Ngày 17-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng chống dịch COVID-19 về tình hình chống dịch tại tỉnh Kiên Giang.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chiều 17-9. Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu kết luận, ông Vũ Đức Đam cho rằng tỉnh đã giãn cách trong một thời gian tương đối dài. Trong thời gian đó, toàn bộ lực lượng cùng nhân dân tỉnh Kiên Giang đều đã rất cố gắng, nỗ lực.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa kiểm soát tốt dịch bệnh như mong muốn. Có nơi có lúc bên dưới cơ sở vẫn thực hiện giãn cách chưa thật nghiêm, vẫn còn tình trạng người nơi khác về nhưng chưa phát hiện được ngay.
Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Kiên Giang tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp hôm nay, tiếp tục nổ lực hơn nữa để chấm dứt giãn cách sớm nhất, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
“Đã giãn cách là phải giãn cách nghiêm túc, tinh thần phải theo sát, đi từng ngõ gõ từng nhà rà từng người, ai từ nơi khác về địa bàn tỉnh mà không báo kịp thời là phải xử lý. Nếu gia đình ấy là đảng viên, công chức, viên chức thì phải làm rõ trách nhiệm” - ông Đam nói và cho rằng trong vấn đề này, đầu tiên phải là trách nhiệm của ngành công an tỉnh Kiên Giang.
Đối với việc tỉnh Kiên Giang liên tục phát hiện ca nhiễm trong khu phong tỏa, Phó Thủ tướng đề nghị chấn chỉnh tỉnh trạng này. “Trong khu phong tỏa phải phong tỏa hẹp nhất có thể, khi phát hiện ra ca bệnh, chùm ca bệnh thì lập tức khoanh hẹp nhất, nếu chưa khoanh hẹp ngay được thì khoanh rộng hơn, khẩn cấp điều tra dịch tể. Nên tham khảo mô hình phong tỏa theo mấy lớp. Sau đó tiến hành xét nghiệm thần tốc. Chủng virus này lây nhanh đừng để dây dưa” - ông Đam nói.
Còn các ca nhiễm trong cộng đồng, ông Vũ Đức Đam đề nghị làm rõ. “Bao nhiêu ca đã rõ nguồn lây, bao nhiêu ca chưa rõ nguồn lây” - ông Đam nói và cho rằng cần đánh giá lại nguy cơ trên địa bàn tỉnh, huyện, xã, phường. Phải đánh giá lại nguy cơ đến cấp ấp, đánh giá càng chi tiết càng tốt. Sau đó thần tốc xét nghiệm “vùng đỏ”, “vùng xanh” và “vùng vàng” cũng cần tầm soát, không được bỏ quên.
Phó Thủ tướng cho rằng có quét hết trở lại bình thường rồi, nhưng trong tương lai vẫn sẽ xuất hiện ca bệnh mới. “Tinh thần là luôn sẵn sàng, hệ thống của tỉnh phải luôn trực chiến” - ông Đam đề nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Ký túc xá phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TÁ LÂM
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về công tác phòng chống dịch.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh, Phó Thủ tướng cho rằng số ca mắc COVID-19 của tỉnh đã giảm dần cả tại khu cách ly, phong tỏa, đặc biệt là giảm số ca cộng đồng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Đồng Tháp chấn chỉnh những giãn cách chưa nghiêm. Tỉnh cần tranh thủ thời gian giãn cách để xét nghiệm, không để dịch kéo dài mãi, bởi người dân và doanh nghiệp đã căng thẳng lắm rồi. Trong đó cần kiểm soát chặt người từ địa phương khác về, tránh để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Cũng như với Kiên Giang, Phó Thủ tướng lưu ý Đồng Tháp phải luôn sẵn sàng trong tình trạng “trực chiến” bởi dịch có thể quay lại, đặc biệt với các địa phương có giao thương với TP.HCM. “Bao giờ cả nước hết dịch thì mới hết trực chiến” - ông Đam nói.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng sống chung với COVID-19, trong đó có vaccine, oxy, kit xét nghiệm…
“Chúng ta có tiêm vaccine, có thể vẫn nhiễm nhưng tỉ lệ tử vong sẽ giảm; có thuốc, có oxy, xét nghiệm... Chúng ta sẵn sàng để chuẩn bị chung sống” - ông Đam nói.
Vì vậy, ông Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế ghi nhận yêu cầu của tỉnh. Theo đó, nếu địa phương cứ bám theo Quyết định 3979 về tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế thì không đạt. Do đó, Bộ Y tế cần phân biệt các nhóm tỉnh với nhau.
Có thể chia làm bốn nhóm: Nhóm rất nặng (TP.HCM, Bình Dương, Long An); các tỉnh miền Tây; các tỉnh đã nhiễm nhưng cơ bản còn sạch (chủ yếu phía Bắc); nhóm chưa có ca nhiễm (Cao Bằng).
Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần xem xét lại các nhóm để có tiêu chí khác nhau.