Cuối tuần qua, Đông Nam Bộ báo dư 7 triệu con gà. Đồng Nai ùn ứ 80.000 con vịt, 6.000 con dê, còn Bình Dương tồn 2 triệu quả trứng gà mỗi ngày. Việc ùn ứ nông sản do tắc nghẽn chuỗi cung ứng vốn không phải bây giờ mới xảy ra mà đã âm ỉ từ khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng lên mạnh mẽ ở TP HCM và các tỉnh phía Nam từ tháng 7.
Khảo sát PMI tháng 8 của IHS Markit mới đây cũng cho thấy, chuỗi cung ứng đang gián đoạn ở mức chưa từng có tiền lệ. Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit đánh giá, các nhà sản xuất Việt Nam đang đối mặt với "một nhiệm vụ gần như bất khả thi" khi mà các hạn chế được dùng để chống dịch làm cản trở khả năng sản xuất hàng hóa.
Ở góc độ dân sinh và dễ cảm nhận nhất, người tiêu dùng đầu cuối ở TP HCM phải đặt một tô bún có thể đội giá lên hàng trăm nghìn đồng vì phí vận chuyển tăng vọt là không hiếm. Chưa kể, dù shipper được chạy liên quận từ 16/9, việc tìm ra tài xế để đặt hàng không phải dễ dàng.
Chiều hôm qua (16/9), ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM ước tính số lượng shipper đăng ký hoạt động của 33 đơn vị là 160.000 người, nhưng thực tế đang hoạt động chỉ có khoảng 20.000 người, rất thấp so với nhu cầu của người dân. Các nền tảng xác nhận tài xế ra đường ít vì vẫn còn ngại với các sự cố về xét nghiệm, chốt trạm.
Trước thực trạng này, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP HCM bình luận, việc tính đến "bình thường mới" rất có ý nghĩa khi thành phố là đầu tàu kinh tế thiên về dịch vụ và công nghiệp. Hiện nay, TP HCM có rất nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như phân bố với mật độ cao ở khắp các quận, huyện. Mà mỗi quận, huyện của thành phố này có dân số trung bình gần bằng một tỉnh của Việt Nam.
"Bình thường mới muốn được an toàn phải tính đến việc người dân và doanh nghiệp cụ thể nào nên được ưu tiên trước", Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài đặt vấn đề.
Theo vị chuyên gia, an toàn logistics cần được ưu tiên trước để đảm bảo tính thiết yếu và sinh kế cũng như kết nối chuỗi cung ứng thông suốt. Từ đó, mới tạo ra năng lực kinh tế cho thành phố để hỗ trợ lại các đối tượng yếu thế.
"An toàn logistics cho các bên tham gia không chỉ trong nội bộ một quận huyện mà phải mang phạm vi liên quận, huyện; không chỉ trong TP HCM mà còn liên vùng; không chỉ liên vùng mà còn kết nối với các quốc gia khác", ông nói.
Điều này rất quan trọng vì các bên tham gia hoạt động logistics là các dịch vụ đầu tiên có liên quan đến dòng chu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa vừa là các yếu tố đầu vào cho sản xuất và vừa phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Trong giãn cách vừa qua, đóng băng chợ đầu mối và các chợ truyền thống đã làm yếu hẳn năng lực phục vụ thiết yếu cho người dân vì hệ thống này lúc bình thường đã đảm bảo gần 80% công suất hàng thiết yếu.
Một mình TP HCM cũng không thể tự "bình thường mới" cho chuỗi cung ứng. Điều đó đòi hỏi một liên kết vùng thực chất hơn trong việc cùng nhau đứng dậy. Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài nhận xét, tình trạng "cát cứ" các địa phương do chống dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng TP HCM với gần 20 địa phương từ Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP HCM giai đoạn Covid-19 lần 4" được Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP HCM công bố đầu tháng 9 có cùng quan điểm.
"Giãn cách thời gian dài đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TP HCM với chuỗi cung ứng bị gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp mà còn gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian", nghiên cứu viết.
Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 lần thứ tư thời gian qua gần như gói gọn theo địa giới hành chính của mỗi tỉnh thành, chưa có sự phối hợp chặt chẽ để liên kết vùng trong phòng chống dịch. Doanh nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng có nguyên nhân lớn từ đứt gãy chuỗi cung ứng do tính liên kết vùng bị bẻ gãy.
Nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế - Luật nhấn mạnh, để tránh lặp lại hạn chế này trong tương lai, khi mà khả năng miễn dịch cộng đồng khó khả thi nhanh vì virus liên tục biến chủng, thì TP HCM – với vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – cần chủ trì cùng với các tỉnh (ít nhất là các tỉnh giáp ranh) xây dựng chương trình phát triển liên kết vùng bền vững.
"Cần chú ý đến các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng với các kịch bản chi tiết, tương ứng với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nếu dịch bệnh tiếp tục xảy ra trong tương lai nhằm hạn chế tối đa tổn thương của nền kinh tế", các chuyên gia lưu ý.
Trước mắt, TP HCM có thể cân nhắc một vài ý tưởng để "bình thường mới" chuỗi cung ứng trong phạm vi địa bàn của mình. Theo nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế - Luật, dịch bệnh cho thấy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn khi tập trung quá đông người giao dịch trực tiếp tại các chợ đầu mối.
Để giảm quy mô giao dịch trực tiếp tại các chợ này, TP HCM sớm nâng cấp hạ tầng chợ đầu mối để gia tăng tỷ trọng giao dịch trực tuyến theo mô hình sàn giao dịch hàng hoá trực tuyến, hay còn gọi là chợ đầu mối trực tuyến.
Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài thì cho rằng, "bình thường mới" sẽ không an toàn khi trụ cột công nghệ giám sát di chuyển xanh, các vùng xanh, doanh nghiệp xanh, dữ liệu tiêm chủng vaccine, dữ liệu khai báo không được thống nhất qua một app (ứng dụng).
"Khi bình thường mới từng bước được nới lỏng, việc kiểm soát/giám sát thủ công sẽ lại gây ra rủi ro cho những đối tượng được gọi là đã có thẻ an toàn Covid khi lưu hành giao thông trong một siêu đô thị như TP HCM", ông nói. Ngoài ra, nếu chỉ dựa trên các giám sát hành chính qua các quy định ngành nghề chặt chẽ được đề xuất từ các sở ban ngành và hiệp hội doanh nghiệp thì cũng chưa đủ.
Tính an toàn trong "bình thường mới" cần đặt trọng tâm ở trụ cột truyền thông các thông tin về rủi ro của hệ thống y tế khi đối diện với những tình huống ngoài mong đợi bằng các cấp độ khác nhau (xanh/cam/vàng/đỏ) hoặc bằng các tiêu chí dịch tễ, phần trăm số ICU/ECMO đã sử dụng, số ca tử vong hàng ngày, số ca nhiễm hàng ngày.
Những thông tin này là để người dân và doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh các hành vi mang tính chuẩn mực, nâng cao năng lực tự giữ an toàn cho mình và cộng đồng.
Viễn Thông