Citibank là một trong những ngân hàng có hoạt động tại Việt Nam từ năm 1972 đến 1975 dưới tên gọi First National City Bank. Sau 18 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, vào năm 1993, Citibank quay trở lại Việt Nam bằng một văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Một năm sau đó, Citi trở thành định chế tài chính Mỹ đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh đầy đủ tại Hà Nội. Vào năm 1998, Citi mở tiếp chi nhánh thứ hai ở thành phố Hồ Chí Minh.
Người sáng lập ra Citi Group - Sandy Weill - có một cuộc đời thực sự "kịch tính". Giờ đây ở tuổi 88, Sandy Weill đang thảnh thơi vui thú điền viên với khối tài sản khủng lên tới 1 tỷ USD. Ông chủ một thời của Citigroup hiện xếp thứ 2674 trong danh sách Những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2021 do tạp chí Forbes thực hiện.
CẬU BÉ DO THÁI LỚN LÊN Ở BROOKLYN
Sinh năm 1933, Sandy Weill là cậu con trai của một gia đình gốc Do Thái di cư từ Ba Lan đến Mỹ và lớn lên ở một khu phố lao động thuộc quận Brooklyn (thành phố New York). Bố của ông sở hữu một doanh nghiệp chuyên về may mặc còn mẹ là một bà nội trợ cặm cụi suốt ngày với việc nhà và chăm nom 2 đứa con nhỏ của mình.
Khi Weill lớn dần lên, cậu trai thấp bé nhẹ cân với gốc gác "ngoại lai" luôn trở thành mục tiêu châm chọc và bắt nạt của chúng bạn cùng trang lứa quanh khu phố. Những lúc như vậy, cậu cũng chỉ dám chạy về khóc riêng với mẹ mình chứ không dám ho he kể với ông bố nghiêm khắc luôn muốn con mình phải cứng rắn và mạnh mẽ.
Tình hình cải thiện hơn khi Weil lên 14 tuổi và được bố mẹ đăng ký nhập học ở Học viện quân sự Peekskill. Mặc dù có chiều cao hơn 1.7 mét nhưng cậu vẫn không đủ tiêu chuẩn để được tham gia vào đội bóng của trường và đành phải yên phận với một chân trong đội tuyển quần vợt dù trong lòng không mấy thích thú. Đến cuối năm 1940, khi người bố thôi công việc kinh doanh trang phục để mở một công ty chuyên nhập khẩu thép thì cũng là lúc mà Weil nói với chúng bạn rằng, cậu sẽ đi theo con đường kiếm tiền của bố mình sau khi tốt nghiệp đại học.
Vốn là một học sinh xuất sắc tại học viện quân sự nên Weil dễ dàng được chấp nhận khi ghi danh vào trường Đại học Cornell danh giá để theo đuổi chuyên ngành Kỹ nghệ luyện kim nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành "truyền nhân" của bố mình.
Bà Joan Mosher cùng chồng trong một lần quay trở lại trường Đại học Cornell (Ảnh: Weill Cornell Medicine)
Weill trúng tiếng sét ái tính với Joan Mosher, và mặc dù có xuất thân khác nhau nhưng cả hai vẫn quyết tâm lên kế hoạch làm đám cưới ngay sau khi chàng sinh viên của trường Cornell nhận được bằng tốt nghiệp đại học.
Thế nhưng, những dự định thật đẹp của họ đã hoàn toàn sụp đổ vào mùa xuân năm 1955, chỉ vài tuần trước khi lễ tốt nghiệp của Weill diễn ra khi anh nhận được cuộc điện thoại đầy nước mắt của mẹ: Bố anh đã bỏ rơi mẹ con để đi theo một người phụ nữ khác. Suy sụp vì tin dữ, Weill bỏ luôn cả kỳ thi quan trọng cuối cùng của cuộc đời sinh viên để chạy xe về tìm bố mình, rồi nhận thêm một tin xấu không hề mong đợi khác: Bố của anh cũng đã bí mật bán công ty nhập khẩu thép của mình nhiều tháng trước đó, xem như vứt bỏ những kế hoạch của cậu con trai đang nỗ lực dùi mài trên giảng đường đại học để ra trường tiếp nối công việc.
Sự cố gia đình này đã khiến Weill suýt nữa thì đánh mất cả sự nghiệp lẫn tình yêu của mình. Do bỏ lỡ kỳ thi quan trọng, Weill đã bị Đại học Cornell thông báo sẽ không cấp bằng tốt nghiệp cho anh. Và khi biết tin này thì gia đình của người yêu cũng đòi từ hôn, chấm dứt mối quan hệ tình cảm giữa Mosher và Weill. Sự việc cuối cùng cũng được giải quyết ổn thỏa bằng một kỳ thi do trường Cornell tổ chức riêng cho cậu sinh viên xui xẻo của mình để tiếp sau đó là một đám cưới như mong đợi của Weill cùng cô bạn gái Mosher diễn ra vào tháng 6/1955.
HAI BÀN TAY TRẮNG VÀO ĐỜI Ở PHỐ WALL
Do công ty của bố đã bị bán đi nên Weill bước vào đời với hai bàn tay trắng một thời gian. Sau đó, anh quyết định thử vận may ở Phố Wall bằng chân "lon ton" chuyên chạy giấy tờ hồ sơ cho công ty môi giới Bear Stearns với mức thù lao rẻ mạt là 35 USD/tuần (khoảng 800 nghìn đồng).
Trong thời gian làm việc, Weill quan sát cách giao dịch của những chuyên viên môi giới chứng khoán và quyết định sẽ gia nhập đội ngũ này theo cách chuyên nghiệp. Anh bày tỏ nguyện vọng này với ông chủ của mình và đề nghị được theo học chứng chỉ môi giới vào thời gian ngoài giờ làm việc của mình. Được "bật đèn xanh" từ người quản lý, Weill đã dành một năm để theo học các khóa học chuyên ngành, vượt qua các kỳ thi và cuối cùng được chính thức trở thành nhà môi giới được cấp phép hành nghề tại công ty môi giới Bear Stearns.
Phố Wall, trung tâm tài chính của New York nơi Sandy Weill bắt đầu vào đời bằng 2 bàn tay trắng (Ảnh: Crains New York)
Sau khi hành nghề môi giới chứng khoán được một thời gian, vào năm 1960, Weill cùng người bạn thân làm nghề đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng là Arthur Carter kết hợp với hai chuyên gia môi giới chứng khoán để chung tay lập nên một công ty môi giới chứng khoán của riêng mình. Cả bọn chỉ có tài sản duy nhất là vốn liếng kinh nghiệm thực tế thu nhặt được trong thời gian hành nghề ngay tại trung tâm tài chính sôi động của Phố Wall nhưng vẫn được các nhà đầu tư chấp nhận mạo hiểm rót vốn. Đến năm 1962, một trong bốn nhà sáng lập rút lui khỏi cuộc chơi để lại 3 nhân sự chủ chốt với công ty chứng khoán CBWL được ghép từ chữ cái đầu tiên của họ.
Với tham vọng lớn và sự nhạy cảm được tôi luyện trong thời gian lăn lộn trước đó tại Phố Wall, Weill cùng đồng đội của mình không ngừng nuôi tham vọng mở rộng của mình bằng cách thâu tóm các công ty môi giới chứng khoán "bị thất sủng" khác trên thị trường.
Chỉ 8 năm sau đó, CBWL đã thành công trong thương vụ sát nhập công ty môi giới tài chính Hayden Stone với 100 năm lịch sử và quy mô lớn gấp 10 lần CBWL nhưng đang trong tình trạng làm ăn thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản. Đến năm 1973 và những năm sau đó, công ty càng trở nên phình to hơn nhờ việc thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp khác để đến năm 1979 thì Weill chính thức trở thành chủ tịch kiêm CEO của công ty Shearson Loeb Rhoades.
Như vậy, sau hàng chục thương vụ tung hoành trên thị trường bằng cách mua lại các công ty đang gặp vấn đề, "cậu bé tí hon" CBWL ngày nào đã phút chốc lớn lên và trở thành "người khổng lồ" mang tên Shearson – công ty môi giới lớn thứ hai hiện diện tại Phố Wall.
THẤT NGHIỆP Ở TUỔI 50 VÀ TITANIC CỦA PHỐ WALL
Công việc làm ăn tiến triển như diều gặp gió cho đến năm 1980 khi làn sóng sát nhập trong ngành tài chính ở Phố Wall ào tới "như một cơn sóng thần". Sự phát triển đầy ấn tượng của Shearson Loeb Rhoades đã biến doanh nghiệp thành đích ngắm mà các "ông lớn" tại Mỹ thèm muốn để mắt tới.
Theo Amey Stone và Mike Brewster, tác giả của quyển sách King of Capital thì "số lượng các doanh nghiệp trở thành đối tác của Shearson Loeb Rhoades tăng nhanh tới mức chóng mặt, khi chưa ký xong hợp đồng này thì hợp đồng khác lại tìm tới", trong đó có có "đại gia" ngành dịch vụ tài chính American Express (AmEx).
Sau nhiều tháng thuyết phục, CEO của AmEx là James Robinson III đã nhận được cái gật đầu của Weill đồng ý bán công ty Shearson Loeb Rhoades với giá gần 1 tỷ USD để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh thẻ tín dụng thương mại. Sau sáp nhập, khối tài sản của Weill tăng lên đáng kể nhờ "bỏ túi" tới 80% giá trị hợp đồng. Thế nhưng ông cũng phải đánh đổi bằng việc chỉ giữ chức Giám đốc vận hành, vị trí quyền lực thứ 3 trong tập đoàn.
Sandy Weill liên tục thắng lớn nhờ vào các thương vụ thâu tóm đình đám trong suốt thời gian dài (Ảnh: Jennifer S. Altman/Getty Images)
Vốn là người từ trước đến nay ngồi trên đỉnh cao quyền lực trong khi giờ đây chỉ là một cái bóng đằng sau những ông chủ khác, Weill cảm thấy một nỗi thất vọng tràn trề bởi suốt 5 năm liên tục cố gắng xoay chuyển tình thế để vươn lên vị trí số 1 nhưng bất thành. Năm 1985, Weill quyết định nộp đơn từ chức để chính thức rời khỏi công ty dịch vụ tài chính khổng lồ nhưng không có chỗ cho mình.
Bị rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời ở tuổi 50 nhưng Weill không hề tỏ ra nản chí. Ông bắt tay làm lại từ đầu bằng việc mua chi nhánh Commercial Credit của tập đoàn Control Data vào năm 1986 khi công ty tài chính nhỏ bên bờ vực phá sản và đang bị công ty mẹ "ruồng rẫy". Sau khi nắm giữ 80% cổ phần của Commercial Credit, Weill quay trở lại chiếc ghế CEO và sử dụng trực giác nhạy cảm của một chuyên gia phân tích tài chính lành nghề trưởng thành từ Phố Wall để tập trung phát triển các loại thẻ tín dụng thương mại vốn đang bắt đầu có dấu hiệu nóng lên trong thời điểm đó với nhóm khách hàng tiềm năng là những công ty bảo hiểm, nơi mà nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẻ tín dụng là rất cao.
Bằng tài năng và sự "mát tay" của mình, chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, Weill đã quay trở lại và lợi hại hơn xưa bằng cách sát nhập Commercial Credit vào một công ty lớn hơn nhưng đang trong tình trạng "hấp hối" là Primerica, và sau đó là công ty bảo hiểm Smith Barney, rồi đến công ty bảo hiểm Travelers. Đến năm 1992 - 1993, Weill đã thành công khi mua lại chính công ty của mình trước đó là Shearson từ tay AmEx để dựng nên công ty tài chính Travelers Cooperation.
Trên cương vị Giám đốc điều hành, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp và tối ưu hóa nguồn lực cho Travelers Corporation, Sandy Weil tiến hành sáp nhập tất cả các đầu mối vào Travelers Corporation và đổi tên thành Travelers Group.
Dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của Sandy Weill chính là thương vụ sát nhập Travelers Group và tập đoàn Citicorp để tạo nên Citigroup (Ảnh: alchetron)
Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là điểm dừng của shark tank đẳng cấp Sandy Weill. Vào tháng 4/1998, ông đã khiến giới đầu tư choáng váng khi tiến hành thành công thương vụ lớn nhất thời bấy giờ: sát nhập tập đoàn Travelers Group và tập đoàn Citicorp vào với nhau để "khai sinh" ra tập đoàn mới với cái tên Citigroup.
Tập đoàn được mệnh danh là "Titanic của Phố Wall" này chuyên cung cấp trọn gói các dịch vụ tài chính cho hơn 100 triệu khách hàng trên hơn 100 quốc gia thông qua một mạng lưới hơn 300.000 văn phòng cùng với 162.000 nhân viên làm việc cho mình. "Cú sát nhập" đã giúp làm tăng giá trị của Citigroup từ 700 tỷ USD vụt tăng lên thành 1.000 tỷ USD vào năm 2004.
"Ông ấy chính là một ông Vua Mặt trời – Là người đàn ông thành công và quyền lực nhất trong giới tài chính ở New York", Roy Smith, giáo sư trường Kinh doanh thuộc Đại học New York bình luận.
NGƯỜI THAY ĐỔI LUẬT CHƠI CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
Tuy nhiên, mọi thứ không hề là một tấm thảm nhung trải đầy hoa hồng êm ái cho Weill. Chính sự sát nhập quy mô lớn với hàng loạt các đơn vị thành viên thuộc lĩnh vực chứng khoán vào tập đoàn chuyên phục vụ các dịch vụ tài chính ngân hàng đã khiến Citigroup bị rơi vào tình huống pháp lý đầy nguy hiểm: vi phạm trực tiếp quy định của Luật Glass-Steagall.
Đạo luật Glass-Steagall do Quốc hội Mỹ ban hành 1933 nghiêm cấm các ngân hàng được bảo lãnh và khuyến khích mua bán chứng khoán. Các tổ chức tài chính phải lựa chọn, hoặc là ngân hàng cho vay thuần túy, hoặc chỉ thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh (ngân hàng đầu tư, công ty môi giới chứng khoán).
Do đạo luật Glass-Steagall đã đặt ra ranh giới pháp lý, chia tách hai nghiệp vụ này khiến Citigroup "dính chưởng" một cách trực tiếp mà nếu không tháo gỡ được thì một cuộc khủng hoảng lớn sẽ xảy đến, thậm chí có thể nhấn chìm cả "con tàu Titanic Phố Wall" khổng lồ này.
Sandy Weill là người dám thách thức đạo luật Glass-Steagall (Ảnh: Business Time)
Trước sức ép trong vòng 1 năm phải bán đi các chi nhánh, công ty con hoạt động không đúng lĩnh vực nhằm đảm bảo tuân thủ theo luật, Weill lại một lần nữa thể hiện khả năng xoay chuyển tình thế thiên bẩm của mình bằng một cách "vô tiền khoáng hậu". Ông cùng đội ngũ pháp lý của Citigroup liên tục tổ chức các chiến dịch vận động hành lang rầm rộ để thuyết phục Tổng thống và Quốc hội Mỹ bãi bỏ đạo luật 65 năm tuổi vốn bị cho là đã lỗi thời và đi ngược lại sự phát triển và vận hành của một nền tài chính hiện đại đương thời.
Đúng một năm sau, quả ngọt đã được mang đến cho Weill cùng hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính khác khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký thông qua đạo luật Gramm-Leach-Bliley thay thế đạo luật Glass-Steagall, đồng nghĩa với việc Citigroup được cứu sống một cách ngoạn mục.
"Chúng tôi không cố gắng thay đổi hiện trạng Citigroup cho phù hợp với luật. Thay vào đó, chúng tôi làm mọi cách để thay đổi luật cho phù hợp với hiện trạng của Citigroup", Sandy Weill phát biểu với báo giới ngay sau đó.
Vào năm 2000, Weill trở thành chủ tịch kiêm CEO của Citigroup. Dưới sự dẫn dắt của mình, tập đoàn này chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ cả bên ngoài biên giới nước Mỹ, vươn đến khu vực châu Á và Đông Âu.
Sandy Weill chính thức rời vị trí CEO vào năm 2003 và thôi chức Chủ tịch của Citigroup vào năm 2006. Ông dành khoảng thời gian nghỉ hưu của mình để phụng sự xã hội bằng công việc thiện nguyện nhằm mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Dấu ấn rõ nét nhất mà Weill cùng vợ mình đã thực hiện chính là việc cho đi hàng trăm triệu USD để trùng tu nhiều công trình quan trọng tại Đại học Cornell nơi ông đã trải qua cuộc đời sinh viên đầy sôi nổi của mình cũng như tài trợ cho các quỹ học bổng nuôi dưỡng tài năng trẻ.
Ông Sandy Weill và vợ là những người chăm làm từ thiện (Ảnh: Beth Schlanker/Press Democrat)
Tháng 9/2020, Citigroup chứng kiến sự đổi ngôi khi một nhân vật nữ là bà Jane Fraser được lựa chọn để trở thành CEO mới của tổ chức tài chính lớn thứ 3 của nước Mỹ này.
"Tôi rất vui khi ban lãnh đạo đã lựa chọn một người phụ nữ để lãnh đạo Citigroup. Cô ấy hoàn toàn xứng đáng với vị trí này sau 16 năm làm việc với những kết quả đáng ngưỡng mộ", Sandy Weill, "công thần một thời" đồng thời hiện là cổ đông lớn của Citigroup bày tỏ.
Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Citibank được chia làm 2 mảng chính bao gồm: Khối ngân hàng cho doanh nghiệp và Khối ngân hàng bán lẻ. Một số các dịch vụ tài chính mà ngân hàng này cung cấp như: dịch vụ tài khoản, quản lý dòng tiền, chứng khoán và các dịch vụ giao dịch khác.
Năm 2001, Citibank là ngân hàng đầu tiên cho ra đời mô hình giao dịch trực tuyến tại Việt Nam, tạo bước chuyển biến tích cực không chỉ cho thị trường ngân hàng mà còn đối với khách hàng, đưa họ đến gần hơn với thời đại công nghệ 4.0 với sự đơn giản, tiện ích và dễ thao tác.
Citibank là một trong những ngân hàng quốc tế vào hoạt động tại Việt Nam từ rất sớm (Ảnh minh họa)
Tháng 4/2021, Citibank bất ngờ tuyên bố về việc rút mảng ngân hàng bán lẻ tại 13 thị trường châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á, trong đó có Việt Nam. Động thái này là một phần trong quá trình tái cơ cấu mang tính chiến lược của vị CEO mới là bà Jane Fraser.
"Citi đã hiện diện ở Việt Nam nhiều thập kỷ qua và tuyên bố mới đây của Citi toàn cầu về những hành động chiến lược đối với lĩnh vực Ngân hàng Bán lẻ ở 13 thị trường sẽ không làm ảnh hưởng đến các cam kết dài hạn của ngân hàng chúng tôi ở Việt Nam cũng như tại Châu Á Thái Bình Dương", bà Lại Minh Thúy, Quyền Tổng giám đốc Citi Việt Nam cho biết.
Việc rút lui của ngân hàng này diễn ra khi Citigroup báo cáo lợi nhuận quý I/2021 cao kỷ lục, lên đến 7,9 tỷ USD (tương đương 3,62 USD/cổ phiếu), cao hơn cả mức dự đoán trước đó là 2,6 USD của FactSet. Năm 2020, Citigroup báo cáo lợi nhuận mỗi quý chỉ khoảng 2,5 tỷ USD.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng thì việc thoái lui khỏi mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện, thậm chí có thể kéo dài vài năm. Vì vậy, hiện các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực này vẫn đang được Citibank Việt Nam duy trì mở mức bình thường như trước đó.
Nguyễn Thuận
Doanh nghiệp tiếp thị