Khi được con trai cho xem bảng điểm đỗ vào trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chị LTAT (ngụ phường 10, quận 6, TP.HCM) không kìm được nước mắt. Suốt mấy ngày liền, lòng chị lâng lâng khó tả.
Giấc mơ bao năm của chị cũng thành hiện thực, con trai sẽ được học tại ngôi trường yêu thích. Tuy vậy, cảm xúc chộn rộn trong lòng chị bị cắt ngang.
“Mẹ ơi, tiền đâu mà đóng học phí?”, lời con trai vang lên bên tai chị.
Chị quay sang con động viên: “Con an tâm mà học. Mẹ sẽ làm đủ mọi cách để có tiền cho con học đến nơi đến chốn. Có vay mượn thì mẹ cũng lo cho con…”.
Miệng chị nói chắc như “đinh đóng cột” nhưng lòng thì rối như tơ vò. Có vay tiền thì biết vay ai bây giờ…? Từ hồi có thằng nhỏ, chị đã phải sống đời tứ cố vô thân. Người ta “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, chứ thằng S. nhà chị, mất mẹ là mất hết, họ hàng xa cũng không có lấy một người.
Con trai chị T. cảm ơn mẹ bằng hành động, báo hiếu bằng kết quả học tập.
Ba năm nay, chị làm tạp vụ cho một tập đoàn trên địa bàn quận 6. Thương mẹ con chị khó khăn, lãnh đạo cho phép ở nhờ trong một căn hộ chung cư tại phường 10, quận 6, TP.HCM. Nhà cửa không có, tích góp phòng thân cũng không, tiền học phí của con cũng nhờ thầy cô trong trường gom góp.
Bao nhiêu cánh cửa đều đóng lại, chị chỉ còn hy vọng sẽ được công ty hỗ trợ. Bấm bụng làm liều, chị nộp đơn xin vay tiền cho con đi học. Một tờ đơn không theo mẫu đã được gửi đi chị.
Tờ đơn được trình lên bộ phận nhân sự của tập đoàn. Đọc đơn, lãnh đạo bộ phận này nói sẽ xem xét. Chị bấu chặt tay, quay người, bước ra cổng đi về nhà, lòng lo lắng vì dịch kéo dài khiến công ty cũng gặp nhiều khó khăn.... Không hy vọng phép màu sẽ xảy ra, chị chỉ mong sức lao động của mình sẽ được “trả trước”. Đó sẽ là phương tiện cho con chị theo học ngành Y khoa – mơ ước của cậu bé.
Cũng trong ngày hôm đó, chị nhận tin: "Tờ đơn của chị không được lãnh đạo tập đoàn duyệt, nhưng con chị vẫn sẽ có tiền đi học".
Chị nghe xong tim đập thình thịch, hỏi cặn kẽ lần nữa. “Lãnh đạo tập đoàn sẽ thưởng cho cậu bé và hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi tháng”, vẫn câu nói đó rất rõ ràng từ lãnh đạo bộ phận nhân sự.
Chị khóc, nói ơn này làm sao mà trả.
Con trai chị nghe mẹ kể, lòng cậu cũng rộn ràng. Như mọi lần, cậu không ôm mẹ, không nói lời ngọt ngào mà chỉ ngồi vào bàn học.
Chị nói thằng bé ngại bày tỏ tình cảm, chỉ muốn báo hiếu cho mẹ bằng những việc làm cụ thể. Bây giờ, cậu không chỉ báo hiếu cho mẹ, mà còn học để “cảm ơn” những điều tốt đẹp đã mỉm cười với mẹ con cậu.
Tương lai của cậu đã không phải rẽ lối. Ngành y tương lai sẽ có thêm một tay nghề được nuôi dưỡng từ sự tử tế.