Ở một số nước như Israel, Anh, các nước Liên minh châu Âu, người nhiễm COVID-19 và đã khỏi cũng được quyền tiếp cận các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán bar… như những người đã tiêm chủng.
Tuy nhiên, tại Mỹ, trao đổi với tạp chí The Atlantic, TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Mỹ, thành viên cấp cao đội chống COVID-19 của Nhà Trắng, thừa nhận rằng chuyện đối xử với người đã từng nhiễm bệnh như thế nào vẫn “đang được thảo luận tích cực”. Tuy nhiên, theo ông, đến thời điểm này chính sách của Mỹ vẫn là người dù đã nhiễm và đã khỏi vẫn nên đi tiêm vaccine.
Với virus SARS-CoV-2, cả việc tiêm chủng và bị lây nhiễm đều có khả năng tạo miễn dịch cho cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng chọn để cơ thể bị lây nhiễm để có miễn dịch thay vì đi tiêm vaccine không bao giờ là điều nên làm. Chạm trán với virus SARS-CoV-2 trong khi cơ thể không có miễn dịch có thể mang lại rủi ro rất lớn là bệnh nặng tới mức nhập viện, thậm chí tử vong, trong khi đó tiêm vaccine cung cấp miễn dịch một cách an toàn.
Ngoài ra, theo nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki tại ĐH Yale, sống sót sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể đồng nghĩa cơ thể có một mức bảo vệ nào đó nhưng không có gì đảm bảo cơ thể sẽ không bị đe dọa nếu lại bị nhiễm lần nữa.
Hơn nữa, theo chuyên gia Nahid Bhadelia - Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm mới nổi của ĐH Boston, không giống như khi tiêm vaccine, người bị nhiễm bệnh có khả năng lây nhiễm cho người khác và trở thành “mối đe dọa sức khỏe cộng đồng”.
Một số chuyên gia băn khoăn về việc cần tiêm cho người đã bị nhiễm bao nhiêu mũi vaccine thì đủ mức kháng thể bảo vệ họ. Ở một số nước như Pháp, người khỏe mạnh đã bị nhiễm qua thì chỉ cần tiêm một mũi vaccine. Tuy nhiên, với tính chất khó đoán của các bệnh truyền nhiễm thì nhiều chuyên gia cho rằng an toàn nhất vẫn là tiêm đủ hai liều cho người đã nhiễm để bảo đảm bảo vệ họ ở mức tối ưu.