Công ty cổ phần (CTCP) Louis Capital (MCK: TGG) vừa thông báo đã trở thành cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán APG (MCK: APG) từ ngày 15/9 sau khi mua vào 3 triệu cổ phiếu để tăng sở hữu lên 3,7 triệu đơn vị (tỉ lệ 5,06%).
Hai lãnh đạo của Louis Capital là ông Nguyễn Hồ Hưng - Phó Chủ tịch Louis Capital kiêm Chủ tịch Chứng khoán APG, nắm giữ 9,54% cổ phần và ông Đỗ Thành Nhân - Thành viên HĐQT Louis Capital đang sở hữu 0,32% vốn.
Như vậy, số lượng cổ phiếu APG mà những cổ đông liên quan đến Louis Capital sở hữu là hơn 10,9 triệu đơn vị, tương đương tỉ lệ 14,92%.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường diễn ra vào đầu tháng 9, ông Đỗ Thành Nhân chia sẻ về kế hoạch mua sở hữu 35% cổ phần tại APG.
Giai đoạn 1, Louis Capital sẽ chi 200 tỷ đồng mua cổ phiếu APG để trở thành cổ đông lớn trong quý III, chậm nhất đầu quý IV năm nay.
Giai đoạn 2, Louis Capital sẽ đầu tư tiếp vào đợt tăng vốn từ 731 tỷ đồng lên hơn 2.200 tỷ đồng của Chứng khoán APG. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV, chậm nhất quý I/2022.
Cổ phiếu APG vừa có hai phiên giảm sàn liên tiếp sau khoảng thời gian bứt phá mạnh trước đó. Đóng cửa phiên 17/9, giá mã này đứng tại mức 24.800 đồng/CP, gấp gần 3 lần cuối năm ngoái.
Cùng với đó, Louis Capital thông báo đã mua 200.000 triệu cổ phiếu CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh (MCK: VKC). Sau giao dịch, lượng cổ phiếu nắm giữ tăng lên 1,1 triệu đơn vị, tương đương 5,7% vốn, qua đó trở thành cổ đông lớn từ ngày 17/9.
Ở chiều ngược lại, hàng loạt lãnh đạo muốn thoái một phần vốn tại Cáp nhựa Vĩnh Khánh. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Lâm Quy Chương muốn bán 2,9 triệu cổ phiếu từ 15/9 đến 14/10. Trước khi giao dịch được thực hiện, ông Chương đang nắm giữ 3,1 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 16,08%).
Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Võ Thiên Chương đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu VKC từ 17/9 đến 15/10 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Ngày 16/9, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Ngọc Nam đã bán 200.000 cổ phiếu VKC, giảm sở hữu xuống 200.000 đơn vị (tỉ lệ 1,04%). Trước đó vào ngày 10/9, ông Lương Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc cũng bán ra 500.000 cổ phần.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VKC liên tục tăng trần từ ngày 31/8 đến nay, nâng thị giá gấp gần 3 lần lên 22.500 đồng/CP. Thanh khoản cũng cải thiện từ vài chục nghìn lên vài trăm nghìn đơn vị. Một số phiên đột biến như 17/9 có hơn 1,8 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên sàn.
Về Louis Capital, tiền thân là CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang. Sau thương vụ M&A, tên công ty này cũng được đổi thành Louis Capital, chính thức tham gia hệ sinh thái “họ Louis".
Đây là đơn vị vốn chuyên thi công xây lắp các công trình dân dụng, cơ sở hạ tầng nhưng được định hướng mở rộng vào các hoạt động tư vấn, đầu tư M&A doanh nghiệp.
Đầu tháng 9, TGG tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua nhiều nội dung quan trọng như việc điều chỉnh kế hoạch 2021 tăng đột biến, phương án phát hành tăng vốn, đầu tư vào các công ty liên quan,...
Về kế hoạch kinh doanh, cổ đông Louis Capital đã thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu tăng gấp 5 lần, từ mức 70 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tương ứng điều chỉnh tăng từ 2 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.
Song song, Đại hội bất thường cũng thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, gần 573 tỷ đồng. Với giá chào bán 15.000 đồng/CP, công ty dự kiến huy động khoảng 450 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư.
Cụ thể, doanh nghiệp có kế hoạch chi 200 tỷ đồng để mua cổ phần APG của Công ty Chứng khoán APG. Ngoài ra còn chi 100 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Quản lý và Khai thác tài sản Louis AMC và 150 tỷ đồng còn lại đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời Suối Tiên.
Louis Capital còn có kế hoạch mua lại 10,5 triệu cổ phần, tương đương 95,5% vốn tại Công ty Golden Paddy với giá 105 tỷ đồng, nhằm đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống nhà máy sản xuất gạo tại các tỉnh miền Tây; đồng thời chi 67 tỷ đồng để mua nhà đất tại số 678 Kinh Dương Vương (Tp.HCM) với diện tích hơn 460m2 để đầu tư kinh doanh.
Về tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2021, Louis Capital đạt gần 18 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của TGG cũng tăng mạnh đạt 42 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TGG gây ấn tượng với chuỗi tăng trần 13 phiên liên tiếp từ 28.850 đồng lên 64.500 đồng/CP (chốt phiên ngày 17/9).
Còn tính từ đầu năm đến nay, TGG chỉ có giá 1.220 đồng đến nay đạt 64.500 đồng/CP, tăng gần 53 lần. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp hiện đạt hơn 1.760 tỷ đồng.