Ảnh kỷ niệm Đỗ Tư Nghĩa (trái) và Trần Thoại Nguyên trong một lần cùng ngồi cà phê Đà Lạt - Ảnh: từ trang cá nhân nhà thơ Nguyễn Như Mây
Đỗ Tư Nghĩa thuộc lớp trí thức miền Nam trong chiến tranh, ông tốt nghiệp triết học ở Đại học Văn khoa Huế, sau đó dạy triết và tiếng Anh tại Blao (Bảo Lộc) từ trước 1975.
Nhiều người biết đến Đỗ Tư Nghĩa như một dịch giả cẩn thận với chữ nghĩa, đồng thời ông chọn cách sống như một người ẩn tu: đọc và dịch sách về đạo Phật, các danh tác về triết, và làm thơ.
Năm 2016, tác phẩm cuối đời của Lev Tolstoy (1828-1910) là Suy niệm mỗi ngày qua bản dịch của Đỗ Tư Nghĩa được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, đến năm 2018 quyển này đã tái bản lần thứ 3. Bên cạnh đó, quyển Nghệ thuật sống của Epictetus do Đỗ Tư Nghĩa dịch cũng tái bản đến lần thứ 3.
Dịch phẩm ra đời mới đây của ông là quyển sách về thiếu nhi: Khi bố còn thơ của Alexander Raskin (Nga). Quyển này Đỗ Tư Nghĩa dịch chung với Y Khương, ra mắt giữa năm 2020. Lúc này, bạn bè thân thiết cũng cảm nhận được sức nặng tuổi tác đang ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.
Và mới đây, một bạn đọc trẻ trong số những người mến mộ Đỗ Tư Nghĩa đã mô tả tình trạng sa sút sức khỏe của ông: "Lần cuối cùng tôi ghé thăm, chú không chiến đấu với bệnh tật mà chiến đấu với con dốc trước nhà" - Huỳnh Vũ Huy viết trên trang cá nhân khi hay tin vị dịch giả qua đời.
Từ Phan Thiết, nhà thơ Nguyễn Như Mây viết mấy dòng tiếc thương dịch giả Đỗ Tư Nghĩa - người mà ông Mây coi như người thầy, người anh kính mến.
Nhà thơ Nguyễn Như Mây cũng dẫn một bài viết xúc động của nhà thơ Trần Thoại Nguyên - bạn thân của Đỗ Tư Nghĩa. Nhờ đó, bạn đọc các nơi biết được một khoảnh khắc đời thường của một dịch giả với một nhà thơ diễn ra mới đây chưa lâu:
"Hôm vừa rồi, tôi lên Đà Lạt đến nhà trọ dưới con dốc đường Nhà Chung thăm bạn. Tôi nhẹ gót đến nép mình bên cánh cửa nhìn vào phòng, thấy bạn ngồi (nằm) ngửa trên chiếc ghế võng xếp dưới gầm bàn, hai bàn tay mỏng mảnh giơ lên với những ngón lướt bàn phím laptop được bạn cố định như máy mở úp ngược xuống (thật lạ, thật độc đáo của mỗi bạn tôi:
"Nằm ngửa lướt phím mây" Haha!), bạn đang lướt phím gõ chữ thật tập trung, không biết có bạn đến thăm! Nhìn bạn với dáng hình và 2 cánh tay gầy guộc mà chạnh lòng, thương bạn quá! Khi biết có bạn đến thăm, Nghĩa vui mừng lắm, vội vã dẹp gọn hết, liền mặc áo quần (3 lớp áo) và mời bạn mình đi uống café...".
Bây giờ, trái tim người dịch giả ấy đã vĩnh viễn ngừng đập để chia tay phố núi, để lại cho đời nhiều dịch phẩm đã xuất bản: Con đường tuổi trẻ (Daisaku Ikeda, 2005); Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra (2007); Tự thú (Lev Tolstoy, NXB Văn Hóa Sài Gòn); Tìm lại nụ cười (Philip Martin, 2009); Kahlil Gibran ngọn lửa vĩnh cửu (Barbara Young, 2009); Suy niệm mỗi ngày (Lev Tolstoy, 2016); Khi bố còn thơ (Alexander Raskin, 2020)...
Và theo một số bạn bè và người trong giới, Đỗ Tư Nghĩa từng tự công bố tập thơ Gởi tình yêu, gởi cuộc đời của ông vào năm 1999.
Tuy nhiên, vì không chính thức nên tập thơ này hiện được xem như bản thảo chưa in, cùng với các tác phẩm khác: Phúc trình dâng Greco (Nikos Kazantzakis. Dịch); Các nhà thơ nữ Anh Mỹ (dịch và giới thiệu); Abelard và Heloise: Tình cổ lụy (dịch); Zen và thần bí Kytô giáo (dịch); Pháp thoại của ni sư Charlotte Joko Beck (dịch); Ngụ ngôn Kahlil Gibran (dịch).
Lễ di quan dịch giả Đỗ Tư Nghĩa sẽ diễn ra vào lúc 7h ngày 18-9, sau đó đưa đi hỏa táng tại Đài hỏa táng Đà Lạt.
Có những ngày
Có những ngày
tôi như con chuột nhỏ
chui rúc nơi những cống rãnh của cuộc đời
dù trên đầu tôi vẫn có trăng sao
dù quanh tôi
vẫn có lá cây xanh
và trên bàn tiệc cuộc đời
mỗi ngày
vẫn đổ tràn rượu đỏ.
chẳng còn hạt nào vương vãi!
Xin đừng ai dạy tôi
phải biết mỉm cười
khi bão dông kéo đến.
ngàn sa mạc!
Dalat.1983.
Đỗ Tư Nghĩa
TTO - Bởi quá mê những chuyện kể về săn bắn, bọn trẻ đã vào vai các thợ săn tái diễn một cuộc săn như thật. Chúng biến chú mèo con hiền lành trước sân thành con hổ vằn, tấn công cho đến khi con mèo... ngã gục.
Xem thêm: mth.81352206171901202-ni-auhc-mahp-cat-ueihn-ial-ed-iod-auq-aihgn-ut-od-aig-hcid-oht-ahn/nv.ertiout