Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có nhiều bất cập, cần điều chỉnh phù hợp trước khi thông qua.
Chất thải chế biến thủy sản không độc hại như chất thải công nghiệp
Chiều 19.9, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho biết, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) gấp rút hoàn thiện để trình Bộ Tư pháp thẩm định, thông qua vào cuối tháng 9 này, đang có nhiều bất cập.
“Dự thảo này vẫn đang gây tranh cãi bởi áp “tiêu chuẩn” các nước tiên tiến, hiện đại sang đất nước nông nghiệp đang phát triển. Thậm chí còn tăng chi phí nhưng không hiệu quả cả về mặt quản lý nhà nước lẫn bảo vệ môi trường, lại phát sinh thêm tiêu cực” – ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Ông Nam cho rằng, việc xếp các cơ sở chế biến thủy sản có lưu lượng xả thải ra môi trường chỉ từ 200m3/ngày cũng phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải, thay cho mức từ 1.000m3/ngày được quy định trước đây là “làm khó” doanh nghiệp.
“Đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỉ đồng, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc. Nhưng cái đáng nói hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác. Yêu cầu này khiến doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa, không có nhà máy chế biến thủy sản nào có thể thực hiện được” – ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho rằng, đưa nhà máy thủy sản vào mức nguy cơ ô nhiễm cao bởi so với các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm khác là chưa hợp lý. Theo QCVN 11:2015 về nước thải nhà máy chế biến thủy sản không có các chỉ tiêu nước thải độc hại, chủ yếu có nguồn gốc từ cơ thịt thủy sản và các phụ gia thực phẩm, đều là những chất từ tự nhiên và ăn được đối với con người, không gây độc hại mạnh như những hóa chất dùng trong các ngành công nghiệp khác.
Nhiều quy định không thực tế "làm khó" doanh nghiệp
Ông Chad Ovel - Chủ tịch AmCham Việt Nam cũng nêu nhiều bất cập trong dự thảo nghị định, nếu không điều chỉnh khi đưa vào áp dụng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, công thức tính mức phí, tỉ lệ tái chế và quy cách tái chế, cơ chế quản lý thu chi từ các điều 88 đến 97 chưa rõ ràng và chưa phù hợp, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện mức phí và quản lý thiếu minh bạch đối với số phí thu được.
Bên cạnh đó, một số quy định của dự thảo này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, vượt quá quy định của Luật Bảo vệ môi trường, nên sẽ gây khó khăn, tốn kém không nhỏ cho doanh nghiệp.
"Tỉ lệ thu hồi đối với bao bì quy định trong Phụ lục 55 của Dự thảo từ 80 -90% là quá cao, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Để đạt được tỉ lệ thu hồi này, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ mới và thời gian triển khai, dự kiến phải mất từ 3-5 năm.
“Chúng tôi góp ý cần có lộ trình và tỉ lệ thu hồi phù hợp, khởi đầu là 40%, sau đó cứ 3 năm tăng một lần, mỗi lần không quá 5%. Trước mắt ưu tiên thu gom, tái chế những sản phẩm, bao bì khó thu gom, gây tác hại lớn cho môi trường. Những bao bì có giá trị thương mại và tỉ lệ thu hồi cao, như bao bì giấy, bao bì nhôm, không gây độc hại cho môi trường nên được cân nhắc bỏ ra khỏi danh mục tái chế bắt buộc” – Chủ tịch AmCham đề xuất.
Theo ông Mikinao Tanaka - Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty TNHH CANON Việt Nam, dự thảo quy định doanh nghiệp “đóng góp tài chính” vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải. “Nếu gọi “đóng góp” thì phải là khoản tiền tự nguyện dựa trên khả năng, nguyện vọng, mong muốn của doanh nghiệp, nhưng ở đây là khoản tiền doanh nghiệp bắt buộc phải đóng. Về bản chất đây là một loại phí tương tự như phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường, khai thác khoáng sản được đề cập trong Luật” – ông Mikinao Tanaka nêu ý kiến.
Vasep cũng đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến 1.1.2025, vì nếu Nghị định áp dụng vào ngày 1.1.2022 thì doanh nghiệp vừa vượt qua “cú sốc” COVID-19, vượt quá khả năng chịu đựng, vì phát sinh chi phí trong khi doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn.
Xem thêm: odl.792559-gnourt-iom-ev-oab-ev-iom-hnid-yuq-et-cuht-gnud-hnihc-ueid-nac/et-hnik/nv.gnodoal