Một thế giới sau cơn trọng bệnh đang dần hồi phục. Như thành phố sau mưa, nắng chói chang hơn.
Đi qua tiệm giải khát vắng bóng mấy tháng trời, thấy nhân viên đang sửa soạn mở bán. Tiệm này đó giờ chỉ bán mang đi. Trước dịch từ sáng đến tối không giờ nào vắng bóng shipper, nhiều khi cả hàng dài. Bây giờ gần trưa mà chưa thấy bóng khách nào.
Các hàng quán cạnh tiệm giải khát, cửa vẫn im lìm. Tuy được phép mở lại nhưng có lẽ tâm lý chung của các chủ quán vẫn còn dè dặt, trong điều kiện khó khăn hơn. Người mới trải hoạn nạn lúc nào cũng thủ tâm thế đề phòng.
Cũng có người đã dần quen với việc quanh quẩn trong nhà giờ được ra đường thì ngần ngại, sợ đám đông thành phố, sợ nếp sống giờ giấc quy củ. Nhưng đời sống sẽ thúc chúng ta dậy, cũng như đời sống dạy ta quen với những trói buộc thời dịch.
Làm sao có thể thờ ơ khi thấy dòng người lại đổ ra đường, những bộ đồng phục, những chiếc xe đầy hàng hóa. Hôm nay, cái yên tĩnh mấy tháng qua bị phá vỡ bởi tiếng động cơ, tiếng còi xe vừa bỡ ngỡ vừa quen thuộc.
Nói là mở cửa trở lại nhưng chạy một vòng vẫn thấy thưa thớt, thiếu sinh khí. Nhiều ngả đường trong quận vẫn còn rào chắn. Muốn thử ghé chỗ cũ mua đồ nhưng đường không thông thoáng lại ngại hơn. Tôi thử ghé tiệm bánh mì gần nhà.
Những ngày đầu giãn cách, tiệm chỉ hé cửa vừa đủ một cánh tay đưa bánh và thu tiền. Người bán người mua phải lom khom. Nay cánh cửa đó đã mở hai phần ba. Tôi muốn trêu ông chủ "cửa hết hư rồi hả?".
Cánh cửa chỉ dám mở hai phần ba đó biểu trưng cho tâm lý của phần lớn cư dân những ngày này. Dù rất muốn sớm được hoạt động bình thường nhưng đâu đó vẫn còn nỗi lo sợ, chưa dám hết công suất khi tình hình dịch vẫn còn phức tạp.
Các chủ quán có lẽ cần một cái "thúc vai", như những gói hỗ trợ cho các hàng quán kinh doanh nhỏ, để có thêm động lực mở cửa trở lại. Song cú "thúc vai" lớn nhất vẫn là thành phố kiểm soát được dịch.
Không nỗi nhớ nào trong những ngày giãn cách bằng nỗi nhớ những con đường. Mai sau toàn thành phố bình thường trở lại, hình ảnh những con đường bị rào vẫn là nỗi ám ảnh. TP.HCM như một sinh thể mà mỗi vùng là một bộ phận của cơ thể.
Một bộ phận vẫn còn đang ốm, chưa hoạt động được thì cơ thể cũng chưa được gọi là khỏe mạnh. Thành phố như nằm liệt giường lâu ngày, đang tập đi. Muốn đi được nhanh hơn và an toàn hơn, cần sự kiểm soát tốt của chính quyền lẫn ý thức giữ gìn an toàn của người dân.
Mọi chuyện đã không còn như trước, đến lúc đối diện với thực tế rằng chúng ta buộc phải sống chung với virus, bởi virus có thể vẫn còn đó, chúng ta không thể đóng cửa mãi.
Nhìn thấy dòng xe cộ tấp nập ở Hà Nội cũng như vài địa phương mở cửa lại, lòng cũng thấy nôn nao.
Hy vọng không chỉ quận 7, toàn TP.HCM sẽ sớm "xanh", thành phố sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, để những hàng quán mạnh dạn mở hết cửa, chứ không chỉ một phần như tiệm bánh mì sau khi phải đóng im lìm suốt mấy tháng qua mà ông chủ luôn than vãn.
Nhìn những cánh cửa chỉ mở he hé bây giờ, có cảm giác rụt rè và cả đầy chờ đợi ngày mai.
TTO - Sau nhiều tháng ở trong nhà, sáng nay nhiều người dân ở quận 7 (TP.HCM) mừng rỡ đi siêu thị mua sắm, quán ăn liên tục chốt đơn qua các ứng dụng giao hàng.
Xem thêm: mth.36634317081901202-nahp-tom-om-auc-hnac/nv.ertiout