Hiện tại, quận 7 (TPHCM) đã bắt đầu phát phiếu đi chợ cho người dân. Sau 1 tuần, quận này sẽ đánh giá lại vùng xanh để mở rộng hoặc thu hẹp việc phát phiếu tùy thuộc vào công tác phòng, chống dịch.
Chợ đầu mối hoạt động theo mô hình trung chuyển
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, hiện nay nhu cầu cung ứng hàng hoá chưa ở mức cần mở lại chợ đầu mối vì thế việc mở lại chợ đầu mối vừa không đảm bảo an toàn lại gây lãng phí.
Cụ thể, tại họp báo chiều 19.9, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện nay, thành phố đã có chủ trương và các chợ đầu mối đã chính thức thực hiện theo mô hình điểm tập kết và trung chuyển hàng hoá. Trong đó, 2 chợ đầu mối đã triển khai là chợ Bình Điền và chợ Thủ Đức.
Riêng chợ Hóc Môn, sau một thời gian chuẩn bị thì chính thức từ đêm mai (20.9) sẽ đi vào hoạt động. Tuỳ tình hình thực tế, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho thành phố mở lại chợ khi thấy an toàn và cần thiết. Ông Phương cho rằng hiện nay nhu cầu cung ứng hàng hoá chỉ ở mức độ như vậy, khi mở lại chợ vừa không đảm bảo an toàn lại gây lãng phí.
Hơn 18.600 hộ dân quận 7 đã được phát phiếu đi chợ
Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thông tin về tiến độ phát phiếu đi chợ tại quận 7. Theo đó, đến nay, 18.620 hộ trên tổng số 46.438 hộ của 416 tổ dân phố thuộc 10 phường đã được phát phiếu đi chợ. Phiếu này có giá trị trong tuần, 1 tuần/lần vì sau một tuần, quận sẽ đánh giá lại vùng xanh để mở rộng hoặc thu hẹp việc phát phiếu tùy thuộc vào công tác phòng, chống dịch.
Về mô hình chợ dã chiến mà quận 5 mới đề xuất, ông Phương cho biết các phương án, kế hoạch của địa phương phải báo cáo lên TPHCM và chờ được sự chỉ đạo. Nếu được chấp thuận, ngày 22.9, quận 5 sẽ triển khai mô hình này.
Về tình hình đi chợ hộ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM, tình hình thực hiện trong ngày 18.9, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là 52.760 hộ, giảm 4,15% (tương đương giảm 2.287 hộ) so với ngày hôm trước. Nguyên nhân giảm mạnh do các hộ dân có thêm nhiều lựa chọn để đi chợ, trong đó người dân ở các quận 7, huyện Cần Giờ và Huyện Củ Chi được đi chợ 1 lần/tuần/hộ.
Tài xế sửa giấy xét nghiệm dương tính thành âm tính
Thông tin về tình hình giao thông tại TPHCM, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết bộ tiêu chí an toàn của ngành Giao thông Vận tải trong giai đoạn dịch bệnh được áp dụng trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, bộ tiêu chí này được xây dựng kỹ nên các địa phương khác có thể nghiên cứu, còn việc quyết định phụ thuộc UBND từng tỉnh, thành.
Về việc tổ chức giao thông liên vùng, thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam thường xuyên họp và tạo thuận lợi trong quá trình lưu thông giữa các tỉnh. Nhưng giai đoạn dịch bệnh sẽ có xuất hiện khó khăn nhất định. Đặc biệt, một số địa phương có cách làm chưa phù hợp và đã được điều chỉnh.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phối hợp với các địa phương để báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải để đề xuất vướng mắc và cơ bản được kịp thời giải quyết.
Với luồng xanh tại TPHCM, từ khi triển khai đến nay, ông Bằng cho biết hiện không có vướng mắc và hoạt động ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình lái xe hoạt động có sự vi phạm. Ông Bằng dẫn chứng, tại Bình Dương hôm qua có tài xế cố tình sửa giấy xét nghiệm từ dương tính thành âm tính để qua chốt. Điều này gây ra sự mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Về nguyên tắc, các chốt không bắt buộc kiểm tra giấy xét nghiệm nhưng lực lượng chức năng vẫn có thể kiểm tra ngẫu nhiên. Do đó, ông Bằng đề nghị các tài xế đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình lưu thông.
Xem thêm: odl.013559-7-nauq-nad-iougn-ohc-ohc-id-ueihp-tahp-ceiv-ial-tex-mex-es-iot-naut/et-hnik/nv.gnodoal