Chi phí ngân sách chi trả cho bệnh nhân điều trị COVID-19 hiện nay khá lớn. Đặc biệt chi cho các bệnh nhân nặng phải hồi sức, điều trị dài ngày - Ảnh: DUYÊN PHAN
COVID-19 được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, do đó người mắc COVID-19 (F0) khi điều trị đều được ngân sách nhà nước chi trả 100% (nếu không có bệnh nền kèm theo).
Trường hợp có bệnh lý nền, BHYT sẽ chi trả theo quy định (nếu tham gia BHYT), người bệnh đồng chi trả một phần chi phí không quá lớn (khoảng 20% trong tổng số chi phí BHYT).
Vậy ngân sách phải chi trả bao nhiêu cho một ca F0?
Một chuyên gia y tế cho hay điều đó còn tùy mức độ nặng nhẹ của ca bệnh. Thông thường, các ca F0 tầng 2, 3 (có tất cả 3 tầng điều trị) sẽ cần hỗ trợ thở máy theo các mức độ, bao gồm thở không xâm lấn, có xâm lấn và nặng phải cần đến lọc máu hoặc can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Chỉ tính riêng thuốc men, vật tư y tế tiêu hao điều trị, tốn ít nhất từ 1-1,5 triệu đồng/ngày cho ca bệnh thở máy không xâm lấn; ít nhất từ 3-3,5 triệu/ngày thở máy có xâm lấn.
Với ca phải lọc máu liên tục hoặc can thiệp ECMO tốn ít nhất từ 20-30 triệu/ngày, tùy thuộc vào bệnh trạng, số ngày điều trị dài hay ngắn sẽ kéo theo chi phí phát sinh. Thông thường, các bệnh nhân can thiệp ECMO phải điều trị tối thiểu từ 15-30 ngày.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, với bệnh nhân phải hồi sức chuyên sâu, thở máy, lọc máu liên tục và chạy ECMO (tim phổi nhân tạo)... chi phí điều trị rơi vào khoảng từ 1,2 - 1,5 tỉ đồng/người. Tùy thuộc vào thời gian điều trị, các bệnh nhân nặng có thở máy, chưa can thiệp ECMO chi phí khoảng từ 100-200 triệu/người. Còn đối với các bệnh nhân nhẹ và vừa trung bình (có triệu chứng), chi phí dao động từ 1-20 triệu đồng/người.
Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 18-9, cả nước có 677.023 trường hợp mắc COVID-19, trong đó số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.477 ca, cụ thể thở oxy dòng cao HFNC (916 ca), thở máy không xâm lấn (232 ca), thở máy xâm lấn (771 ca) và ECMO (34 ca).
Hiện có bảng kê chi phí điều trị cho một nữ bệnh nhân hơn 1,6 tỉ đồng trong 40 ngày điều trị tại bệnh viện đang lan truyền trên mạng.
Ngoài mắc COVID-19, bệnh nhân này còn mắc thêm một số bệnh lý nền và được BHYT chi trả trên 500 triệu đồng (80%), còn lại 20% bệnh nhân đồng chi trả với trên 138 triệu đồng.
Đại diện BHXH TP.HCM cho biết thêm, bệnh nhân này mắc COVID-19, ban đầu được chuyển vào Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi điều trị, trước khi chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngày 19-9, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận người bệnh này được điều trị tại đây, đã khỏi bệnh, xuất viện.
"Ca này được áp dụng tất cả các phương pháp điều trị tốt nhất, do đó chi phí nêu trên khá rẻ. Như bệnh nhân phi công 91 chi phí điều trị gần 4 tỉ đồng, tất cả đều được cơ quan bảo hiểm quốc tế chi trả" - đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.
TTO - Toàn bộ phi hành đoàn của chuyến bay Việt Nam - Anh đưa bệnh nhân 91 về nước và đón 340 công dân Việt Nam hiện đã về đến Hà Nội sáng nay 13-7. Đây là chuyến bay đặc biệt, trên máy bay có bệnh nhân 91 và là đồng nghiệp của phi hành đoàn.