong câu nói, đồng thời lo ngại khi những góp ý cho Luật điện ảnh (sửa đổi) thiên về cấm đoán, răn đe.
Xem thêm: mth.73291609161901202-mahp-iot-al-hna-mihp-ioc-gnud-nix-hna-neid-taul-auc-mac-ueid-21/nv.ertiout