Ngành gỗ Việt Nam cũng gặp thách thức về nguồn cung gỗ nguyên liệu. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3 gỗ tròn là gỗ nhiệt đới từ trên dưới 100 quốc gia. Sử dụng nguồn cung gỗ có trách nhiệm sẽ nâng cao uy tín của ngành chế biến gỗ Việt Nam và góp phần khắc phục nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và kém bền vững trên toàn cầu.
Một hình thức khai thác gỗ kém bền vững. (Ảnh: Lê Thị Lộc)
Chính phủ Việt nam cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng. Cam kết này thể hiện qua Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại (gọi tắt là VPA FLEGT) được Chính phủ Việt Nam và EU ký kết năm 2019. Thực hiện cam kết này, Việt Nam ban hành Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (hay còn gọi là Nghị Định VNTLAS). Như vậy, các doạnh nghiệp nhập khẩu gỗ vào Việt Nam cần chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Cụ thể, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định tại nghị định 102 về thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm ngăn chặn gỗ khai thác bất hợp pháp xâm nhập vào chuỗi cung ứng gỗ tại Việt Nam.
Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Tô Xuân Phúc)
Tuy nhiên, hiểu biết về trách nhiệm giải trình cũng như các kiến thức, kỹ năng thực hành trách nhiệm giải trình của các bên thực thi pháp luật cũng như các bên giám sát thực thi pháp luật vẫn còn hạn chế do đây là sáng kiến và lĩnh vực mới. Năm 2020-2021, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ cùng phối hợp với Cục kiểm Lâm và Tổng cục Hải quan tập huấn nâng cao năng lực và kiến thức về kiểm soát nhập khẩu, chuỗi cung ứng gỗ và nhận dạng loài gỗ cho hơn 100 đại diện các cơ quan chức năng trên toàn quốc. Ngoài ra, GIZ cũng phối hợp với Tổ chức Prefer by Nature xây dựng các tài liệu hướng dẫn, và cùng với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn cho 200 đại diện doanh nghiệp nhập khẩu gỗ về kiến thức và thực hành trách nhiệm giải trình.
Tập huấn Kiểm soát gỗ theo quy định VPA/FLEGT & NĐ 102. (Ảnh: Tổ chức GIZ)
Tuy nhiên, vì là một nội dung mới, đòi hỏi các bên liên quan phải có kiến thức đầy đủ và vận dụng thường xuyên vào thực tiễn. Tận dụng giải pháp học tập và lan truyền vượt bậc của kỷ nguyên kỹ thuật số cũng như nhằm thích nghi với các yêu cầu hạn chế đi lại do tác động của Covid-19, GIZ phối hợp với tổ chức Prefer by Nature đã xây dựng khóa học trực tuyến về Trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam (gọi tắt là khóa đào tạo DDS trực tuyến) dựa trên những tài liệu xây dựng, đúc kết từ những tham vấn với Cục kiểm lâm, Tổng cục Hải quan và các bên liên quan.
Khóa học trực tuyến này mở rộng cho tất cả các bên tham gia, gồm các cơ quan xác minh, các doanh nghiệp gỗ và hiệp hội gỗ, các tổ chức phi chính phủ, và những người quan tâm nhằm tăng cường và thúc đẩy tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu trong chuỗi cung ứng gỗ theo cam kết của Việt Nam tại Hiệp định VPA.
Khóa đào tạo DDS trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Người muốn tham gia chỉ cần kết nối internet cùng với các thiết bị hoặc máy tính, hoặc điện thoại thông minh là có thể tham gia khóa học ở bất cứ đâu, thời gian và địa điểm nào cũng được. Thời gian để hoàn thành toàn bộ khóa học là 5,5 tiếng nhưng học viên không nhất thiết phải hoàn thành khóa học trong một lần kết nối và tham gia. Học viên sẽ nắm được những quy định chung về VPA-VNTLAS; nắm rõ khái niệm và nội dung Trách nhiệm giải trình; và có được kiến thức về phân tích rủi ro và giảm thiểu rủi ro nhập khẩu gỗ bất hợp pháp. Khi hoàn thành khóa học với việc trả lời chính xác ít nhất 60% số lượng các câu hỏi của phần bài tập thực hành là học viên đã có thể nhận được Chứng chỉ "Khóa Đào tạo trực tuyến về trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu tại Việt Nam".
Khóa Đào tạo DDS trực tuyến tại đường link: Trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam (preferredbynature.org) sẽ chính thức ra mắt vào ngày 16/09/2021.
Hiểu rõ quy định pháp luật, nắm rõ xu thế và nhu cầu cao sử dụng sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp của thị trường trong nước và quốc tế, tất yếu Ngành Chế biên Gỗ và Lâm sản Việt Nam nói chung và doanh nghiệp gỗ nói riêng, sẽ thành công và tăng trưởng bền vững, góp phần thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp giữa Việt Nam - EU và các thị trường quốc tế. Đây cũng là mục tiêu của Dự án Hỗ trợ quá trình thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT tại Việt Nam. Dự án này do Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và GIZ thực hiện dưới sự ủy thác của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và Bộ ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) đồng tại trợ dự án.(VNTLAS)
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế