Ngày 16/9, các nhà cung cấp ứng dụng (app) giao hàng trực tuyến đồng loạt thông báo hoạt động vận chuyển liên quận. Theo đó, người dùng Gojek có thể đặt mua thực phẩm qua ứng dụng GoFood và đặt vận chuyển hàng hóa qua ứng dụng GoSend từ 6g đến 21g hằng ngày; Be mở lại dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ liên quận từ 6g - 20g30 và từ 6g - 18g30 đối với dịch vụ giao hàng nhanh trong hai giờ.
Tương tự, Baemin cũng nhận đơn giao món ăn, thức uống liên quận TPHCM từ 6g - 17g30; Lalamove và Grab cũng hoạt động từ 6g - 20g hằng ngày. Hầu hết tài xế các hãng đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và phải thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc 5K khi hoạt động lại.
Ông Phan Tường Bách - Giám đốc vận hành Ahamove - cho biết, những ngày qua, hãng duy trì 3.000 shipper. Nhưng khi UBND TPHCM cho phép shipper hoạt động liên quận, con số này không đáp ứng được nhu cầu nên hãng đã đăng ký bổ sung thêm shipper.
Hầu hết các hãng cung cấp dịch vụ giao hàng đang thiếu shipper do nhu cầu giao nhận hàng tăng cao - Ảnh N.Cẩm |
Gojek cũng đã đăng ký với Sở Công thương TPHCM bổ sung khoảng 10.000 đối tác tài xế đủ điều kiện (tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng COVID-19). Theo quy định, các tài xế có tên trong danh sách công bố của Sở Công Thương TPHCM mới được chính thức hoạt động. Đội ngũ này phải trang bị theo bộ nhận diện shipper, xét nghiệm SARS-CoV-2 hai ngày/lần. Đại diện Ahamove dự đoán, khi shipper đã được chạy liên quận, huyện, số lượng đơn hàng sẽ tăng khoảng 30% và số lượng shipper đủ điều kiện hiện có vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu.
Hầu hết các hãng đều thiếu đối tác tài xế, thời gian giao, nhận cũng dài hơn do nhiều tuyến đường còn phong tỏa. Điều này có thể khiến phí dịch vụ giao, nhận khó giảm ngay được. Theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 16/9, phí giao món ăn vẫn còn rất cao. Chẳng hạn, phí giao hàng cự ly gần (0,6 - 0,8km) vẫn dao động từ 30.000 - 35.000 đồng.
Đại diện Gojek cho rằng, việc sử dụng các dịch vụ giao, nhận và vận chuyển thực phẩm, hàng hóa liên quận là nhu cầu của rất nhiều người dân, do đó, các sở, ban, ngành cần xem xét, phê duyệt đề xuất tăng số lượng shipper của các hãng nhằm đảm bảo sự liền mạch của chuỗi cung ứng ở TP.HCM. Tuy nhiên, một số hãng cũng nhìn nhận, việc tăng lượng shipper còn tùy thuộc nhiều yếu tố, như năng lực xét nghiệm của các cơ sở y tế, trạm y tế lưu động và các điều kiện mà tài xế phải đáp ứng, như giấy tờ tùy thân, giấy đi đường, giấy xét nghiệm âm tính, thẻ shipper, băng đeo tay nhận diện… Thực tế, có những tài xế đủ điều kiện tham gia hoạt động liên quận nhưng không mở app nhận đơn thì hãng cũng không nắm được cụ thể trong ngày có bao nhiêu tài xế hoạt động.
Theo quy định của UBND TPHCM, shipper được hoạt động liên quận từ 6g đến 21g hằng ngày với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện mẫu gộp xét nghiệm ba người, tần suất 2 ngày/lần. Chi phí xét nghiệm cho shipper sẽ do ngân sách thành phố chi trả đến hết ngày 30/9/2021.
Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, shipper có nhu cầu hoạt động đăng ký với các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng vận chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát, tổng hợp danh sách shipper đáp ứng đúng, đủ các quy định hiện hành về dịch vụ shipper công nghệ trong thời gian giãn cách xã hội và gửi về Sở Công Thương. Sau khi tiếp nhận danh sách hợp lệ, Sở Công Thương sẽ cập nhật vào hệ thống dữ liệu shipper của sở để phục vụ việc tra cứu trực tuyến thông tin shipper tại các chốt kiểm soát của TPHCM.
Shipper đã đăng ký với doanh nghiệp nhưng chưa có thông tin tra cứu trên website của Sở Công thương có thể thuộc hai trường hợp: không có trong danh sách shipper do doanh nghiệp gửi về sở hoặc chưa đến đợt cập nhật dữ liệu mới. Tất cả các đợt cập nhật dữ liệu shipper đều được thông tin rộng rãi đến doanh nghiệp. Vì vậy, shipper cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp (nơi đã đăng ký hoạt động) để được hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.4116441a-reppihs-neyut-pat-pac-gnah-oaig-uv-hcid-gnat-enilno-gnah-nod/nv.moc.enilnounuhp.www